Lặng lẽ phà đêm

15/10/2009 09:16 GMT+7

23g đêm. Tiếng còi báo hiệu phà Bình Khánh nối hai huyện xa nhất của TP.HCM: Nhà Bè - Cần Giờ sắp rời bến. Từ trên cầu phà, một phụ nữ nhỏ bé tất tả chạy ào xuống phà. Vừa đặt chân lên phà, chị vừa thở dốc vừa trả lời một người quen: “Xe hư. May mà còn kịp phà”...

...Gió sông đêm thổi lồng lộng trên gương mặt xanh xao của người nữ công nhân tên Huệ ấy. Nhà chị ở xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ), làm công nhân ở tận Khu chế xuất Tân Thuận...

1. Mấy tháng nay đêm nào chị Huệ cũng phải tăng ca tới 22g30. Giờ đó về thì không còn xe buýt. Chị và những người bạn làm cùng công ty góp tiền thuê xe để xuống bến phà, mỗi người 8.000 đồng. “Coi như mất đứt hơn một giờ tăng ca rồi... Nhưng không tăng ca lấy gì ăn” - chị Huệ nói nhẹ hơn cả gió sông.

Tăng ca suốt, không dám để hai đứa nhỏ, đứa lên 5 tuổi, đứa mới tròn 20 tháng tuổi ở nhà một mình, chị Huệ gửi bà ngoại trông giùm. Chồng chị đã bỏ chị theo người đàn bà khác khi đứa thứ hai chưa tròn năm. Người phụ nữ không may mắn ấy cố gắng vượt qua nỗi đau và khoảng trống từng ngày từng tháng, cắn răng nuôi hai đứa con nhỏ với đủ nghề. Gần đây chị xin làm công nhân.

Lôi ra chiếc bánh tét nguội ngắt ăn đỡ đói, chị ngậm ngùi: “Khổ cực đến đâu không sợ, chỉ sợ bệnh nằm xuống hai đứa nhỏ không biết trông cậy vào ai”. Chị Huệ chợt ngừng câu chuyện. Có lẽ miếng bánh tét đang nghẹn cứng nơi cổ. Chị bảo cứ ráng mà làm, kể cả mấy ngày trời mưa tầm tã vì ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, tăng ca sớm hay ca khuya chị không nghỉ một buổi.

“Lo nhất là những bữa làm tăng ca về khuya như hôm nay. Quãng đường từ phà về nhà không xa nhưng đêm hôm khuya khoắt, mình lại là phụ nữ đi một mình...” - chị kể. “Mấy tháng nay tăng ca hoài nên về tới nhà hai đứa nhỏ đã ngủ. Sáng đi làm thì tụi nhỏ chưa dậy. Hai đứa cứ thắc mắc hỏi bà ngoại sao mẹ đi hoài không ở nhà với tụi con” - chị thổ lộ.

Câu chuyện dở dang vì chưa ăn xong miếng bánh cuối cùng chị Huệ đã ngoẹo đầu trên chiếc ghế ngủ ngon lành, giấc ngủ ngắn ngủi chưa đầy 10 phút...

Mệt mỏi ngủ ngay trên phà, hình ảnh quen thuộc trên những chuyến phà đêm - Ảnh: My Lăng

...Phà cập bến.

Một nữ công nhân vừa bước lên lan can phà, bất ngờ liệng người như chiếc lá nằm sõng soài. Mấy người phụ nữ xúm lại gọi mãi không tỉnh. “Hồi nãy kêu ăn miếng bánh lót dạ mà nó không chịu ăn” - một người nào đó xót xa. Một nhân viên của đội vận hành (Xí nghiệp phà Bình Khánh) chạy ào tới ẵm bổng cô lên rồi gọi thêm người hỗ trợ chở về nhà.

Chuyến phà khuya chỉ lao xao một lát rồi im bặt như đã quá quen thuộc với những số phận lặng lẽ đi về.

Lác đác vài ông chồng đi đón vợ tăng ca về khuya. Một vài nữ công nhân mừng rỡ chạy về phía chồng đang vẫy tay. Chị Huệ lặng lẽ nhìn cảnh hạnh phúc ấy rồi tất tả đi về với bước chân sấp ngửa, chênh chao trên quãng đường vắng, gió đêm thổi lạnh xung quanh...

2. Không giờ bảy phút (0g7p). Khu nhà chờ phà bên phía huyện Cần Giờ nồng nặc mùi nước cá nước tôm thấm dưới nền đất lâu ngày. Chuyến phà khá vắng vì khách đi phà giờ này chủ yếu là những người chở tôm cá đi bán hoặc chở thuê từ Cần Giờ qua chợ chuyên họp nửa đêm về sáng bên kia phà Bình Khánh (phía Nhà Bè).

Bên hông phà Bình Khánh, phía đường Huỳnh Tấn Phát (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM) có một chợ tôm họp lúc 0g. Ở chợ tôm ai cũng biết bà Bảy Út.

Bà cụ đã 74 tuổi, lưng còng như dấu chấm hỏi nhưng đêm nào bà cũng cắp mâm và thau ra chợ nhặt đầu tôm thuê. Bà bảo không nhớ làm nghề này bao năm rồi, chỉ biết ngày nào cũng chờ tới nửa đêm lại ra bến phà ngóng những chuyến phà khuya chở tôm từ Cần Giờ sang.

