Khóc, cười bảo hiểm y tế học sinh: Hành bệnh nhân

16/11/2010 18:17 GMT+7

Học sinh, sinh viên (HS, SV) phải tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc, thế nhưng nhiều bệnh viện chưa đáp ứng được nhu cầu chính đáng của bệnh nhân.

“Chờ lãnh thuốc mà mang cảm giác như đang xin người ta bố thí…” - chị Thúy Cương (mẹ của HS Phạm Hoài Nhật Anh - lớp 5, trường Tiểu học Hòa Bình, Q.1, TP.HCM) đưa con đi khám theo diện BHYT bức xúc.

3 lần gọi tên, chưa có thuốc

Đầu giờ chiều 9.11, vẫn trong bộ đồng phục HS và đeo khăn quàng đỏ, cô bé Phạm Hoài Nhật Anh được chị Thúy Cương dẫn đến Bệnh viện (BV) Q.1 khám bệnh vì bé bị ho, sổ mũi. Chúng tôi tình cờ chứng kiến cảnh mẹ con chị Thúy Cương bị Phòng phát thuốc BHYT BV Q.1 hành lên hành xuống.

Lần thứ nhất, khoảng 16 giờ kém 20, nhân viên phòng này gọi tên bé Nhật Anh. Chị Cương vội vã chạy đến rồi tay không trở lại băng ghế chờ.

Lần thứ hai (khoảng 5 phút sau), chúng tôi lại nghe kêu tên bé Nhật Anh. Lúc này, bé thay mẹ đến nhận thuốc nhưng cũng tiu nghỉu quay về. Thấy vậy, chị Cương xuống giọng hỏi thăm nhân viên Phòng phát thuốc: “Chị ơi có thuốc cho cháu chưa? Tôi nghe đọc tên cháu đã 2 lần rồi”. Một giọng nữ gắt gỏng: “Tui nói mà chị cãi hoài!”. Chị Cương buộc lòng đính chính: “Tôi có cãi chị đâu, tôi mới hỏi thăm lần đầu mà”.

Lần thứ ba, bé Nhật Anh lại thất vọng quay về ghế ngồi. Chị Cương đến quầy phát thuốc hỏi. Một nhân viên nam bảo chị quay lại quầy nộp sổ BHYT để liên hệ. Nhưng bên quầy đó khẳng định không giữ sổ sách gì của chị cả. Chị Cương quay lại nơi phát thuốc “báo cáo” tình hình. Lại một người nữ gằn giọng: “Tui đã phải đi lấy số, in toa cho chị rồi!”. Chị Cương bức xúc: “Chờ lãnh thuốc mà mang cảm giác như đang xin người ta bố thí. Họ làm rối lên là chuyện nội bộ của họ, sao lại đổ lỗi cho chúng tôi? Mà nếu người dân có sơ suất gì, thì họ cũng nên giải thích cho đàng hoàng chứ, ai lại theo kiểu thiếu lịch sự như vậy?”.

Cũng tại BV Q.1, chúng tôi trông thấy chị Đinh Thị Diễm tất tả dắt con là Tăng Uẩn Nhàn - HS lớp 7/9 trường THCS Minh Đức đến khám bệnh vào lúc 16 giờ kém 15 ngày 9.11. Khi chị Diễm nộp sổ khám bệnh ở khu vực khám BHYT, một người trực tại đây lớn tiếng: “Sao chị đi trễ quá vậy! Lần sau nếu có đi khám thì đi sớm chứ đi trễ như bữa nay thì khỏi khám”. Chị Diễm nói: “Vẫn còn trong giờ hành chính mà họ nạt nộ như thế, tôi rất bực mình, nhưng đành phải xuống nước để con mình được khám bệnh. Vì nếu không khám được hôm nay, phải mất thêm một bữa nữa đến chầu chực trong khi tôi bận bịu nhiều việc, còn cháu lại phải nghỉ học, bài vở không theo kịp”.

