Người hồn nhiên nhất trần đời đã ra đi

28/01/2004 15:35 GMT+7

Trưa ngày 24/1/04 lúc 12 giờ, nhà thơ Nguyễn Duy báo cho biết anh Xuân Hoàng vừa trút hơi thở cuối cùng. Dẫu biết rằng Xuân Hoàng lâm bệnh nặng gần mười năm nay và đã hôn mê kéo dài cả năm trời ở trong hẻm 62/7/23 Nguyễn Đình Chính, TP Hồ Chí Minh. Tôi đã đến thăm anh nhiều lần, biết rõ anh sẽ không qua khỏi, nhưng sao khi nghe tin anh qua đời, người cứ bàng hoàng như vừa đánh mất một cái gì quý báu lơn lao lắm.

Tôi biết Xuân Hoàng ngót nửa thế kỷ nay từ trong phong trào văn nghệ kháng chiến Liên khu 4, nhưng cùng sống và làm việc thật sự với anh suốt mười năm liền, khi tôi từ quân đội chuyển ngành về làm điện ảnh ở Quảng Bình năm 1961. Năm 1963, Xuân Hoàng rủ tôi qua làm văn nghệ cho đến năm 1973 thì tôi đi B. Nhớ lại hồi đó chỉ có hai anh em chạy hết các cửa từ Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương đến Tỉnh ủy để xin lập ra cho được cái Hội Văn nghệ Quảng Bình. Từ đó, chúng tôi đã cùng nhau ra báo: Tạp chí Gió Đại Phong. Cùng nhau đi tìm phát hiện và bồi dưỡng lớp văn nghệ trẻ mà sau này đã trở thành các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Trần Nhật Thu, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Khắc Phê, Lê Thị Mây, Hoàng Vũ Thuật... và hàng chục cây bút khác ở Bình Trị Thiên mà hiện nay hầu hềt đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Xuân Hoàng là người nhân hậu, vị tha; rất thương yêu và nâng niu những cây bút trẻ. Anh rất có công đào tạo thế hệ viết văn trẻ ở Quảng Bình... Thời đó rất gian khổ, cả Hội chỉ có cái xe đạp của Xuân Hoàng, nhưng khi nghe ở Lộc Thủy có cô học sinh làm thơ hay, Xuân Hoàng liền đèo tôi tìm về quê Lâm Thị Mỹ Dạ. Sau hơn một năm lên về bồi dưỡng, chúng tôi đã đưa được Dạ về Hội. Sau Dạ thì đến Mây. Lúc đó Mỹ đã ném bom ác liệt lắm.

Một hôm Chủ tịch tỉnh Cổ Kim Thành gọi điện bảo chúng tôi ra ngay Trường Y sĩ, có một cô nhân viên tên là Phạm Tuyết Bông vừa gửi đơn xin Chủ tịch tỉnh về ở Hội để làm thơ. Nếu không cho về Hội thì cô sẽ... tự tử. Xuân Hoàng rủ tôi tức tốc đi ngay, nếu chậm trễ cô ta mà chết thật, thì chúng tôi sẽ ân hận suốt đời. Chúng tôi liền vượt qua đoạn đường đầy bom đạn, bị máy bay đuổi bắn mấy lần suýt chết, mới gặp được người yêu thơ dữ dội ấy: Đó là Lê Thị Mây ngày nay. Cứ như thế, chúng tôi vượt bom đạn lên đường 12A để tìm kỹ sư cầu đường Nguyễn Khắc Phê, sau đó xin Phê về Hội. Tìm và bồi dưỡng suốt 10 năm để góp phần tạo nên những cây bút sung sức của Bình Trị Thiên bây giờ. Nhà thơ Chế Lan Viên, nhà văn Nguyễn Đình Thi và Bùi Hiển rất thương yêu Xuân Hoàng và đã vào ra giúp đỡ chúng tôi rất nhiều.

Xuân Hoàng là một động cơ thúc đẩy phong trào sáng tác ở địa phương. Nhìn tấm gương miệt mài say mê làm thơ, viết văn của Xuân Hoàng, ai cũng muốn cầm ngay lấy bút. Xuân Hoàng có thói quen khi có cảm xúc, ý tứ đến là anh cầm bút viết ngay. Viết xong, anh thích đọc liền cho bạn nghe. Và khi đoc gặp ý thơ hay, anh đắc chí vỗ đùi hoặc véo cho người ngồi cạnh dẫy nẫy lên và hồn nhiên hỏi: "Hay không? Thích không?" rồi tự trả lời: "Thích quá đi chứ!". Thường khi anh cầm bài thơ mới sáng tác đến đọc cho Bông, Dạ hoăc ai đó nghe, tôi liền vớ ngay cái quạt mo hay tấm bìa cáctông chạy đến ngồi cạnh để dề phòng đỡ đòn các thính giả khi "được" Xuân Hoàng vỗ đùi và... cấu véo.

