Không phải bọt xà phòng (*)

05/11/2011 16:28 GMT+7

Rất nhiều chất thời sự thực - ảo sáng - tối đan xen, với vô vàn những kìm nén bên cạnh những bật vỡ trong tập trường ca có cái tên gây thắc mắc của Phan Trung Thành: ăn xà bông.

Rất nhiều chất thời sự thực - ảo sáng - tối đan xen, với vô vàn những kìm nén bên cạnh những bật vỡ trong tập trường ca có cái tên gây thắc mắc của Phan Trung Thành: ăn xà bông.

“Nếp nghĩ bọt xà bông/tuôn vào ánh chiều ma mị/tôi đớn hèn trong thoáng bứt cương/ điều mê đắm tan nơi đầu lưỡi… bao nhiêu nụ cười thương nhớ nở trong đêm/một đời người/ không mang hết/một đầm lầy mấy ngả âm dương/ai nổi tiếng/mà không cần nhiều bọt?...”. Những câu thơ ngay từ những trang đầu đã trao cho người đọc chiếc “chìa khóa” để đi vào phần nội dung chính của trường ca: “nói lời”.

Nội dung này giải thích vì sao tập thơ được gọi là “trường ca hoạt họa”, bởi đây là câu chuyện về một thế giới không phải của con người, thế giới của loài ngáo. Những cóc - nhái - ễnh ương - chão chuột chỉ sống trong ngập ngụa bùn lầy nhưng lại hết sức to tiếng, to mồm, một “lũ ngáo con sinh lũ ngáo cha sinh ra ông nội ngáo ộp…” lộn tùng phèo, và cũng vì thế, bất cứ chuyện ngạo ngược quái quỷ gì cũng có thể xảy ra một cách ngang nhiên, thản nhiên. Hai mươi sáu chương của phần này hội đủ tất cả những yếu tố cơ bản của hoạt họa, từ toàn cảnh đến đặc tả, từ màu sắc đến nhịp điệu, tiết tấu… trong thế giới loài ngáo: “ăn nước của mây/ăn gió của bão/bùn là trường thành/đất là địa đạo… lời nói nước chảy/tiếng kêu mây tan…”.

Trong thế - giới - ngáo ấy cũng có kẻ sống - kẻ chết, kẻ trên - kẻ dưới, kẻ được - kẻ bị, cũng đủ cả nam phụ lão ấu… và cũng đảo điên điên đảo kiểu “khi loài chó bán tiểng sủa cho trâu/khi loài hổ bán tiếng gào cho sói/khi loài cú bán tiếng hót cho mèo/khi loài thỏ bán bộ lông cho cáo…”. Bởi vì, “ngáo sống trong bùn làm sao trong sạch?”, nên lũ hậu sinh ngáo “đứt đuôi thì dễ khó trưởng thành”.

Từ chữ đầu tới chữ cuối của trường ca không hề có một dấu chấm dấu phết nào, (không kể những dấu hỏi và dấu than), và vì thế không hề có một chữ viết hoa nào: đó là một dòng liên tưởng miên man không đầu không cuối, và dường như vẫn tiếp tục tỏa lan sau chữ cuối cùng, trang cuối cùng.

Từ một nội dung vừa bao quát vừa xuyên sâu, Phan Trung Thành đã cố công tìm một cách thức thể hiện mới, cũng chính là tìm “lối ra” cho tác phẩm. Cảm xúc con người hòa trộn với cảm xúc công dân mạnh mẽ buộc nhà thơ phải tìm cho được con đường riêng, một hình thức chưa ai nghĩ đến. 

Cho nên ngay trong phần “mở lời” ngắn ngủi, Phan Trung Thành đã phơi bày những khắc khoải xót đau, từ ngồn ngộn những thực tế phũ phàng mà có thể hầu hết các nhà thơ đã bỏ quên: “thi nhân chấm bút vào biển cảm/họa tiết hoa mơ xứ khác mưa/miền tây cũng có mùa không lũ/sao các em dính lưới trên khô?...”.

Các cô gái miền Tây ấy, ở cùng một phía, chung một không gian với một “gã bỏ vợ hai con đêm đêm làm mèo mướp/trông chuột nhà người khác/núp trong quần áo cũ...”. Những cô gái “dính lưới trên khô” ấy đã trở thành những cô dâu bất hạnh trong những cuộc hôn nhân giá rẻ ê chề, còn gã đàn ông “núp trong quần áo cũ” thì hằng đêm phải từ bỏ giấc ngủ bên vợ con, lẩn lút ra đường làm những công việc chẳng ra gì, chỉ để kiếm cơm. 

Hầu như mọi “vấn nạn xã hội” đều xuất hiện trong tập thơ, như một cuộc diễu hành “đi qua những bờ lầy những đầm hoang/đi như trôi trên khung trời/đi như chảy trong dòng vô định…”. Trong thế giới đầm lầy “nín như nín ho/nín như nín đau/nín như nín thở/nín như máu chảy lặng lẽ…” ấy, nhà thơ không “ăn xà bông” của cửa hàng mậu dịch thời bao cấp mà sau khi cũng xếp hàng, chờ đợi mỏi mòn ê ẩm, cũng phải ăn một thứ gì đó: một thứ xà bông - ngôn từ. Thế nhưng anh lại có được một tập thơ hoàn toàn không phải bọt xà phòng.  “bùn như lưới mỏng thi ca/phủ lên một lớp hóa ra bạc người…”.

Phan Trung Thành đã thành công trong việc tự làm mới mình, và góp phần làm mới thơ Việt.

Ngô Thị Kim Cúc

(*) Đọc ăn xà bông, trường ca của Phan Trung Thành, NXB Hội Nhà văn, 2011

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.