Đào tạo nhân lực chất lượng cao: Rất khó

18/11/2008 10:38 GMT+7

Hà Nội thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao gay gắt. Hệ thống đào tạo nghề của Hà Nội khó có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường LĐ.

Học phí 3 USD/ tháng - chất lượng khó cao

Chi phí thực hành nấu ăn, pha đồ uống cho học viên tại các khoa du lịch, chế biến rất đắt đỏ. Thế nhưng, Trường CĐ Thương mại-Du lịch chỉ thu học phí ở mức 50.000đồng/tháng.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Hiệu trưởng Trường Trung học tư thục Kinh tế-Công nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm so sánh: "Các trường phổ thông ngoài công lập đã có thể thu học phí từ vài trăm nghìn đến 2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, đào tạo nghề tốn kém gấp nhiều lần lại không thu được mức học phí cao".

Việc "thiếu tiền" là hệ quả của chất lượng lao động yếu kém. Ông Hoàng Hữu Niềm - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GDĐT thừa nhận: "Thành phố không thể kêu gọi đối tác  đầu tư  khi nhân lực không được bảo đảm. Nguy cơ thua ngay trên sân nhà với các đối tác nhập khẩu nhân lực chất lượng cao từ các thị trường LĐ khác".

Tự tìm cách tồn tại

Trước đòi hỏi cấp bách về nhân lực chất lượng cao, nhiều trường nghề đã tự vật lộn để tìm lối ra. Ông Bùi Quốc Thám - Hiệu trưởng Trường CĐ Thương mại-Du lịch cho rằng: "Nhiều trường không đổi mới, chỉ dạy lý thuyết mà không giành phần xứng đáng cho thực hành, kết quả là SV ra trường ngơ ngác, không có KN, kỹ năng thực hành".

Một hướng đi nữa là tìm cách tiếp cận với DN. Ông Phạm Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường Bán công Kinh tế-Kỹ thuật Bắc Thăng Long cho biết: "DN sẵn sàng trả tiền nếu đáp ứng được yêu cầu của họ. Thay vì chỉ đào tạo theo niên chế, trường chúng tôi đã mở ra các lớp đào tạo ngắn hạn theo đặt hàng của DN. Ví dụ như Honda sẵn sàng trả học phí thay cho học viên 300.000 - 500.000 đồng/khóa ngắn hạn để trường đào tạo lao động cho họ".

Theo ông Nguyễn Văn Hòa nên mở các trường nghề chất lượng cao. "Chỉ cần Nhà nước tạo điều kiện về mặt bằng để đầu tư mở trường thì chúng tôi có thể huy động vốn để xây dựng trường. Khi đó, học phí sẽ cao nhưng mới có nhân lực chất lượng cao ".

Theo ông Hoàng Hữu Niềm: "Muốn xây dựng một thị trường LĐ chất lượng cao, đón bắt các nguồn đầu tư nước ngoài với dây chuyền công nghệ cao thì  không thể đào tạo manh mún như hiện nay".

Hà Nội phấn đấu đến năm 2010 phải xây dựng được ít nhất 6 mô hình trường trọng điểm chất lượng cao, đảm bảo tối thiểu 30% số ngành, 20% số HS, SV đào tạo tại các trường CĐ, TCCN được đào tạo theo chuẩn chất lượng cao với các ngành, nghề cơ bản mà thị trường LĐ cần.

Hạnh Ngân - Hương Anh / Báo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.