Chuyện lạ ở Cầu Kè: Nhà...một ngón

19/09/2007 21:18 GMT+7

Đã từ ba đời nay, các nam thành viên của dòng tộc kỳ lạ này đều giống nhau ở một điều khá lạ kỳ: họ chỉ có độc một ngón trên mỗi bàn tay, bàn chân.

Từ thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, Trà Vinh đến nơi dòng tộc kỳ lạ này trú ngụ chưa đầy 20 km, nhưng trở nên xa xôi bởi cơn mưa lớn bùn lầy trơn tuột. Ngôi nhà nằm lặng lẽ ở rẻo đất ấp Bưng Lớn B, xã Tam Ngãi. Tiếng là nơi heo hút nhưng nghe tôi hỏi gia đình 1 ngón là già trẻ lớn bé ồ lên và chỉ đường ngay bon: "Gia đình Nhất Dương Chỉ phải hôn chú? Đó nhà ông Cộng chứ ai vô đây bây giờ. Cứ chạy hết đường xi măng, rẽ trái thấy đường đất là gặp nhà ổng liền". Ban đầu nghĩ đến sự khuyết tật chúng tôi liên tưởng ông Cộng hẳn là một cụ già ốm yếu, đi lại khó nhọc. Song đến khi giáp mặt mới biết nhầm quá xa: ông Cộng gần 56 tuổi, đi đứng khá nhanh nhẹn, dáng mạnh khỏe, tiếng nói còn rổn rảng. Từ xa thấy ông đi bước chân vững chắc sẽ không ai nghĩ đấy là bước chân của người một ngón.

Xin tóm tắt sự lạ lùng ấy như sau: ông Nguyễn Văn Bốn, ba ông Cộng mỗi bàn tay bàn chân chỉ có một ngón, tới đời ông Cộng và con ông là Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1976) cũng chỉ có mỗi ngón chân, ngón tay ở mỗi bàn chân, tay. Một điều lạ lùng là qua 3 đời dòng tộc ông Cộng mỗi đời chỉ có mụn nam duy nhất và cũng chỉ có nam mới bị biến đổi lạ lùng đến vậy, còn nữ thì bình thường.

Lúc sinh thời, ông Bốn tham gia kháng chiến và anh dũng hy sinh. Lớn lên, ông Cộng noi gương cha tòng quân nhưng sau đó bị chê vì tay chân lỏng khỏng! Cán bộ nói chiến trường rất ác liệt chứ đâu phải chuyện đùa, tay ông cầm súng không đặng, chân chạy nhảy không được sao đánh địch bây giờ. Bị chê, ông Cộng không nản mà chứng minh khả năng rèn luyện kiên cường của mình, nhìn ông biểu diễn tháo lắp súng, cầm súng bắn gọn hơ bằng đôi tay chỉ có 2 ngón, mấy cán bộ mừng rơn phán: "Đất nước mà có những người như chú mày thì giành độc lập là chuyện không xa". Vậy là Cộng "1 ngón" đi chống giặc. Sau giải phóng ông Cộng còn được phân công nhiệm vụ huấn luyện quân sự cho thanh niên địa phương. 

Ở đời, ai cơ thể khuyết tật sẽ buồn, cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Ông Cộng cũng không ngoại lệ, lúc nhỏ chẳng buồn gì ráo nhưng lớn lên biết tí chuyện, dòm xung quanh thấy mình khác lạ, nên đâm ra mặc cảm. Nay đã quen nếp sống, ông không thấy mình thiệt thòi mà còn tự hãnh diện sự có một không hai này. Ông pha trò rằng bầy con bốn đứa chỉ có thằng Bình là tay chân giống ông. Có một điều hàng xóm phải kể giùm ông, là mỗi khi vợ vượt cạn, ông lại chờ thấp thỏm. Nghe tiếng khóc ré lên ông lật đật chạy xộc vào coi tay chân liền, thấy mấy cô con gái bình thường mới thở phào. Ông nói: "Ừ, có thể nói gia đình chú là bất hạnh hay tật nguyền, nhưng điểm lại cả nước mấy chục triệu dân mấy ai... được như nhà chú không. Kỳ nhân dị sĩ, nhân tài đời nào cũng có, nhưng tới nay tao có nghe ai nói đến gia đình nào cả ba đời đều có một ngón!". Ông hay tự trào, lạc quan như vậy đó.

Bà con nơi đây mách nước: muốn làm khó ngón tay ông Cộng chỉ có thể thách ông cầm kim may đồ, cầm hột dưa lên miệng cắn hay gieo lúa thì ông mới thua, bởi nó quá nhỏ nắm không đặng. Còn các chuyện đồng áng ông vẫn làm như bao nhà nông khác. Ví như từ nhỏ ông khéo rèn luyện nên tay cầm cuốc, cắt lúa như người thường, bàn chân 1 ngón bấu đất, lội ruộng, lội sông chẳng kém người lành lặn. Viết lách ông cũng viết hay thậm chí ông đã từng giữ chức thư ký xã bởi viết chữ đẹp! Máu nghệ sĩ thì ông tràn trề, nhiều người thấy ông ôm đàn gảy từng tưng đúng bài bản vọng cổ, hát lối chỉ biết lắc đầu phục lăn ông già điệu nghệ. Ngôi nhà tranh mái lá treo đầy giấy khen, bằng khen gia đình văn hóa, nông dân sản xuất giỏi...

Nhiều người cắc cớ hỏi rằng ông có con trai bị như vậy liệu tới đời cháu nội có đứa cháu cũng bị 1 ngón ông có lo không. Ông chỉ cười sảng khoái lo chi bây giờ, mấy chú không thấy tui cũng sinh hoạt như người thường, cũng có vợ có con đùm đề chứ bộ.

Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.