Gửi tiết kiệm kỳ hạn nào?

15/11/2008 11:12 GMT+7

Lãi suất đầu vào giảm thêm, người gửi tiết kiệm ngắn hạn sẽ bất lợi. Lãi suất tiền gửi giảm nhưng lãi suất ngắn hạn (kỳ hạn 3 tháng) ngang bằng hoặc cao hơn lãi suất dài hạn (kỳ hạn 6 tháng trở lên). Trong bối cảnh đó, nhiều người băn khoăn gửi tiết kiệm kỳ hạn nào sẽ có lợi?

Kỳ hạn dài có lợi thế?

Ngày 14-11, Ngân hàng (NH) Ngoại thương hạ lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng 13,5%/năm, 6 tháng 12,5%/năm. NH Đầu tư và Phát triển áp dụng tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng cùng mức 12,5%/năm, kỳ hạn 6 tháng 13,5%/năm. Nhiều NH khác huy động vốn kỳ hạn 3 tháng trên 15%/năm, kỳ hạn 6 tháng thấp hơn 3 tháng khoảng 0,5%/năm.

Dù lãi suất dài hạn bằng và thấp hơn ngắn hạn nhưng nhiều người am hiểu thị trường tiền tệ cho rằng các NH sẽ tiếp tục giảm lãi suất huy động vốn, đưa lãi suất về đúng quy luật lãi suất ngắn hạn thấp hơn dài hạn. Vì thế thời điểm này gửi tiết kiệm kỳ hạn dài sẽ có lợi thế. Ví dụ, NH Việt Á hiện huy động kỳ hạn 3 tháng lãi suất 15,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng 15,4%/năm. Nhưng nếu trong tháng 12-2008, NH này giảm lãi suất kỳ hạn 3 tháng xuống còn 14,8% thì trong thời gian 6 tháng người chọn kỳ hạn 3 tháng sẽ có 2 lần gửi tiết kiệm. Khi đó, lãi suất bình quân của 2 lần gửi chỉ ở mức 15,3%/năm, thấp hơn lãi suất hiện tại của kỳ hạn 6 tháng 0,1%/năm. Tuy vậy, việc tính toán kỳ hạn tiền gửi theo giả thuyết trên chỉ hợp lý với người có tiền nhàn rỗi, tùy vào nhu cầu sử dụng tiền trong tương lai mà người gửi tiền chọn lựa kỳ hạn tiết kiệm phù hợp.

Lãi suất ngắn hạn sẽ giảm sâu

Do nhiều tháng trước lãi suất liên tục tăng nên người dân hình thành tâm lý gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn để sau đó chuyển sang kỳ hạn mới lãi suất cao hơn. Thế nhưng, theo các NH, chỉ số giá tiêu dùng đang trên đà giảm, tạo áp lực NH Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cơ bản. Lãi suất tiết kiệm sẽ giảm theo. Theo ông Nguyễn Thế Bình, Tổng Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT, không có lý do gì để lãi suất không giảm thêm trong thời gian tới. Một số NH lớn đã giảm lãi suất cho vay xuống dưới 15%-15,5% và sẽ hạ lãi suất tiết kiệm ngắn hạn xuống dưới 12%/năm để bảo đảm chênh lệch đầu vào với đầu ra 3%, NH kinh doanh mới có hiệu quả. Phó Tổng Giám đốc NH An Bình Phạm Quốc Thanh cho biết lãi suất đầu vào chắc chắn sẽ giảm thêm vì các NH không thiếu vốn. Việc duy trì huy động vốn lãi suất cao sẽ làm cho các NH luôn đối mặt với áp lực lợi nhuận trong năm 2009.

Thực tế cho thấy, 70% nguồn vốn của NH là huy động tiết kiệm, trong đó 50%-60% là tiền gửi ngắn hạn. Trong khi NH chỉ được phép sử dụng 40% số vốn huy động ngắn hạn, đồng thời nhu cầu của người vay thường là 6 tháng trở lên. Do đó các NH sẽ không mặn mà huy động vốn kỳ hạn ngắn. Mặt khác, các NH cũng đang khuyến khích người gửi tiền dài hạn để ổn định kế hoạch sử dụng vốn trong năm 2009, nên lãi suất tiết kiệm ngắn hạn từ nay đến cuối năm 2008 sẽ giảm sâu hơn.

Không có biến động về cung - cầu vốn

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, thị trường tài chính sẽ không có biến động về cung – cầu vốn. Hầu hết các NH không có nhu cầu vay từ thị trường mở, thị trường liên NH, một số NH chưa có nhu cầu rút về số tiền mua tín phiếu bắt buộc. Các NH không cần thiết phải huy động vốn lãi suất cao, cần giảm mạnh lãi suất tiết kiệm ngắn hạn để cân đối chi phí của số vốn đã huy động từ nhiều tháng trước với lãi suất trên 17%/năm. Lãi suất tiết kiệm giảm thấp là cơ sở để các NH giảm thêm lãi suất cho vay, mở rộng đầu ra cho nguồn vốn. Nếu các NH đưa mặt bằng lãi suất đầu vào về mức 12%/năm thì lãi suất cho vay phổ biến sẽ là 14%-15%/năm.

Theo Người Lao Động/Thy Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.