Việt kiều Úc Lê Phú Cường: Giấc mơ "phở đi toàn cầu"

04/11/2006 23:01 GMT+7

Gặp Cường trong quán phở Hoa Hồi mới mở trên đường Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), câu chào đầu tiên của anh là: "Điểm tâm chưa? Làm một tô nhé!". Những bài báo viết về anh bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt đã khá nhiều nhưng tôi vẫn tò mò muốn mắt thấy tai nghe anh nói về tình yêu đối với món "quốc hồn quốc túy" của dân tộc ra sao.

Mái đầu đinh lắc lư, miệng nói liên tục và đôi mắt dưới làn kính cận thỉnh thoảng hấp háy khi anh hào hứng kể cho tôi nghe dự án văn hóa về phở của anh có tên Phở Goes Global vòng quanh nước Úc vào đầu năm 2008. Nhưng tại sao là 2008? Anh từng tiết lộ trên một tờ báo rằng triển lãm sẽ được tổ chức vào cuối năm 2007? Tôi hỏi. Cường gật đầu nhẹ: "Chuyện tiền ấy mà!". "Vậy các anh cần bao nhiêu để thực hiện dự án này?". "Khoảng 400.000 USD". Cường liệt kê: sẽ có một cuốn sách tập hợp những bài viết hay từ trước đến nay về phở, từ những bài "kinh điển" của cụ Nguyễn Tuân cho đến bài viết của những chuyên gia đương đại. Anh cho biết hiện đang trong quá trình thương lượng với NXB Trẻ. Tiếp đó sẽ là một vở kịch dài 90 phút, một bộ phim tài liệu, một hội thảo với những khách mời trong nước, người Việt hải ngoại và khách quốc tế. Chưa hết, sẽ còn có một triển lãm sắp đặt tái hiện chợ phở xưa. Hiện tại, các anh đang vận động để có đủ số tiền ấy và tìm kiếm đối tác để tiến hành các hoạt động nghệ thuật phục vụ cho triển lãm.

Xin mở ngoặc, "các anh" ở đây chính là ban điều hành Trung tâm nghệ thuật Casula ở mãi tận thành phố Liverpool, cách sân bay quốc tế Sydney 33 km, tương đương với khoảng 30 phút chạy xe. Đây là một trung tâm nghệ thuật cộng đồng được vận hành nhờ vào nguồn quỹ của chính quyền địa phương và Bộ Văn hóa của tiểu bang New South Wales.


Ký ức lãng quên - tác phẩm sắp đặt tại triển lãm I love phở

Từ một nhà máy điện bỏ hoang, phở Việt Nam sẽ đi "toàn cầu"...

Đó là chuyện thật. Trung tâm nghệ thuật Casula, nơi Cường làm việc trong 5 năm qua vốn được dựng lên từ một nhà máy điện bỏ hoang. Tọa lạc bên bờ dòng sông Georges, nhà máy điện Casula hoạt động từ những năm 1950 đã được chuyển đổi chức năng vào tháng 10.1994. Casula trở thành địa điểm trao đổi văn hóa giữa các cộng đồng dân nhập cư và người bản xứ. Nơi này nhanh chóng trở thành một trong những điåa chỉ hàng đầu trong các hoạt động biểu diễn, triển lãm văn hóa, nghệ thuật của di dân từ khắp nơi trên thế giới hiện sinh sống ở Liverpool và các vùng khác thuộc tiểu bang New South Wales. Người Việt Nam, một trong những sắc dân châu Á đến Úc sau năm 1975 và là nhóm dân thiểu số đang gia tăng về số lượng, đặc biệt tại vùng ven Sydney trong vài năm qua, hiển nhiên trở thành một đối tượng được ban lãnh đạo Trung tâm nghệ thuật Casula đặc biệt chú ý. Lê Phú Cường, một thanh niên Việt Nam đến Úc từ năm 1989 đã được chiêu mộ vào vị trí nhân viên điều phối hoạt động tổ chức hoạt động văn hóa cho 16 cộng đồng châu Á, trong đó có Việt Nam.

