Thưởng thức đặc sản xứ dừa

12/11/2009 17:18 GMT+7

(TNTT>) Mời người bạn đang sống ở TP.HCM nhưng quê gốc Bến Tre vài món mứt dừa, anh liền trợn mắt đùa: “thôi, tuổi thơ anh bị "vây hãm" bởi dừa đủ rồi!”.

"Kệ nó con, coi xấu xấu mà ngon!” là câu nói tôi nghe đi nghe lại nhiều lần suốt mấy ngày lang thang ở Bình Đại, một huyện ven biển tỉnh Bến Tre. Đến xứ dừa, dĩ nhiên phải thưởng thức đặc sản từ dừa! Nhờ vậy mới nhiều lần được nghe câu “xấu xấu mà ngon” của mấy dì mấy chú nhiệt tình. Có gì đâu, người bạn đón tôi về nhà đương lúc trời trưa nắng gắt. Vừa ngồi xuống là một ca nước dừa ngọt ngào thanh tao được đặt ngay trước mặt. Nhìn ra sân, một giỏ đệm lớn đựng chừng hai chục trái dừa tươi rói, sẵn sàng phục vụ nhu cầu “khát là uống” suốt ngày của tôi. Ngồi trò chuyện chơi, hoặc khi ăn cơm, ăn trái cây, coi tivi... lúc nào ca nước dừa cũng kè kè bên cạnh.

Nước dừa tươi vừa uống trực tiếp, vừa dùng để nấu được nhiều món ngon, lạ miệng. Thì đây, buổi chiều, trong gian bếp đơn sơ dùng củi bẹ dừa, một nồi vịt kho nước dừa đang sôi sùng sục, bốc mùi thơm ứa nước miếng. Nồi vịt nhấc xuống, thêm vào trái thơm chín đã xắt miếng, chan nước vịt kho ăn với bún thật quá là ngon. Bác gái chủ nhà vừa tự hào vừa khiêm tốn: “Vịt nhà, dừa nhà, khóm (thơm) cũng trồng ở nhà. Ở quê mà, thôi kệ ăn đại đi con”. Với tay lên bếp nhấc xuống nồi ốc luộc nước dừa, con ốc thiên nhiên hình dáng thật... khó tả, bác gái lại cười hiền lành, tách vỏ cho tôi từng con một: “Ở quê chỉ có vậy, con ăn đi, coi xấu xấu vậy mà ngon”. Tôi ăn thử một con, ngọt lịm. 

Tôi đã từng đến làm khách ở nhiều gia đình miền Tây Nam Bộ. Điều khiến tôi thích nhất là sự thân thiết giữa chòm xóm với nhau. Láng giềng của nhà bạn tôi cũng vậy, hình như không hề có sự dè dặt khách sáo nào. Những hàng rào be bé để phân biệt nhà này và nhà khác, nhưng mọi người thường xuyên tới lui, nhờ cậy, ăn uống, chia sẻ thông tin cùng nhau. Nhà này có khách đồng nghĩa với nhà kia có khách. Ngồi trò chuyện hết một lượt trà, bác trai nhà hàng xóm đề xuất: “Mình về bẻ dừa dốt dốt làm mứt cho con nhỏ ăn chơi”, tức thì bác gái nhà ấy hưởng ứng liền: “Phải đó, đợi tui đi mua hộp sữa”. Một lúc sau, hít hà nghe gian bếp bên ấy tỏa mùi thơm béo ngậy, tôi lò dò qua coi thử. Nồi mứt dừa vừa nhấc xuống, còn nóng hổi và hình như hơi... khét. Bác gái cười, mặt đỏ lựng màu lửa củi: “Tại lỡ tay để lửa lớn quá, hơi sít đáy nồi rồi. Nhưng mà mứt thơm lại dẻo, nguyên chất, không sợ bỏ màu bị độc. Kệ nó con, coi xấu xấu vậy chớ ăn ngon”. Bác ấy đã “đóng gói” hết chỗ mứt đó để tôi đem về thành phố đãi bạn bè.

Đến ngày về, trong túi quà tặng tôi còn có kẹo dừa các loại, bánh phồng nước cốt dừa, vài thứ hàng thủ công làm từ miểng dừa: móc khóa, lược, vòng tay...

Tôi nhớ trước kia, khi nghe ca sĩ Phi Nhung hát bài Phải lòng con gái Bến Tre, câu mở đầu là “Bậu sang phà Rạch Miễu...”. Giờ đây, phà Rạch Miễu đã trở thành hồi ức một thời. Đường về nhà bạn tôi ở xã Bình Thới, trước đây phải đi hai lần phà mới tới, bây giờ chỉ việc bon bon qua cầu, vừa nhanh vừa đẹp lại an toàn. Vì lẽ đó, ngày rời khỏi xứ dừa, tôi đã bị “lây” niềm vui của bạn mình, cộng với cảm tình dành cho người dân quê hiếu khách mà bật lên câu hát “cải biên”: Bậu qua cầu Rạch Miễu...

Ngoài những món ăn chế biến từ dừa, cua thiên nhiên ở Bình Đại cũng có thể gọi là đặc sản. Đây là loại cua mà những người đi ruộng móc được dưới sình, mỗi lần như thế chỉ 1-2 con, đem về bán lại cho đầu mối thu gom, cũng là chòm xóm. Khách về chơi được mời ăn cua thiên nhiên thì là khách quý. Bình Thới có một quán lá đơn sơ, thường gọi là quán bà Sen, bán món ngon nhất là gà vườn nấu cháo. “Dân nhậu” đến quán bà cứ xách theo túi cua vừa mua được, bà sẽ đảm trách luộc miễn phí, còn tặng kèm... muối tiêu chanh. Dĩ nhiên là trước đó phải đặt “khổ chủ” làm một con gà nấu cháo.

Đăng Khôi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.