Săn nơi thực tập trả lương

25/10/2011 15:46 GMT+7

Trong khi có không ít sinh viên (SV) ra trường không tìm được việc làm, thì nhiều SV lại có nơi thực tập được trả lương, đào tạo và sử dụng sau khi tốt nghiệp.

Lựa chọn của SV giỏi

Theo quan điểm của đa số doanh nghiệp (DN), việc tuyển dụng SV vừa ra trường thường đi cùng với việc phải đào tạo lại. Thậm chí, nếu tuyển dụng người đã làm ở các DN khác, cũng phải chấp nhận thời gian để họ làm quen với văn hóa công ty, công việc đặc thù… mà chưa chắc họ có thể phù hợp. Bởi vậy, nhiều DN đang có chính sách tuyển dụng mới để giải quyết những vướng mắc này: nhận SV vào thực tập, chọn lựa những người phù hợp và đào tạo rồi sử dụng.

Trước đây, áp dụng chính sách tuyển dụng này thường là các công ty nước ngoài nhưng hiện nay nhiều DN nhà nước cũng đang đi theo hướng này. Điều đó khiến ngày càng nhiều SV giỏi tìm đến các công ty trên trong thời gian thực tập.

 
SV ĐH Mỹ thuật TP.HCM thực tập có lương tại một công ty - Ảnh: C.T.V

 Minh Thư, SV trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết: “Một điều khá bất công lâu nay là ở rất nhiều nơi, SV đi thực tập không hề được trả lương, trong khi vẫn phải làm việc rất nhiều. Các DN thường viện lý do phải chi phí rất nhiều cho SV thực tập. Nhưng họ không nghĩ rằng nếu có chính sách trả lương, SV giỏi sẽ gắn bó lâu dài và giúp ích cho DN. Tiêu chí tìm nơi thực tập của em là những công ty biết trân trọng SV thực tập bằng cách trả lương, đào tạo và sử dụng năng lực của mình”.

 Theo thạc sĩ Trần Đình Lý - Trưởng phòng Hỗ trợ sinh viên và quan hệ DN, trường ĐH Nông lâm TP.HCM, số lượng DN công bố với trường sẽ trả lương cho SV thực tập ngày càng nhiều hơn. Không kể những công ty nước ngoài, hiện các công ty trong nước, công ty bất động sản đều trả lương cho SV thực tập. “Đây là một bước đi khôn ngoan của các DN hiện nay. Khi trả lương cho SV thực tập, các công ty này sẽ tạo được thiện cảm cho SV. Việc giữ chân những SV giỏi, phù hợp với DN làm việc sau khi ra trường sẽ càng dễ dàng hơn. Sau thời gian thực tập, nhận thấy SV nào phù hợp, DN sẽ tiếp tục đề nghị SV đó cộng tác, trả lương theo mức chấp nhận được, đào tạo và nhận ngay SV đó về làm. Điều này hiệu quả hơn hẳn việc tuyển dụng SV mới ra trường, trong khi chưa biết người đó có phù hợp với công việc hay không”, ông Lý giải thích.

DN cũng đặt yêu cầu

Hiện nay, một công ty chuyên về game và mạng xã hội cũng đang đẩy mạnh chính sách tuyển dụng này. Theo lãnh đạo công ty, nơi này đang có chương trình hợp tác với các trường ĐH, đưa SV đến tìm hiểu và tham quan một ngày làm việc thực tế tại công ty. Qua đó, SV nào có ý định gia nhập, nhất là ở lĩnh vực nội dung số, sẽ được xét duyệt và đưa vào thực tập có trả lương. Những SV này cũng sẽ được đào tạo để gia nhập đội ngũ nhân viên của công ty. Năm 2011, nhiều công ty trong lĩnh vực này dự kiến tuyển dụng nhân sự thông qua chương trình Fresher (thực tập trả lương, đào tạo SV năm 4 để tuyển chọn thành nhân viên chính thức) khoảng 10-20% (khoảng 500 người) trong tổng số các kênh tuyển dụng.

 Nhiều DN lớn khi nhận SV thực tập đều có những yêu cầu khắt khe về học lực. Ngoài vốn ngoại ngữ tốt, thông thường SV còn phải có học lực khá trở lên, như ký kết của trường ĐH Ngoại thương với Công ty CP chứng khoán dầu khí (PSI), nơi này tiếp nhận 20 SV với yêu cầu điểm trung bình từ 7,5 trở lên và tiếng Anh xuất sắc.  

Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.