Sau chị Diễm, một bệnh nhân đến nộp sổ khám khu vực BHYT nhưng bị từ chối, đã la lên: “Nhà tui xa, từ Q.2 sang đây. Bây giờ mới 16 giờ 16 phút đã nghỉ rồi là sao?”. Thấy chúng tôi vẫn nán lại quan sát, một nhân viên mới vội vàng chỉ dẫn người này vào gặp lãnh đạo BV để xin được khám “đặc cách”...

Chào thua… chữ bác sĩ

6 giờ sáng 10.11, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Kim Thoa - thợ may và bé Thùy Linh - một HS lớp 5 trên địa bàn Q.Phú Nhuận đã có mặt tại BV Phú Nhuận để nộp sổ BHYT khám bệnh (con bị cúm ho, mẹ bị viêm họng). Đến 7 giờ, hai mẹ con được nhận số thứ tự: bé Linh số 1, còn chị Thoa số 7. Hơn 1 tiếng đồng hồ sau, hai mẹ con mới ra khỏi khu vực khám bệnh. Chị Kim Thoa nhận xét: “BV này chia ra từng hộp nộp sổ riêng và có ưu tiên phát số thứ tự sớm hơn cho HS, SV. Nhưng ưu tiên vậy cũng bằng thừa với những người đến sớm, vì hôm nay chúng tôi phải chờ đến 8 giờ mới có bác sĩ khám bệnh. Và càng khám trễ thì bệnh nhân càng bị dồn ứ đông hơn”.

BV Q.6 mới được xây mới trông rất khang trang và có vẻ hiện đại. Trước mỗi phòng khám đều có hiển thị số thứ tự tự động. Gần 11 giờ trưa 10.11, chị Phạm Thị Chính - hành nghề buôn bán và con gái là Hoàng Thị Cẩm Tú - HS trường THCS Lê Tấn Bê, Q.Bình Tân ngồi chờ trước quầy phát thuốc BHYT. Chị Chính bày tỏ: “Mấy năm trước, tôi đăng ký cho cháu mua  BHYT tại BV 30.4. Nhưng năm nay không hiểu sao tụi tôi không được chọn BV đó nữa”. Sau khi nhận cả thảy 4 viên Cimeverin và 4 gói Ybio để điều trị bệnh rối loạn tiêu hóa của Cẩm Tú, cả hai mẹ con căng mắt đọc toa thuốc nhưng đành chịu thua… chữ bác sĩ! PV Thanh Niên cũng ghé mắt coi, nhưng không thể “dịch” được mỗi ngày dùng 1 hay 2 gói Ybio. “Sao chị và cháu không đến nhờ vị bác sĩ đã khám bệnh hướng dẫn?” - chúng tôi hỏi. Chị Chính buột miệng: “Tôi sợ bị la lắm!”. Chúng tôi đành mang sổ đến quầy phát thuốc. Nhân viên y tế nhìn vào sổ khám bệnh rồi… quay sang hỏi em Cẩm Tú: “Số thứ tự của em là mấy? “, “Dạ, 319” - Tú đáp. Nhân viên này lục tìm toa thuốc, rồi mới giải thích: “Uống Ybio mỗi ngày 2 lần, 1 lần/gói”…

Vẫn còn trong giờ hành chính mà họ nạt nộ mình, tôi rất bực mình, nhưng đành phải xuống nước để con mình được khám bệnh...

Chị Đinh Thị Diễm mẹ của HS lớp 7/9 trường THCS Minh Đức

“Chị thích thì ra ngoài mà mua”

Ngày 12.11, chưa đến 13 giờ 30 nhưng nhiều người chen nhau nộp sổ khám bệnh tại BV huyện Bình Chánh. BV này chưa có hệ thống bốc số điện tử và chưa nối mạng vi tính. Tất cả bệnh nhân, từ người có sổ BHYT đến người không có đều nộp cùng một quầy nên hay xảy ra tình trạng chen lấn. Trừ phòng Cấp cứu và khoa Nhi ở khu mới, phần còn lại trong BV đã bị xuống cấp nặng. Một số nhân viên y tế cho hay, mỗi khi có mưa to kèm với triều cường, phòng cấp cứu (hiện tại), phòng xét nghiệm, khoa sản… đều bị ngập.

