Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI: Thuế thu nhập cá nhân phải gắn với bảo đảm an sinh xã hội

09/11/2006 22:40 GMT+7

Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) lần đầu trình ra Quốc hội ngày hôm qua 9.11 đã thu hút nhiều ý kiến trái ngược về một loạt các vấn đề: Có đánh thuế thu nhập với lãi tiền gửi tiết kiệm? Mức khởi điểm chịu thuế là 4 hay 5 triệu đồng/tháng ? Tinh thần chung mà nhiều đại biểu (ĐB) lưu ý là thuế TNCN chưa gắn liền với đảm bảo an sinh xã hội.

Theo dự thảo Luật Thuế TNCN, các khoản tiền gửi tiết kiệm có mức lãi trên 5 triệu đồng/tháng (tương ứng với số tiền gửi tiết kiệm 700 triệu đồng trở lên) sẽ chịu mức thuế TNCN 5%. Theo ban soạn thảo, qua khảo sát thì có tới 90/110 nước trên thế giới thu thuế TNCN với khoản này. ĐB Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) ủng hộ đề xuất trên với lập luận: "Cần phải tính thuế với khoản này, nếu bỏ đi là bỏ một nguồn thu rất lớn. Những người có thu nhập trên 700 triệu đồng chắc chắn không phải là người nghèo khó". "Hơn nữa, nếu chỉ tính lãi suất 5% là chưa hợp lý. Phải tính kỹ hơn là nếu có mức lãi tiết kiệm trên 10 triệu đồng/tháng hay 20, 30 triệu đồng/tháng thì phải chịu mức thuế cao hơn", ông Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhiều ĐB khác lên tiếng cho rằng, việc đánh thuế TNCN vào tiền gửi tiết kiệm sẽ không huy động được vốn nhàn rỗi của dân vào ngân hàng, khiến người dân đối phó bằng cách chia nhỏ khoản tiền gửi hoặc mua ngoại tệ, vàng cất trữ. Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH Dương Thu Hương (Hà Nam) nói: "Theo tôi, việc tính thuế vào khoản tiền gửi tiết kiệm chẳng có ý nghĩa gì cả. Với các ngân hàng, việc tính thuế như thế này sẽ khó khăn trong huy động vốn, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất tiền vay, lợi bất cập hại". Nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói thêm: "Hơn nữa, khác với các nước, ở ta, tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng, nhìn chung, không phải là đầu tư mà là tiền người ta dành dụm để lo khi ốm đau, hưu trí... Trong khi bảo hiểm y tế, lương hưu không đủ cho người ta mà lại đánh thuế tiền gửi tiết kiệm thì hỏi còn có ý nghĩa gì nữa?".

ĐB Trần Công Kích (Ninh Bình) chia sẻ: "Ta có thu 5% cũng có được bao nhiêu đâu, mà cứ theo mức trượt giá như thế này thì lại giống như trước đây: bán 2 con bò, gửi tiết kiệm cũng chẳng mua nổi một bát phở. Gửi 700 triệu đồng, thu có mấy chục ngàn. Đừng vì mấy chục ngàn mà mang tiếng với dân chúng". "Không thể rập khuôn như nước ngoài", ĐB Kích kết luận.

Khởi điểm chịu thuế là 4 hay 5 triệu đồng/tháng?

Ý kiến đại biểu

"Luật của ta chưa đồng bộ với các vấn đề an sinh nên khi có ốm đau, tai nạn xảy ra, người nộp thuế chịu thiệt thòi. Vì vậy, luật nên có quy định hoàn thu, thoái thu... cho người nộp thuế khi họ ốm đau, tai nạn". ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh)

"Ban soạn thảo có nói đây là một lần tập dượt. Tôi nhớ là, 20 năm trước, tôi đã đưa Bộ luật Thu nhập thuế cá nhân về cho Bộ Tài chính.  20 năm rồi, chúng ta tập dượt tới chừng nào? Tôi không biết, tới khi nào chúng ta mới hết tập dượt này". ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang)

Cũng theo dự thảo Luật Thuế TNCN ban soạn thảo dự kiến mức khởi điểm chịu thuế TNCN là 4 triệu đồng/tháng (phương án 1). Theo phương án này, nếu người nộp thuế có 3 người phụ thuộc phải nuôi dưỡng sẽ được giảm trừ 8,8 triệu đồng/tháng, bao gồm 4 triệu đồng cho bản thân và 4,8 triệu đồng cho người phụ thuộc. Nhưng Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH lại ủng hộ phương án 2 có mức khởi điểm chịu thuế là 5 triệu đồng/tháng (nếu người nộp thuế có 3 người phụ thuộc sẽ được trừ 11 triệu đồng: 5 triệu cho bản thân và 6 triệu cho người phụ thuộc).

