"Hút" tiền và "tản" tiền

09/11/2007 00:31 GMT+7

Đáng lẽ cùng với việc đưa tiền ra mua ngoại tệ với khối lượng lớn thì ngân hàng phải đồng thời thực hiện ngay việc "hút" tiền từ lưu thông về để tránh sức ép đối với tốc độ tăng cao của giá tiêu dùng.

Nhưng mãi đến tháng 6.2007, sau khi đã đưa ra hàng trăm nghìn tỉ đồng để mua ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước mới có các biện pháp hút tiền từ lưu thông về, như nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao gấp đôi từ 5% lên 10%; khống chế cho vay đầu tư chứng khoán không được vượt quá 3% tổng dư nợ tín dụng; phát hành tín phiếu… Hai biện pháp đầu đã gặp phải những phản ứng của nhiều ngân hàng thương mại, thậm chí của nhiều chuyên gia cho rằng đó là biện pháp quá mạnh, thậm chí là những biện pháp không đúng hoặc đã có tác động xấu đến thị trường, nhất là thị trường chứng khoán. Nhưng cho đến nay, đó là những biện pháp đúng, có hạn chế chăng đó là đưa ra muộn, đáng lẽ cần sớm hơn, bởi tốc độ tăng giá tiêu dùng đã cao hơn cùng kỳ năm trước xét trên hầu hết các mặt (tháng 10 tăng cao hơn tháng 8, tháng 9 và tăng cao hơn tháng 10 năm trước; 10 tháng tăng cao hơn cùng kỳ 2 năm trước và tăng cao hơn cả mức cả năm của năm trước). Nếu không áp dụng các giải pháp mạnh trên thì "bão giá" sẽ hoành hành với tốc độ cao hơn nhiều. Biện pháp thứ ba đưa ra, nhưng do lãi suất quá thấp nên không hấp dẫn người mua.

Đứng trước tình hình giá cả gia tăng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03 về việc khống chế cho vay đầu tư chứng khoán không được vượt quá 3% tổng dư nợ tín dụng, đồng thời phát hành tín phiếu với nhiều kỳ hạn, với lãi suất hấp dẫn hơn, nên có triển vọng thu hút nhiều hơn, nhanh hơn lượng tiền từ lưu thông về. Tuy nhiên, do lượng ngoại tệ tăng tốc vào Việt Nam với số lượng kỷ lục từ tất cả các nguồn (nguồn đầu tư trực tiếp, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, nguồn đầu tư gián tiếp, nguồn kiều hối, nguồn chi tiêu của khách du lịch,…), các ngân hàng thương mại đang "thừa" ngoại tệ không thể mua nhiều hơn bán vì sẽ vượt quá tình trạng ngoại hối mà Ngân hàng Nhà nước đã quy định, đồng thời sẽ bị lỗ vì tỷ giá có xu hướng giảm, nên Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tiếp tục đưa tiền ra để mua ngoại tệ nhằm tăng dự trữ ngoại hối cho quốc gia, hạn chế nhập siêu. Trong khi tốc độ tăng giá 10 tháng đã lên tới 8,12%, đang "lừng lững" vượt qua mốc 8,5% trong tháng 11 và vượt qua mốc 9% trong tháng 12. Vì vậy, không chỉ tiếp tục thực hiện các giải pháp đã đưa ra từ tháng 6, mà còn phải thực hiện mạnh hơn, quyết liệt hơn. Có thể phải tính đến việc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên cao hơn trong vài ba tháng; kiểm tra quyết liệt để thực hiện Chỉ thị 03; nâng lãi suất phát hành tín phiếu.

Cùng với việc "hút" tiền từ lưu thông về mạnh hơn, cần "tản" tiền ra nhanh hơn. Cùng một lượng tiền trong lưu thông, nếu chuyển dần tiền (chúng tôi tạm gọi là "tản" tiền) sang nhiều thị trường khác thì sẽ giảm áp lực tăng giá ở thị trường hàng hóa, dịch vụ, nhờ nguyên tắc "bình thông nhau" giữa các loại thị trường trong kinh tế thị trường. Cụ thể, thị trường bất động sản đang nóng lên, thị trường vàng cũng nóng sẽ có sức hút một lượng tiền không nhỏ vào đây. Nhưng thị trường chứng khoán lại đang có xu hướng giảm nóng. Để có thể làm cho lượng tiền trong lưu thông "tản" ra, cần làm cho thị trường chứng khoán hút một lượng tiền lớn vào đây bằng cách đẩy nhanh tiến độ IPO các "đại gia" mà thời gian qua đã bị chậm lại. Xem xét lại các số liệu lịch sử có thể thấy, năm 1989 - 1990, lạm phát phi mã bị chặn lại nhờ tăng lãi suất huy động vốn; năm 1994 - 1995, lạm phát cũng được giảm nóng khi thị trường bất động sản bước vào cơn sốt giá lần thứ nhất; năm 2001 - 2002, chỉ số giá chứng khoán "rơi" từ 570 điểm xuống 130 điểm khi thị trường bất động sản bước vào cơn sốt thứ hai; năm 2006, thị trường chứng khoán nóng lên đã làm cho giá tiêu dùng chỉ tăng 6,6%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 8,4% của năm 2005 và gần 9,5% của năm 2004,… Nếu đẩy nhanh tiến độ IPO các đại gia thì ngoài việc hút mạnh vốn đầu tư gián tiếp đang "mai phục" các đợt IPO, mà còn thu hút một lượng tiền lưu thông không nhỏ vào việc mua cổ phiếu, giảm áp lực tăng giá tiêu dùng.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.