Bệnh viện Thể thao VN vừa sử dụng đã lún nứt

02/10/2008 00:45 GMT+7

Được đầu tư xây dựng hoành tráng nhưng chỉ sau một năm đưa vào sử dụng đã hư hỏng. Đó là công trình Bệnh viện Thể thao Việt Nam - nơi từng được tự hào là hiện đại nhất về y học thể thao trong khu vực Đông Nam Á!

Sống chung với lún, nứt, dột

Nằm ngay phía sau Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), Bệnh viện Thể thao Việt Nam (viết tắt là VSH) tọa lạc trên diện tích khoảng 15.000m2 với tòa nhà màu xanh 4 tầng, kiểu dáng hiện đại, rất hợp với phối cảnh chung Khu liên hợp thể thao quốc gia.

Thế nhưng, một điều ít ai ngờ là tuy vẻ ngoài hoành tráng vậy nhưng bên trong VSH lại ngổn ngang lún, nứt. Ngay từ lối vào bệnh viện, đập vào mắt khách là một vết nứt chạy dài hàng chục mét giữa nền nhà và tam cấp. Nhiều đoạn tường bị nứt toác, có chỗ có thể lọt cả ngón tay vào. Vỉa hè bao quanh bệnh viện được lát bằng đá trông còn mới nhưng đã bị xô lệch lổn nhổn, nhiều đoạn bị sạt hẳn, hoặc gạch lát bị bóc đi. Nền tòa nhà bị lún đã kéo lệch các cửa phòng phía sau căn-tin, một số cửa kính bị ép nứt, vỡ.

Bên trong bệnh viện, kề bàn đón tiếp bệnh nhân và quầy bán thuốc là một căn phòng lớn ngổn ngang gạch đá như công trường. Một số thợ xây đang làm việc tại căn phòng cho biết, do nền nhà bị lún nên phải bóc lớp gạch, đất đá phía dưới để đổ cát vào gia cố lại. Tại các khu vệ sinh tầng một và hai, dù các thiết bị còn mới nguyên, sáng bóng và phòng ốc đậm mùi vôi vữa nhưng đã xuất hiện hàng loạt vết nứt trên tường và dưới nền, nhiều chỗ có thể thấy tường và nền như bị tách rời ra. Trên tầng 4, nước lênh láng cả hành lang. Một bác sĩ tại đây than, sau mỗi trận mưa, các tầng đều bị dột từ trên xuống hoặc từ cửa vào, có nơi hứng được hàng chậu nước. Đặc biệt, ngay tại buồng tiểu phẫu ở phòng khám ngoại, phòng 115 tầng 1 có một vết nứt như con rắn, rộng bằng ngón tay cái chạy hết bề ngang phòng.

Theo bác sĩ Phạm Xuân Ngà, Phó giám đốc VSH, đây là bệnh viện đa khoa hạng II theo xếp hạng của Bộ Y tế với quy mô 100 giường bệnh, 15 khoa và được đưa vào sử dụng mới hơn 1 năm (từ tháng 5.2007 đến nay). "Việc lún sụt ở trước cửa, vỉa hè đã sửa vài lần nhưng vẫn lún. Không biết do móng hay là nguyên do gì đó. Chỗ sửa tại tầng 1 đã hoàn thiện và bàn giao nhưng lại bị lún, bên thi công đang gia cố lại. Còn việc dột ở các tầng là do thiết kế kiểu châu u không phù hợp với điều kiện ở ta" - bác sĩ Ngà giải thích. Cũng theo bác sĩ Ngà, khi ông bắt đầu về công tác tại đây đã thấy sửa chữa "nó cứ bị dần dần và bị nhiều chỗ, hết chỗ này đến chỗ khác. Muốn tìm hiểu cái này kỹ hơn thì các anh hỏi Phòng Tổ chức - Hành chính".

Cũng như bác sĩ Ngà, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị VSH Vũ Thị Bích Loan cho biết những đợt sửa chữa đầu tiên được ghi nhận vào năm 2007, cùng với thời điểm VSH được đưa vào sử dụng. Nhiều chỗ đã khắc phục nhưng tiếp tục lún, nứt tiếp nên bệnh viện đang yêu cầu đơn vị thi công làm lại.