... Mưa đêm lắc rắc. Gió lạnh thổi từng cơn run người. Vậy mà bà Bảy Út vẫn điềm nhiên vục tay vào những mớ tôm ướp đá và móm mém bảo: “Bao nhiêu năm làm việc này quen rồi. Tay chai hết trơn lạnh gì nổi nữa con...”. Rồi bà khoe: “Cực vậy đó nhưng đến 8g sáng tui cũng kiếm được 40.000 đồng, đủ cho hai vợ chồng già sống qua ngày”...

Cơn mưa đêm làm con đường tới phà lầy lội. Những chiếc xe trờ tới bám đầy bùn đất. Khách có người mặc áo mưa, đi chân trần.

Phà đêm. Những người đợi phà quen hay không quen nhau hình như cũng chẳng buồn nói chuyện. Gương mặt ai cũng ngái ngủ khi giấc ngủ trước đó chưa tròn. Một phụ nữ vừa ngáp vừa lôi ra hộp bánh ướt lạnh ngắt, tranh thủ ăn trước buổi họp chợ.

Cạnh đó, một cặp vợ chồng nằm trên băng ghế gồ ghề, tranh thủ chợp mắt. Ông Tám Sanh, 60 tuổi, nhà ở xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ), nằm trên chiếc võng mắc vào mấy thanh sắt trong nhà chờ phà, chốc chốc lại đập muỗi bôm bốp. Đang chờ chuyến lúc 0g30,  ông bắt chuyện với chúng tôi có lẽ cho tan cái lặng lẽ của đêm: “Sao không mang theo cái võng mà nằm cho khỏe? Chờ cả tiếng đồng hồ mệt lắm!”.

20 năm nay, đêm nào ông Tám Sanh cũng chở tôm cá thuê từ khắp các xã trong huyện Cần Giờ qua chợ Nhà Bè ở bên kia phà Bình Khánh. Tuổi cao, mắt mũi kèm nhèm nên con đường từ Lý Nhơn đến phà Bình Khánh ông đi xe máy mất một giờ rưỡi, đến 4g sáng hôm sau mới về tới nhà. Vợ ông bị bại liệt hơn ba năm nay do di chứng của căn bệnh tai biến mạch máu não. 60.000 đồng kiếm được mỗi đêm có lẽ chỉ đủ cho hai người sống gói ghém qua ngày và mua thuốc cho vợ.

“Mấy đứa con có gia đình hết nhưng đứa nào cũng ở xa, nghèo rớt...” - ông thanh minh giùm con mình rồi nhanh chóng nói qua chuyện khác: “Có đêm mưa đường trơn quá nên ngã. Cả thùng tôm cá đè lên người nhưng chỉ có một mình nên tôi không đứng dậy nổi, chờ mãi mới có người đi qua kéo dậy giùm”. Vừa nói, ông Tám Sanh vừa co người lại trong chiếc áo mỏng bạc thếch trước làn gió sông lạnh buốt ập đến bất ngờ...

3. Hơn 1g sáng. Trên hàng ghế ngồi chờ phà từ phía Cần Giờ qua, một cậu bé cong người nằm co ro, mắt nhắm nghiền nhưng bàn tay xương xương vẫn nắm lấy khung chiếc xe đạp cũ màu xanh da trời. Phía sau xe chằng chiếc thúng, bên trong chỏng chơ mấy chiếc bánh tiêu bán ế. Cậu bé tên Nguyễn Văn Hùng, 15 tuổi, nhà ở Cần Giờ, có bốn anh chị em.

Hùng hồn nhiên: “Ba mẹ làm mướn đâu có lo nổi học phí nên tới lớp 3 em nghỉ giữa chừng”. Hành trình của Hùng: 5g sáng, lọc cọc đạp xe từ Bình Khánh lên quận 3 lấy bánh tiêu đội thúng đi bán dạo khắp nơi. “Nhiều bữa bán ế nên 1, 2 giờ sáng mới về nhà là chuyện bình thường. Chiếc xe đạp này là nhờ mấy năm đi bán bánh dành dụm mới mua được đó”.

Có lẽ vì vậy nên chợp mắt ngủ Hùng vẫn nắm chắc chiếc khung xe đạp. “Sợ nhất là gặp mấy người xin đểu, bữa trước về em bị họ chặn lại lấy hết cả tiền vốn lẫn tiền lời” - Hùng bảo. Nhưng rồi cậu hồn nhiên tiết lộ bí mật của mình: “Giờ em khôn rồi, đám đó có đánh, có lục cũng không lấy được đồng nào của em đâu”.

... Phà đêm có lẽ là những chuyến phà dành cho những người buôn thúng bán bưng, những mảnh đời trôi dạt như gió sông. Với những mảnh đời ấy, phà đêm như chở hi vọng của một ngày mưu sinh vất vả, đổ mồ hôi sôi nước mắt, bắt đầu từ nửa đêm về sáng...

Theo Ngọc Nga - Hà Nguyên - My Lăng /
Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.