Canh bạc của một triệu phú Singapore

19/10/2008 22:11 GMT+7

Hàng ngàn người Singapore lo mất tiền, riêng ông không đắn đo mua 1 triệu cổ phiếu AIG cho dù tập đoàn bảo hiểm Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản. Kết quả là ông thắng đậm.

Ông là Oei Hong Leong, 60 tuổi, công dân Singapore gốc Hoa, sinh tại Indonesia. Theo xếp hạng của tạp chí Forbes năm 2008, ông là người giàu thứ 27 ở Singapore, với giá trị tài sản 210 triệu USD. Năm 2006, tài sản của ông trị giá đến 475 triệu USD, xếp thứ 10 ở Singapore. Là con trai của một trong những người giàu nhất Indonesia, tỉ phú Eka Tjipta Widjaja, Oei tự làm giàu bằng chính khả năng của mình.  Ông nổi tiếng là nhà đầu tư năng động trong các lĩnh vực thép, bất động sản, công nghệ mới và chăm sóc sức khỏe.

Quyết đoán

16.9.2008, chưa đầy 12 tiếng đồng hồ sau khi Ngân hàng Đầu tư Mỹ Lehman Brothers tuyên bố phá sản, là một ngày khó quên trong lịch sử ngành tài chính Singapore. Từ hơn 8 giờ sáng, hàng trăm người đã rồng rắn xếp hàng tại các chi nhánh của AIA, công ty con chuyên về bảo hiểm của AIG, tại Singapore để yêu cầu chấm dứt các hợp đồng bảo hiểm. Đến đầu giờ chiều, con số này đã tăng lên hàng ngàn. Ai cũng nghĩ “vớt vát được chút nào hay chút ấy”! Nhiều người cầm số thứ tự và phải đợi đến 3 tiếng đồng hồ mới tới lượt. Không khí căng thẳng đến mức Tổng cục Tiền tệ Singapore (MAS) phải lập tức ra tuyên bố tài sản của AIA tại đây đủ sức để trả cho 2 triệu hợp đồng bảo hiểm đang có, nhằm hạn chế thiệt hại của người dân nếu vội vã hủy hợp đồng trước hạn. Vài giờ sau, thị trường chứng khoán New York mở cửa, cổ phiếu AIG rớt giá 36%, từ 1,95 USD/cổ phiếu khi Phố Wall đóng cửa hôm trước xuống còn 1,25 USD. Sau đó lại tăng lên.

Giữa lúc giá cổ phiếu AIG nhảy nhót không theo một dự đoán nào thì nhà tài phiệt Oei Hong Leong nhìn thấy cơ hội: “AIG quá lớn, quá quan trọng nên không thể sụp đổ. Chính phủ Mỹ sẽ phải làm gì đó!”. Và ông chớp ngay 1 triệu cổ phiếu với giá 1,8 USD, rồi tuyên bố tặng số cổ phiếu này cho trường Chính sách công Lý Quang Diệu, nhân ngày “nhà sáng lập” nước Cộng hòa Singapore Lý Quang Diệu tròn 85 tuổi. Cuối ngày, Phố Wall đóng cửa, cổ phiếu AIG đứng ở giá 3,75 USD, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tuyên bố cho AIG vay 85 tỉ USD, tương đương 80% tổng cổ phiếu của công ty.

Tuy vậy, mọi thứ vẫn bấp bênh. Ngày 17.9, cổ phiếu AIG giờ mở cửa đã rớt xuống 3,1 USD, rồi tiếp tục giảm đến 2 USD. Sau tăng giảm không lường. Nhưng Oei Hong Leong một lần nữa lại chứng tỏ tài dự đoán của mình, ông bán ngay số cổ phiếu AIG khi nó đạt giá 5 USD vào ngày 22.9, lấy trọn 7 triệu SGD (5 triệu USD) chuyển cho Hiệu trưởng trường Lý Quang Diệu, ông Kishore Mahbubani.

Đầu tư giỏi, làm từ thiện nhiều

 

Ông Oei Hong Leong - Ảnh: Forbes

Kể từ khi Oei Hong Leong “đánh bạc” với số cổ phiếu của AIG, chưa bao giờ giá cổ phiếu này rớt xuống dưới 1,8 USD hoặc tăng cao hơn 5 USD. Báo The Straits Times gọi canh bạc của ông là sự “tính toán thời gian hoàn hảo”.  Hôm 7.10, tại buổi lễ tặng tiền chính thức, Oei Hong Leong nói với các nhà báo: “Tôi có thể nói với các bạn rất trung thực, rằng nếu có bất kỳ sự hồi phục nào của thị trường, khi đó bạn rút lui ngay. Đó là thời điểm tốt để giảm thiểu thua lỗ”. Ông cũng nhận định dự luật 700 tỉ USD cứu nguy các ngân hàng bằng cách mua những món nợ xấu “còn lâu mới đủ” để phục hồi sự ổn định của các thị trường. Theo ông, điều quan trọng hơn là cần khôi phục niềm tin. “Nhưng những tập đoàn tài chính lớn cỡ như AIG thì không được phép phá sản. Và Chính phủ Mỹ đủ lớn để cứu chúng, bằng cách in thêm tiền và các phiếu ghi nợ, hoặc phát hành trái phiếu”, Oei phân tích tình hình ở Mỹ.

Món quà 7 triệu SGD trên Oei dành cho những sinh viên sau đại học đến từ Trung Quốc, những người có cùng gốc gác với ông. Dù vậy, ông nói việc làm này không nhằm “lấy lòng” Trung Quốc bởi ông đã bán hết những cơ sở kinh doanh của ông ở đất nước đông dân nhất thế giới rồi. Ông muốn tạo cơ hội cho những người đồng hương trẻ tuổi của ông vốn “học hỏi rất nhanh, kể cả thói tham lam và chạy theo đồng tiền” được học những điều tốt đẹp: “Các em cần học rất nhiều đức tính của một nhà tư bản tốt: chính trực, công bằng và đóng góp cho cộng đồng”.

Trước “phi vụ” AIG một tuần, Oei đã tặng 2 triệu SGD cho Quỹ Lãnh đạo thế hệ kế tiếp (NextGen Leadership Foundation) do cựu Thủ tướng Goh Chok Tong khởi xướng nhằm khuyến khích thanh niên lãnh đạo các cơ sở địa phương và các tổ chức phúc lợi xã hội. Năm 2003, Oei cũng đã tặng trường Lý Quang Diệu 1 triệu SGD. Ông được đánh giá là một nhà thiện nguyện lớn. Năm 2007, ông mua đất để xây bảo tàng trưng bày những cổ vật về Đức Phật, mà bản thân ông đã sưu tập được hơn 10.000 món.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.