Ly hôn tuổi về chiều

23/10/2010 10:05 GMT+7

Đi bên nhau mấy chục năm trời, khi tóc bắt đầu bạc, răng bắt đầu long, họ cương quyết ra tòa ly dị. Phủ nhận cả quãng đường dài đằng đẵng cùng nhau, họ mong tìm gì ở những ngày còn lại?

Làm lại từ đầu

Cưới nhau từ 20 năm trước, anh Thụ và chị Quế có hai con trai, đứa lớn học lớp 12, đứa nhỏ cũng đã hết lớp 9. Người vợ là kế toán trưởng một doanh nghiệp nhà nước, chồng từng là công nhân nghỉ hưu non để về làm thợ thủ công. Kinh tế gia đình tạm gọi có của ăn của để, cuộc sống có vẻ êm đềm tại một thành phố nhỏ như Mỹ Tho (Tiền Giang).

Rồi mọi người xung quanh giật mình khi họ cho biết sắp ra tòa ly dị. Tuổi 50, họ quá già dặn để những lời khuyên của người thân lọt vào tai. Tuổi 50, trong cú choáng của hôn nhân, họ tin mình đang lái cuộc đời đi đúng hướng. Cứ thế, một gia đình tưởng đang yên ấm, bỗng chốc được đưa lên bàn thương lượng tính toán chia đôi hay chia tư.

Cuộc hôn nhân tan vỡ do người vợ rẽ sóng sang ngang trước. Chị có tình nhân, anh biết chuyện phản ứng dữ dội, xong lại đề nghị cho qua. Tuy nhiên, vì lý do nào đó chị quyết định đẩy mọi việc ra tòa. Giờ đây, khi mọi thứ đã chia theo phán quyết của tòa, hai đứa con của chị đứng về phía cha, chị ra đi theo đúng nghĩa của từ này. Nhưng sau phán quyết của tòa ít lâu, người yêu của chị bị nhồi máu cơ tim và qua đời.

Trong khi với tuổi 50, người chồng cũ vẫn còn cơ hội tìm được một người bạn đường cho những ngày còn lại, thì với chị mọi việc dường như muộn mằn.

Ly thân cho êm thấm

Họ là thông gia của cha mẹ tôi. Ông phong nhã, hào hoa; bà từng là cô giáo tiểu học, cũng nhan sắc mặn mà. Khi anh tôi cưới chị dâu thì được biết ông bà đã ly thân từ trước đó. Ông tách ra ở riêng với bà nhỏ và không ly dị, chỉ ly thân - cho đỡ ồn ào, cơm ai nấy ăn, nhà ai nấy ở. Cuộc sống cứ thế trôi, mọi người cũng dần quen với cảnh ông thưa dần việc về nhà, định cư hẳn bên “bà nhỏ”. Bà lớn (dù khó nhận ra) ngày càng ít nói hơn. Bà giành phần trông giữ các cháu nội ngoại bên mình ngoài giờ học, dường như để một ngày 24 giờ được chia nhỏ và nhanh hết.

70 chưa gọi là già

Ông Trung và bà Huyên là học sinh miền Nam tập kết, cùng quê Tiền Giang, cùng sang Đức du học. Trở về quê, họ làm chung cơ quan, ông làm lãnh đạo cấp cao, bà là nhân viên dưới quyền. Bà gần 70, ông hơn bà gần chục tuổi. Hai con gái của họ thành đạt và yên ấm bên chồng con. Những tưởng họ sẽ bên nhau đến cuối đời, nhưng ngày nọ bạn bè choáng váng khi biết các cụ ly hôn.

Vài năm trước cụ ông thường tâm sự với bạn thân: “Tôi đã sống vì người khác, cho người khác; bây giờ tôi mới được là mình, sống cho chính mình”. Còn cụ bà cay đắng: “Tôi hết chịu nổi rồi, ổng tòn teng với bồ nhí gần chục năm nay; hồi ổng còn đương chức tôi để yên cho ổng, giờ chẳng còn gì để mất...”.

Dai dẳng và lần lữa lâu hơn nhiều trường hợp hòa giải khác, cuối cùng tòa cũng chiều theo ý cụ. Sau ngày tòa phán xét, cụ ông công khai về sống với “bà nhỏ” (cũng xấp xỉ 60), được chừng hai năm thì bệnh nặng rồi mất. Tang lễ cụ ông, cụ bà lại phải đích thân đứng ra lo liệu, vì không có cụ chẳng bạn bè đoàn thể nào biết “bà nhỏ” là ai. Giờ đây còn lại một mình (dù có con cháu), cụ nói đôi khi thấy tiếc sao không bao dung hơn chút nữa, cũng thấy thương khi nghĩ tới phút cuối cùng “ông ấy vẫn nhắc tên tôi”. Nhưng rồi cụ tặc lưỡi: “Chắc tại mình xa thương gần ghét”.

Nhiều cuộc ly hôn ở tuổi bước qua ngũ tuần thường do sự lựa chọn của phụ nữ bởi họ thấy đã chịu đựng quá đủ. Chỉ tiếc là sau bao năm cùng lèo lái con thuyền hôn nhân, tuổi già của họ lại không thể bình yên và hạnh phúc bên nhau.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.