Bất động sản du lịch: Nhìn từ Phuket

22/11/2009 10:43 GMT+7

(TNTT>) Theo nhận định của giới chuyên gia, thị trường bất động sản (BĐS) du lịch Việt Nam có thế mạnh và sức lôi cuốn lớn hơn hẳn Phuket (Thái Lan) như: Thời gian thuê đất dài hơn (50-70 năm, trong khi Thái Lan chỉ cho thuê 30 năm); Chi phí thuê đất tại Việt Nam thấp hơn Thái Lan, và chi phí xây dựng cũng rẻ hơn...

Tuy nhiên, hiện ngành BĐS du lịch, đặc biệt là phân khúc nhà nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn chậm phát triển hơn Phuket cả… mấy chục năm.

Công ty CBRE Việt Nam cho rằng sở dĩ BĐS du lịch của Thái Lan ăn đứt Việt Nam là do người Thái chỉ tập trung phát triển ngành này ở những khu vực có tiềm năng như: Pattaya, Hua-Hin, Phuket và Samui. Trong đó nổi bật nhất là Phuket, một thiên đường về du lịch nghỉ dưỡng có thể so sánh với khu vực Caribe và Địa Trung Hải. Không phải “may mắn” mà Phuket trở nên hấp dẫn như vậy mà ngay từ năm 1980, Thái Lan đã cho xây dựng tại đây sân bay Phuket, và đến năm 1988 đã cho xây dựng khu Amanpuri-là khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất tại khu vực này.

Tiếp theo đó, trong những năm đầu của thập niên 90, các khu nghỉ dưỡng khác cũng được quy hoạch quy củ. Đến nay, Phuket có hơn 5.600 căn hộ và biệt thự, cùng với hơn 650 khách sạn (hơn 38.000 phòng), đủ đáp ứng nhu cầu của bất kỳ lễ hội nào được tổ chức tại đây mà không lo cảnh thiếu phòng, tăng giá vào những dịp lễ hội như ở Việt Nam. Đồng thời, với 7 sân golf, 4 cảng du thuyền (gồm 810 bến đỗ đã đón và đưa hơn 4.000 tàu thuyền trong năm 2008), sân bay Phuket có công suất tiếp nhận hơn 300 chuyến quốc tế và nội địa hằng tuần… đã đáp ứng nhu cầu đi lại và vui chơi một cách tiện ích cho các “thượng đế”, nên đã kéo lượng du khách đến đây tăng chóng mặt. Nếu vào năm 1990 chỉ hơn 1,25 triệu lượt du khách tới Phuket, thì đến năm 1993  con số đã là 3 triệu, và năm 2008 vượt quá 5,3 triệu.

Trong khi đó tại Việt Nam, từ cửa ngõ TP.HCM, du khách nước ngoài nếu muốn đi nghỉ dưỡng tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Quốc (Kiên Giang)… phải mất cả buổi trời đánh vật với xe đò. Điều này đã khiến khách đến một lần là… sợ và không dám quay lại lần thứ hai. 

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam có lợi thế gấp nhiều lần Thái Lan để có thể phát triển ngành du lịch khi tiềm năng  rất lớn, nhất là các tỉnh ven biển miền Trung, nơi có bờ biển dài và đẹp. Ngoài ra, khí hậu địa hình của Việt Nam cũng rất phong phú. Tuy nhiên, thế mạnh đó không thể phát huy vì hệ thống hạ tầng, nhất là giao thông còn nhiều hạn chế.

Theo các chuyên gia, Phuket được như ngày nay bởi nhiều yếu tố khác nhau, nhưng quan trọng nhất vẫn là họ đã nghiên cứu rất kỹ, thiết kế các khu nghỉ dưỡng phù hợp với thị trường, đầu tư tài chính ổn định, và đặc biệt là họ đã tạo dựng nên một thương hiệu riêng mang tầm quốc gia. Một ví dụ điển hình là khu nghỉ dưỡng Layan tại Phuket có chi phí xây dựng rất cao nhưng giá bán chỉ bằng một nửa so với khu Banyan Tree (Lăng Cô, Việt Nam) có giá xây dựng chỉ bằng một nửa.

Ngoài những điểm mạnh được thiên nhiên “ưu đãi” thì Việt Nam còn nhiều yếu tố cần khắc phục để BĐS du lịch cất cánh, phải làm sao du khách đến lần thứ nhất là phải đến lần thứ hai, thứ ba..., khuyến khích du khách nội địa đến các khu du lịch biển, giảm giá phòng... Lĩnh vực BĐS du lịch, nghỉ dưỡng cần nhiều chuyên gia có kinh nghiệm nhưng hiện nay Việt Nam vẫn chưa có nhiều. Những dịch vụ vui chơi giải trí, kết nối cộng đồng và nghỉ dưỡng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Khắc phục được những điểm trên cộng với sự phát triển về khoa học kỹ thuật và trình độ con người, Việt Nam mới mong bắt kịp các nước khác trong khu vực về lĩnh vực BĐS du lịch, nghỉ dưỡng.

Ngọc Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.