Bài học đau đớn

24/10/2010 00:13 GMT+7

Có thể nói vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng ngày 18.10 trên QL1A, thuộc địa phận xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), khiến chiếc xe khách mang BKS 48K-5868 bị nước lũ cuốn trôi, làm 20 hành khách thiệt mạng là một bài học đau đớn về công tác quản lý của các cơ quan chức năng cũng như ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Quan sát tại hiện trường, nhiều người đã đặt câu hỏi, tại sao chiếc xe khách xấu số này đã lọt qua trạm kiểm soát hướng dẫn giao thông của lực lượng cảnh sát giao thông trên QL 1A? Dù giải thích cách gì đi nữa thì cũng không thể biện hộ được cho sự thiếu trách nhiệm của lực lượng CSGT ở chốt chặn phía Nam điểm ngập lụt này. Nếu lực lượng cảnh sát thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, cùng với người lái xe có ý thức chấp hành luật pháp thì chắc chắn thảm họa đã được ngăn chặn…

Tai nạn xảy ra rồi, mãi 5 ngày sau thì xác chiếc xe cùng với những hành khách xấu số mới được vớt lên bờ, đây là điều đáng buồn và phải suy nghĩ về công tác tìm kiếm cứu nạn. Trớ trêu hơn, việc phát hiện vị trí chiếc xe lại do những người dân thường cùng những phương tiện thô sơ mà không phải do lực lượng tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp thực hiện. Mặc dù lực lượng này được huy động tới 500 người, cùng với các phương tiện hiện đại được huy động tối đa, cùng sự giúp sức của những nhà ngoại cảm.

Ngay sau khi vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra, PV Thanh Niên đã có mặt và bám sát hiện trường. Chứng kiến cuộc tìm kiếm từ 8 giờ sáng 18.10 cho đến khi chiếc xe bị nạn cùng với các thi thể nạn nhân được trục vớt lên bờ (21.10), điều mà chúng tôi ghi nhận là sự vất vả và nhiệt tình của các lực lượng công an, quân đội trong công tác tìm kiếm. Nhưng thực sự các lực lượng này đã lúng túng, thiếu kinh nghiệm và thậm chí là mất phương hướng trong công tác tìm kiếm. Việc phối hợp của các lực lượng cũng không được ăn ý, dẫn đến cuộc tìm kiếm đã không mang lại kết quả nhanh chóng, nếu không muốn nói là thất bại.

Qua vụ việc này cho thấy, trong quá trình diễn tập, các lực lượng tìm kiếm đã không tính toán, diễn tập thường xuyên những “kịch bản” tương tự như vụ tai nạn trên, hoặc có tính tới nhưng đã không được thực hiện một cách bài bản, khoa học. Tại hiện trường, nhìn những chiếc tàu của công an, bộ đội chạy tới chạy lui giữa biển nước mênh mông, nhìn những ánh mắt mệt mỏi của họ, chúng tôi có cảm giác như lực lượng tìm kiếm đang chơi trò may rủi, kiếm tìm trong vô vọng.

Nếu có kinh nghiệm và một sự phân tích khoa học thì chắc chắn “manh mối vết dầu nổi” đã được tính tới. Bởi chắc chắn vết dầu sẽ phải nổi lên, chỉ đường đến vị trí của chiếc xe dưới đáy sông. Chỉ đến khi những người dân thường, bằng kinh nghiệm sông nước của mình, phát hiện ra, thì tất cả mới ồ lên: Tại sao không một ai nghĩ ra nhỉ?

Cách đây 2 tháng, Báo Thanh Niên đã có bài viết Công tác cứu nạn còn nhiều bất cập đề cập vụ tìm kiếm vô vọng 10 ngư dân mất tích trên vùng biển Đà Nẵng của lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp (có sự tham gia của nhiều tàu lớn và cả trực thăng). 10 ngư dân, cuối cùng đã thoát chết trong tình trạng kiệt sức hoàn toàn nhờ kinh nghiệm của thuyền trưởng Lê Văn Lịch (Liên Chiểu, Đà Nẵng) khi ông này trong lúc tham gia tìm kiếm đã thấy họ đang lênh đênh trên biển ở khu vực Cù Lao Chàm, cách bờ chừng 30 hải lý.

Chúng ta không bao giờ mong muốn có tai nạn xảy ra để... rút kinh nghiệm. Nhưng chắc chắn, tai nạn này là bài học quý giá để các lực lượng quản lý, lực lượng tìm kiếm cứu nạn coi như bài học nhằm hoàn thiện những kỹ năng để ứng phó với các tình huống tương tự. Một bài học đau đớn.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.