Nhưng có thể nói, với tư cách là một người Việt Nam, điều làm Cường hao tâm tổn sức nhiều nhất kể từ khi đến Casula vẫn không có điều gì khác ngoài một chữ "phở". Tự bản thân anh thấy xót xa khi nhận ra những bạn trẻ thuộc thế hệ Việt kiều thứ 2 mà anh từng có dịp tiếp xúc đang đứng trước nguy cơ thiếu kiến thức trầm trọng về văn hóa, lịch sử dân tộc... Có một con đường khiến Cường nghĩ có thể sẽ giúp họ nhận diện dễ nhất nguồn gốc của mình: ẩm thực. Cách đây 4 năm, anh biết rằng có một đầu bếp người Pháp tên Didier Corlou giới thiệu về phở Việt Nam ngay tại Hà Nội - quê hương của phở, Lê Phú Cường mừng như bắt được vàng. Phát triển ý tưởng của Corlou, anh chợt nảy ra ý định thông qua món phở, Casula sẽ giới thiệu về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam. Mục tiêu của Cường là không chỉ giúp người viễn xứ "ôn" lại kiến thức về món ăn số 1 của người Việt, xao xuyến với chút tình quê hương nồng thắm, mà còn nhằm giới thiệu về bản sắc Việt Nam ở quê người.

Xin phát âm cho đúng: "Tôi yêu phở"

I love phở - Đó là khẩu hiệu được in trên áo thun, sách, ảnh và đồ lưu niệm tại triển lãm cùng tên do Cường điều phối tổ chức tại Casula hồi tháng 6 năm nay. Vậy là Cường mất đến 4 năm để biến giấc mơ thành hiện thực, kể từ khi nảy sinh trong đầu ý định mượn phở để nói về Việt Nam. Cường đã huy động những cộng tác viên là các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ người Việt Nam lẫn nước ngoài làm việc rất nghiêm túc để cho ra mắt một triển lãm đầu tiên về phở ở xứ sở chuột túi.


Bàn thờ Phở - một tác phẩm sắp đặt khác tại triển lãm

Nhưng điều khiến anh ấn tượng nhất sau cuộc triển lãm này không phải là những bài báo đầy thiện chí, đặc biệt từ các nhà báo người Úc. Anh còn nhớ rõ vẻ mặt ngồ ngộ của những vị khách Tây đến tham quan triển lãm khi đọc... I love phơ (từ phở phát âm nghe cứ như fur (lông thú) vậy). Thế là, Cường cất công thuyết phục họ học luyện âm tại chỗ với anh. "Đã có nhiều người nhờ tôi mà biết nói từ “phở" đúng cách rồi đấy! Họ còn hiểu ra rằng ở đâu có người Việt Nam, ở đó có phở", Cường nheo mắt cười.

Tôi lắng nghe Cường say sưa suốt một buổi sáng về dự án Phở đi toàn cầu, biết chắc rằng nếu chúng tôi ngồi đến chiều tối anh vẫn chưa cạn ý. Trước khi chia tay, tôi nhắc lại lời ông Tổng lãnh sự Úc Mal Skelly khen anh là người rất nhiệt tình. Hy vọng Cường sẽ sớm tìm đủ nguồn tài trợ cho dự án đầy ý nghĩa này. Nhân đây, Cường muốn thông qua Báo Thanh Niên, kêu gọi tất cả những ai có ý tưởng độc đáo muốn tham gia dự án này hãy liên lạc với Cường qua địa chỉ e-mail cuong@casulapowerhouse.com. Với quyết tâm đem "gánh phở Việt Nam" ra giới thiệu cho bạn bè thế giới, Cường mong nhận sự đóng góp của những người yêu phở hay "tín đồ" của phở trong và ngoài nước.

Quỳnh Như

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.