Tiếp xúc với chúng tôi, chị T., mẹ của em Trần Thị Huỳnh Như (HS lớp 3B, trường Tiểu học Lê Minh Xuân 2, huyện Bình Chánh) bức xúc: “Bác sĩ coi bệnh nhân không ra gì cả! Khoảng 14 giờ nay, tôi đưa con đến khám bệnh và trình bày là cháu bị ho, sổ mũi và rất biếng ăn. Tôi hỏi bác sĩ có loại thuốc bổ nào giúp cho cháu ăn được, ngủ ngon không? Bác sĩ cáu gắt: Ở BV không có thuốc ăn được, ngủ được. Chị thích thì ra ngoài mà mua”. Rồi vị bác sĩ này yêu cầu mẹ con tôi ra ngoài để trống chỗ cho người khác vào khám”.

Một trường hợp khác, chị Phạm Thị Yến Ngọc - mẹ của em Nguyễn Ngọc Khánh Văn, HS lớp 2 trường Tiểu học Trần Nhân Tôn cũng ấm ức phản ánh: “Đã nhiều lần tôi đến BV này khám bệnh cho con, tôi để ý lần nào trong toa bác sĩ cũng ghi chai thuốc ho Pectol. Nhưng đến quầy nhận thuốc, họ bảo thuốc này bảo hiểm không thanh toán, bệnh nhân phải tự ra ngoài mua. Phải chi chai thuốc ho đó là loại thuốc đặc trị đắt tiền thì không nói, đằng này nó là thuộc loại rẻ, khoảng mười mấy ngàn đồng/chai thôi…”.

Trả lời Thanh Niên, BS chuyên khoa 1 Hồ Trúc Lệ - Giám đốc BV huyện Bình Chánh nhìn nhận: “Hằng năm, chúng tôi thường mở những lớp kỹ năng giao tiếp, quy tắc ứng xử với bệnh nhân cho nhân viên y tế trong BV. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng con sâu làm rầu nồi canh”. Về phản ánh giữa bác sĩ kê toa và quầy phát thuốc, BS Trúc Lệ nói: “Pectol là loại si-rô thông thường, giá rất rẻ, là loại thuốc cổ truyền dân tộc nhưng không hiểu sao hiện vẫn nằm ngoài danh mục 05 (danh mục BHYT). Lẽ ra, khi thấy những loại thuốc đó không nằm trong danh mục BHYT, bác sĩ không nên kê toa hoặc có thể linh động thay thế bằng những loại thuốc BV được sử dụng”.

Liên quan đến vấn đề thuốc dành cho BHYT, lãnh đạo một BV huyện thuộc TP.HCM cũng tâm tư: “Chúng tôi thấy BV khác được sử dụng một số loại thuốc ngoài danh mục nhưng BV chúng tôi lại chưa được phép. Điều này tạo ra sự không thống nhất giữa các BV. Và người thiệt thòi nhất không ai khác chính là bệnh nhân”.

Vượt tuyến phải đóng chênh lệch 70% chi phí

Theo Luật Bảo hiểm y tế, từ ngày 1.1.2010, HS, SV bắt buộc phải tham gia BHYT với mức phí là 262.800 đồng/12 tháng, trong đó HS, SV phải đóng 184.000 đồng (năm học trước phí BHYT tự nguyện của HSSV chỉ có 120.000 đồng/người) và ngân sách nhà nước hỗ trợ 78.800 đồng (có quy định mức thu riêng cho HS, SV thuộc diện cận nghèo). Trường hợp vượt tuyến từ BV quận, huyện lên tuyến BV thành phố thì bệnh nhân đóng chênh lệch 70% tổng chi phí khám chữa bệnh; còn nếu trái tuyến từ BV quận, huyện này qua BV quận, huyện khác thì BHYT chi trả 70%.

Bích Thanh

Như Lịch - Lê Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.