Hơn 4 năm chưa thi hành được bản án

11/11/2008 22:23 GMT+7

Thời gian qua, dư luận đã lên tiếng rất nhiều về vụ tranh chấp căn nhà 84A Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM. Nguyên nhân vì sao một bản án lại có nhiều tranh cãi và khó thi hành án đến vậy?

Sự việc

Ngôi nhà 84A Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM do gia đình bà Nguyễn Quỳnh Anh sử dụng từ năm 1956, giấy tờ nhà đã bị thất lạc toàn bộ và nhà xem như thuộc Nhà nước quản lý. Ngày 3.2.2000, bà Quỳnh Anh lập giấy tay bán nhà cho bà Lê Thị Tuyết Hồng. Sau thời gian lập giấy bán nhà, bà Quỳnh Anh tiến hành mua hóa giá căn nhà này. Ngày 27.12.2000 bà Anh được cấp giấy chủ quyền nhà, sau đó lập hợp đồng ủy quyền cho bà Lê Thị Thu Hồng toàn quyền định đoạt, mua bán... ngôi nhà trên. Ngày 11.1.2001, bà Lê Thị Thu Hồng với tư cách đại diện cho bà Anh đã  ký hợp đồng bán nhà và đã sang tên cho ông Nguyễn Xuân Cương.

Vài tháng sau, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM  (UB MTTQ VN TP.HCM) khởi kiện ra Tòa án Nhân dân TP.HCM (TAND TP.HCM) yêu cầu hủy hợp đồng mua bán nhà 84A Nguyễn Du. Lý do UB MTTQ VN TP.HCM, nguyên đơn trong vụ kiện này là để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho bà Anh – nguyên là thành viên UB Trung ương MTTQ VN nay mất năng lực hành vi dân sự, không có người thân đại diện khởi kiện. TAND TP.HCM đã thụ lý vụ án và đưa ra xét xử sơ thẩm (bản án 2204 ngày 18.12.2003). Do có kháng cáo của ông Nguyễn Xuân Cương và bà Lê Thị Tuyết Hồng, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã xét xử theo trình tự phúc thẩm (bản án 157, ngày 11.5.2004). Cả hai bản án đều có chung nhận định và quyết định dẫn đến tranh cãi; đồng thời cũng là bức xúc lớn nhất, buộc ông Cương, bà Thu Hồng, Tuyết Hồng khiếu nại kéo dài và bản án đã không thi hành được sau hơn 4 năm qua, nhận định cụ thể như sau:

- Bà Lê Thị Tuyết Hồng là Việt kiều Canada nên không được phép mua bán nhà, đất tại Việt Nam vào thời điểm ngày 3.2.2000. Hợp đồng mua bán nhà ngày 3.2.2000 giữa bà Lê Thị Tuyết Hồng và bà Quỳnh Anh là vô hiệu.

- UB MTTQ VN TP.HCM đã căn cứ vào Điều 8, Điều 28 Pháp lệnh về Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự để khởi kiện ông Cương, bà Thu Hồng nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Quỳnh Anh là đúng pháp luật.

Khiếu kiện của bị đơn là có cơ sở?

Theo báo cáo số 204 ngày 1.9.2008 của Cơ quan điều tra thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các tài liệu chúng tôi có được thì việc tòa cho rằng bà Lê Thị Tuyết Hồng là Việt kiều Canada nên không được phép mua bán nhà đất vào thời điểm năm 2000 là không thuyết phục. Trong các văn bản xác nhận của các cơ quan chức năng, không có một văn bản nào xác định bà Lê Thị Tuyết Hồng mang quốc tịch nước ngoài và là Việt kiều. Cụ thể như: Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP.HCM xác nhận: Bà Lê Thị Tuyết Hồng từ trước tới nay mang quốc tịch Việt Nam (không khi nào mang quốc tịch nước ngoài). Công văn 729 ngày 27.6.2008 của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP.HCM đã xác định rõ ràng: "Bà Lê Thị Tuyết Hồng sinh ngày 6.6.1958 trước có hộ khẩu thường trú tại số 62 Lê Minh Xuân, P.8, Q.Tân Bình; ngày 28.5.1979 chuyển hộ khẩu đến địa chỉ 19 lầu 2, Nguyễn Duy Dương, Q.5; ngày 18.5.2005 di chuyển hộ khẩu đến nhà của chồng tại P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM". Năm 1999 và năm 2007, bà Lê Thị Tuyết Hồng còn có Thẻ cử tri để bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp...

Việc tòa sơ thẩm xác định UB MTTQ VN TP.HCM là nguyên đơn trong vụ kiện dân sự là không phù hợp pháp luật. Bản án sơ thẩm đã căn cứ Điều 8 của Pháp lệnh về Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, trong khi các điều này của pháp lệnh chỉ quy định: “...Nếu không có người khởi kiện thì các ủy ban MTTQ, các tổ chức thành viên của MTTQ trong phạm vi chức năng của mình có quyền khởi kiện hoặc đề nghị Viện KSND xem xét việc khởi tố vụ án đối với những việc quy định tại Điều 28 của pháp lệnh”. Điều 28 xác định Viện KSND khởi tố trong trường hợp “ ...đối với những người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần nếu không có ai khởi kiện...”.

Tuy nhiên, trong vụ án này, bà Quỳnh Anh là người có quyền làm đơn khởi kiện và tại thời điểm mà UB MTTQ VN TP.HCM khởi kiện thì bà vẫn có đủ năng lực pháp luật dân sự, điều này thể hiện rõ ở bản án phúc thẩm như sau: “Tuy nhiên việc khởi kiện của UB MTTQ VN TP.HCM là để bảo vệ quyền lợi cho bà Quỳnh Anh theo yêu cầu của bà trong giai đoạn bà còn tỉnh táo. Nên cần xác định UB MTTQ VN TP.HCM chỉ có tư cách làm đại diện hợp pháp của bà Anh, chứ không thể coi là nguyên đơn như tòa cấp sơ thẩm đã xác định”. Như vậy, tòa sơ thẩm đã vi phạm Khoản 2 Điều 36 của Pháp lệnh về Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự: “Người nộp đơn không có quyền khởi kiện”. Việc thụ lý giải quyết vụ án dân sự nêu trên là không đúng với trình tự thủ tục của pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự ngay từ cấp sơ thẩm.

Như vậy đã rõ, những khiếu kiện kéo dài của các bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án này là có căn cứ và các cơ quan cấp trên liên tục kiến nghị hoãn thi hành án là để xem xét, giải quyết những khiếu kiện rất chính đáng này. Cho đến nay, thời hiệu kháng nghị bản án phúc thẩm đã hết. Việc thi hành án không thực hiện được vì nhiều cơ quan kiến nghị hoãn thi hành án như đã phân tích trên. Thiết nghĩ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao nên xem xét lại toàn bộ sự việc để có hướng giải quyết vụ án một cách công minh.

Thanh Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.