Được biết, VSH là một công trình trọng điểm quốc gia nhằm chuẩn bị cho SEA Games 22 được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2003. Công trình do Viện Khoa học thể dục thể thao (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) làm chủ đầu tư, Công ty Vinaconex 15 là đơn vị thi công, có tổng mức đầu tư trên 52 tỉ đồng, gồm cả phần xây dựng và thiết bị, máy móc, trong đó phần xây dựng là hơn 30 tỉ đồng. Việc thi công tiến hành từ năm 2001 nhưng vì nhiều lý do, đến năm 2007 bệnh viện mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Khi dự án được phê duyệt, nhiều người coi VSH là một khâu đột phá cho sự phát triển của y học thể dục thể thao Việt Nam, là hiện đại nhất  Đông Nam Á về y học thể thao bởi mức đầu tư lớn, thiết kế theo tiêu chuẩn châu u, các trang thiết bị đều là loại tốt nhất. Thế nhưng, những gì đang diễn ra đã khiến nhiều bác sĩ, y tá và cả bệnh nhân bức xúc, lo ngại.

Máy móc "đắp chiếu" vì nền lún, sụt

Mới đây, khoảng giữa tháng 8, nhiều bác sĩ và y tá VSH hú vía khi  phát hiện 2 mảnh thạch cao từ trần của phòng hậu phẫu rơi xuống nền nhà nát vụn. May mắn bởi sự việc xảy ra vào ban đêm và tại phòng hậu phẫu lúc đó không có bệnh nhân. Nguyên nhân sau đó được xác định, do bị ngấm nước mưa và nền lún nên trần nhà, gồm các miếng thạch cao dày bằng đốt ngón tay, có diện tích 50x50cm bị bong ra khỏi khung đỡ và rơi xuống. Bà Vũ Thị Bích Loan cho biết, ngay sau đó bệnh viện đã cho lập biên bản gửi đến chủ đầu tư và yêu cầu đơn vị thi công thay đổi vật liệu khác, không làm trần bằng thạch cao nữa. Hiện tại, nhiều miếng trần thạch cao tại hàng loạt phòng bác sĩ, y tá, hành chính, bệnh nhân… đã bị tháo xuống để kiểm tra mức độ chắc chắn của khung đỡ, đề phòng trần tiếp tục bị… rơi.

Tình trạng cơ sở hạ tầng hư hại đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động chuyên môn của bệnh viện. Một trong những thiết bị đáng giá nhất của VSH hiện nay là máy cộng hưởng từ, có chức năng chụp toàn bộ cơ thể, trị giá khoảng 7 tỉ đồng. Trong thời gian đầu sử dụng, thiết bị này hoạt động không ổn định. Nguyên do, theo ông Phạm Xuân Vũ, cán bộ Phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị, là nền nhà bị lún không đảm bảo cho thiết bị hoạt động chính xác. "Sau khi xử lý xong lún, máy đã hoạt động "chuẩn" trở lại" - ông Vũ nói. Tương tự, tại khoa Chống nhiễm khuẩn, nền bị lún khiến máy giặt xử lý rác khuẩn, đồ dùng y tế không thể hoạt động được. Dù khoa này đã kiến nghị nhiều lần nhưng máy vẫn phải nằm yên chờ xử lý xong phần lún. Một số bác sĩ, y tá tại VSH cho biết thêm, bệnh viện đã mua sắm máy nội soi dạ dày từ lâu nhưng đến nay vẫn "đắp chiếu" vì phòng dành cho máy đang bị hư. Tình trạng dột do nước mưa cũng đã ảnh hưởng đến phòng mổ, phòng xử lý khuẩn. Ngoài ra, các thiết bị điện của bệnh viện thường xuyên xảy ra chập cháy, hỏng hóc do nền bị lún làm đứt đường điện ngầm phía dưới…

   
   

...nhưng chỗ nào cũng bị lún,

nứt - Ảnh: T.Thủy - K.T.Long

Thanh Thủy - K..T Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.