Chọn thầy

27/10/2005 21:22 GMT+7

Đó là khái niệm nghe có vẻ mới, nhưng thực ra không mới trong nền giáo dục Việt Nam. Mới ở chỗ học sinh Việt Nam, từ phổ thông cho đến khi thành sinh viên cao đẳng, trung - đại học, không hiểu có bao nhiêu người được quyền chọn thầy dạy mình học.

Và không mới ở chỗ, nhiều học sinh đã biết cách chọn thầy cho mình trong các lò luyện thi đại học từ 20 năm về trước. Tên tuổi người thầy gắn liền với số học phí. Muốn có thầy giỏi, người học trò phải đóng nhiều tiền. Còn thầy ít tên tuổi, đương nhiên không thể thu cao được.

Nhưng thực tế ngày nay, học sinh, sinh viên dù có đóng tiền vào các giảng đường nhưng hầu như vẫn chưa được quyền chọn thầy giỏi để học. Chính vì thế nên không ít người trong số họ phải tiếp thụ kiến thức từ một số giảng viên kém chất lượng. Lẽ đương nhiên, khi ra trường kiến thức của sinh viên sẽ "lủng" một mảng đáng kể.

Tôi có một đồng nghiệp đang học ở Đại học Maryland, Mỹ. Anh ấy bảo - quan điểm "chọn thầy" của các sinh viên Mỹ, hay nói đúng hơn, của nền giáo dục tại đây rất rõ ràng. Ở đây, người sinh viên chọn thầy chứ không phải thầy chọn sinh viên. Người sinh viên có thể thu xếp thời gian, tự lên chương trình học cho bản thân bằng cách chọn môn học và chọn thầy. Tất cả đều có thể chọn qua mạng. Thầy giỏi, lớp lúc nào cũng được đăng ký chật kín. Nhiều sinh viên chậm chân, họ thà chọn thay bằng môn học khác để chờ khi có lớp mới, chọn lại người thầy mình ưng ý chứ nhất định không chịu chọn thầy dở. Vì thế, chất lượng người giảng viên giỏi - dở được thể hiện rất rõ. Những giảng viên chưa đạt chất lượng, hoặc sẽ bị đào thải, hoặc bằng mọi cách phải tự hoàn thiện mình.

Bao giờ sinh viên Việt Nam mới có cái quyền ấy nhỉ ?

Washington D.C, tháng 10/2005

Ngọc Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.