Một lần tôi đang viết gấp cuốn "Chớp biển" nói về các cô gái pháo binh Ngư Thủy. Nhà Xuất bản Phụ Nữ đang giục, thì Xuân Hoàng đem bài thơ mới làm đến đọc. Mặc dầu rất vội nhưng muốn anh vui lòng tôi liền dừng bút lắng nghe thơ anh. Tính tôi thích đùa. Thấy Xuân Hoàng làm thơ rất nhanh. Tôi xin bác sĩ cái đơn thuốc có đóng dấu khống chỉ rồi điền vào: Họ tên Xuân Hoàng. Căn bệnh: Té re khi sáng tác. Điều trị: Trước khi làm thơ cần nhai và nuốt ngay 2kg đọt lá ổi, 2kg chuối chát. Cầm đơn thuốc đọc, Xuân Hoàng không giận, cười ha hả, hỏi: "Sao Tấn không kê đơn cho Lương An mắc bệnh táo bón trong sáng tác. Mấy năm rồi mà chỉ có bài "Đò em lên xuống Ba Lòng". Tôi nói Lương An bận dịch thơ Tùng Thiện Vương nên ít làm thơ. Vậy bây giờ chúng ta nên cho Lương An uống thuốc gì khi phải làm thơ? Xuân Hoàng lại cười: "Trước khi Lương An ngồi vào bàn định sáng tác, nên cho nhai 10 hạt mã tiền, 40 hạt ngô đồng và xơi 2kg thit đóng hộp quá đát" rồi Xuân Hoàng cười thật vô tư.

Năm 1971, tôi đi chiến dịch đường 9 Nam Lào. Ở Quảng Bình, nghe bom B.52 nổ rền phía mặt trận. Sợ tôi chết bom vì rất thương đồng nghiệp, Xuân Hoàng nhắn vào bảo tôi ra ngay. Tôi nhại thơ Phạm Tiến Duật, viết mấy dòng trả lời:

Một chiếc chân què mà ra trận
Bài còn chờ đó tiếng bom reo
Nằm ngửa nhớ Bông, nằm nghiêng nhớ Dạ
Lom khom ngồi dậy, nhớ Xuân Hoàng...

Về sau nghe Dạ kể lại: Xuân Hoàng nói: "Tấn mà còn hài hước được, là trong đường 9 chưa căng thẳng lắm".

Hàng chục tâp thơ, văn của Xuân Hoàng được in ra bạn đọc đều thích, trong đó có công đóng góp rất lớn của chị Bình, vợ anh. Tên thât của chị là Hà Thị Thu Tịnh, nguyên Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Bình. Chị là người vợ yêu chồng hết mực và là ngươi rất mê thơ Xuân Hoàng. Anh cũng là ngươi rất yêu vợ, thương con nhưng tính nết vui đó lại buồn ngay đó và hay hờn dỗi. Có lần chúng tôi từ Hội Văn nghệ đèo nhau đến chỗ sơ tán của Hội Phụ nữ giữa trưa nắng. Gặp vợ, Xuân Hoàng đòi uống nước chanh đường. Mặc dầu chị Bình đang bận cho con bú, sợ anh giận chị liền đặt con vào nôi rồi đi làm ngay cốc nước chanh đưa tận tay chồng và nói: "Nước đây, uống đi anh". Chị Bình thường nói với chúng tôi: "Anh Hoàng nóng tính nhưng tốt bụng. Các anh nên thông cảm bởi vì trong Xuân Hoàng có cả tâm hồn một nghệ sĩ lớn nhưng còn có cả tính nết của trẻ nhỏ."Có lẽ chị Bình yêu anh cả ở nhược điểm đó. Mười năm ngồi cạnh chăm sóc người chồng nằm liệt giường mà vẫn dịu dàng, chu đáo, kiên nhẫn đến như thế, chứng tỏ tình yêu của chị đối với anh lớn lao biết nhường nào. Xuân Hoàng viết: "Chỉ có đi qua sự hoài nghi, mới có lòng tin vững chắc". Nhưng mười năm sống cạnh anh, tôi chưa thấy anh hoài nghi ai bao giờ. Anh cả tin, và thương người. Đó chính là ưu điểm mà cũng là nhược điểm của anh.

Tập thơ "Tiếng hát quê hương" của anh, Nhà xuất bản in bìa thiếu gáy. Anh gặp Trưởng ban thơ của Hội Nhà văn khiếu nại. Chế Lan Viên đùa: "Hát thì hay rồi mà chưa được gáy. Vậy nên đặt tên bìa là: Tiếng gáy quê hương thì Nhà xuất bản sẽ nhớ mà in vào gáy sách "Tiếng hát của Xuân Hoàng". Nói đùa thế mà anh tưởng thật, định làm thế thật... Những lúc gặp phải chuyện gì đó buồn lắm, Xuân Hoàng tìm đến Chế Lan Viên và kêu lên: "Buồn quá anh Hoan ơi!", Liền sau câu đó là anh cười. Chế Lan Viên trố mắt nhìn và không hiểu sao buồn quá lại cười? Bao nhiêu năm chống Pháp, đau ốm, đói khát trên chiến khu rồi những năm sống dưới tầm bom đạn Mỹ ở đất lửa Quảng Bình, lúc nào Xuân Hoàng cũng lạc quan yêu đời và cười vang vô tư. Chế Lan Viên khẳng định: "Xuân Hoàng đúng là một con người hồn nhiên nhất trần gian". Chúng tôi yêu quý và tiếc thương Xuân Hoàng chính bởi sự hồn nhiên trong sáng rất nghệ sĩ của anh.

Trần Công Tấn
(14h ngày 24 tháng giêng năm 2004)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.