Theo ĐB Đặng Thị Phượng (Tây Ninh): "Theo như phương án 1 thì tôi rất băn khoăn vì với mức trượt giá tới năm 2009 (năm Luật Thuế TNCN dự kiến có hiệu lực) sẽ ảnh hưởng đến đời sống và hành vi nộp thuế của người dân. Nếu so với mức bình quân thu nhập và mức chi tiêu, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM thì mức thu nhập này không đảm bảo". Cũng ủng hộ phương án 2, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH Tào Hữu Phùng (Hà Tây) nói: "Tôi cho là mức khởi điểm chịu thuế 5 triệu đồng/tháng, cho dù tính các mức trượt giá, thì đến năm 2009, mức này vẫn phù hợp".

ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) có ý khác: "Không nên quy định cứng 5 triệu, 4 triệu, mức sống hôm nay nó sẽ rất khác vài ba năm sau. Theo tôi lấy lương khởi điểm làm chuẩn, tức gấp mười hay mười mấy lần lương khởi điểm để thu thuế này, khi nước lên thì thuyền lên". ĐB Trần Hồng Việt (Cần Thơ) đề nghị: "Nên xác định mức khởi điểm chịu thuế một người bằng 3,5 lần thu nhập bình quân đầu người/năm".

Phụ nữ Việt Nam có sẵn sàng tố cáo "bạo lực tình dục" ?

Con số 100 người chết vì các hành vi bạo lực gia đình mỗi năm khiến tất cả các ĐB Quốc hội trong phiên thảo luận ngày hôm qua đều ủng hộ sáng kiến luật của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Các hành vi bạo lực gia đình theo dự thảo luật gồm 4 loại: bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế.

ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) đồng ý, luật phải điều chỉnh cả hành vi bạo lực tình dục: "Việc buộc phải đẻ con trong khi sức khỏe người phụ nữ không đảm bảo hoặc buộc phá thai cũng phải xem là bạo lực tình dục và phải được pháp luật đề cập đến". Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Loan (Vĩnh Phúc) lại không đồng ý "cưỡng ép quan hệ tình dục trong vợ chồng" liệt vào các hành vi bạo lực. Bà Loan cho rằng, đây là quan hệ thầm kín của vợ chồng, và nếu xảy ra bạo lực tình dục thì đã đến lúc phải ly hôn và "lúc đó sẽ do Luật Hôn nhân gia đình điều chỉnh". "Chúng ta không đưa vào luật này vì sẽ không khả thi, không mấy chốc mà chị em kể chuyện quan hệ với chồng ra", bà Loan nói.

Các ĐB còn đề nghị, luật này phải điều chỉnh đối với cả những đối tượng nam, nữ không kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng hoặc vợ, chồng đã ly hôn nhưng trở lại chung sống với nhau mà không đăng ký kết hôn. Vì  theo ĐB Nguyễn Thanh Bình (Bắc Ninh), bạo lực gia đình xảy ra ở đối tượng này chiếm tỷ lệ lớn. "Chồng đôi, vợ ba, chung chạ với nhau mới sinh ra vấn đề bạo lực nhiều hơn", ĐB Nguyễn Thị Loan nói thêm. Theo Bộ Tư pháp thì cả nước hiện có 170.000 cặp hôn nhân thực tế (không đăng ký kết hôn mà chung sống như vợ chồng), qua khảo sát thì có 2,3% có bạo lực về thể chất, 25% bạo lực về tinh thần và 30% ép buộc quan hệ tình dục. Nếu như vậy thì có đến vài chục nghìn các đối tượng hôn nhân thực tế bị bạo hành gia đình. "Chúng ta phải tính đến cả hôn nhân không thực tế để bảo vệ hàng nghìn đối tượng bị bạo hành gia đình ở những trường hợp này", ĐB Nguyễn Thanh Bình đề nghị.

T.Nhung

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.