Những kiểu "bán sống" con người - Kỳ 1: Sa chân

16/11/2010 09:56 GMT+7

Sau những cuộc ngã giá chóng vánh, nhiều lao động đã bị lừa đưa đến rừng sâu núi thẳm, bị đày đọa trong những trại lao động khổ ải không biết ngày về. Những câu chuyện về một kiểu mua bán lao động dã tâm đang trở nên nóng bỏng ở nhiều bản làng Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế.

Nếu không có trưởng công an xã Hồng Trung (A Lưới, Thừa Thiên-Huế) cùng đi, có lẽ chúng tôi đã không thể cạy được nửa lời ở anh thanh niên Pakô Hồ Văn Noi về chuyến đi làm ăn xa nhất đời mình hai năm trước. Sự nghi ngại ấy của Noi - một thanh niên Pakô hiền lành - giờ như một phản xạ tự nhiên. Bởi trong chuyến làm ăn xa đầu tiên ấy, Noi và 32 thanh niên khác ở vùng đất này đã bị “bán sống” vào bãi vàng Phước Sơn (Quảng Nam) vì trót tin những người tuyển lao động từ dưới xuôi lên.

Cuộc tuyển chọn chóng vánh

Hồ Văn Noi bắt đầu câu chuyện bằng sự hồi tưởng cuộc tuyển người mà Noi cùng với 32 thanh niên Pakô khác sa chân: đó là một ngày giá rét cuối tháng 2-2008, Ủy ban nhân dân xã Hồng Trung bỗng nhiên đông đúc khi có hai người của Công ty PM ở Quảng Nam lên tuyển người đi làm ăn với mức lương 1 triệu đồng/ tháng. “Mùa lạnh ở nhà đi bẻ măng suốt ngày mới được hai cân gạo. Họ nói lương cao rứa nên mình ham lắm” - Noi giải thích.

Chính quyền cũng bị lừa

Trưởng Công an xã Hồng Trung Trần Đức Dục nhớ lại: “Họ chìa ra cái giấy giới thiệu có dấu mộc của Phòng Nội vụ huyện A Lưới huyện rồi nói có bao nhiêu người tuyển bấy nhiêu. Công việc thì đủ loại: may mặc, làm xưởng gỗ, đóng tàu..., lương 1 triệu đồng/tháng. Nghe rứa nên xã tức tốc cho dân quân đi kêu từng người đến gặp. Họ đến rồi đưa dân đi chỉ trong một ngày, đến khi biết cái giấy có dấu đỏ là giấy giả thì muộn mất rồi”.

Đang mùa giáp hạt, nghe có việc lại được xã gọi nên không chỉ Noi mà nhiều thanh niên ở Hồng Trung và A Ngo ùn ùn kéo tới đăng ký. Bà con hối nhau kêu con em đến tuyển, xã còn sốt sắng cho mượn phòng làm việc của ủy ban để làm nơi đăng ký. Tất cả bừng bừng hào hứng.

Chưa đầy 12 giờ sau, 33 thanh niên “may mắn” nhất ở A Ngo và Hồng Trung được tuyển dụng. 5 giờ sáng hôm sau tất cả đã nghe còi xe bấm “bim bim” ngoài ngõ. Xe đưa họ rời đèo Mẹ Ơi quanh co, bản làng khuất mờ trong sương giá. Những thanh niên Pakô ấy không ai hay một cuộc hành trình xa lắc và khổ ải bắt đầu.

Vẫy vùng đào thoát

Chiếc xe đò vượt qua không biết bao nhiêu đèo núi, 4 giờ chiều đỗ xịch ở một thị trấn sơn cước mà khi vào quán cơm, Noi và một vài bạn bè biết chữ mới biết đó là Khâm Đức (Phước Sơn, Quảng Nam). Khâm Đức là nơi mô? Noi chưa từng nghe, nhưng xe chạy cả ngày Noi biết là xa quê nhà A Lưới lắm rồi. Chừng đó vẫn chưa đủ cho Noi và các thanh niên Pakô nghi ngờ.

Chỉ đến khi Noi nhớ lại mình được tuyển đi làm nghề đóng tàu sao xe lại chạy lên núi, rồi một người bạn cùng xã tên Hồ Thị Ngút đánh bạo hỏi chủ quán cơm: “Công ty chi mà đường đi khó rứa?” thì một ánh mắt ái ngại xẹt qua, chủ quán nói vội vào tai Ngút và Noi: “Núi rừng ri công ty mô có. Vô đây chỉ có mần vàng thôi”. Ý nghĩ về một cuộc đào thoát ngay lập tức xuất hiện trong đầu cả 33 thanh niên Pakô nhưng đã quá muộn.


Hồ Văn Noi (ngồi giữa) kể lại chặng đường đào thoát từ bãi vàng Phước Sơn - Ảnh: Hữu Khá

Sau một đêm bị đám đầu gấu - cũng chính là những kẻ đã đến tuyển dụng lao động, lùa vào một nhà trọ ngụ tạm ở Khâm Đức, sáng hôm sau cuộc hành trình khổ ải vào bãi vàng Phước Thành bắt đầu. Không có ôtô mà chỉ cuốc bộ, đến lúc này tất cả mới thấm thía cái xảo quyệt của con người khi về bản tuyển người dặn chỉ mang hai bộ quần áo, không cần mang thêm chi, kể cả điện thoại, đến nơi sẽ được phát.

May mắn chỉ đến với bảy người trong đó có Noi và em trai Hồ Văn Giám trong cuộc đào thoát thứ nhất của 33 thanh niên Pakô. Cuốc bộ được nửa ngày, nhân lúc qua một đoạn cua đường núi, bảy người trong nhóm lùi lại và bỏ chạy thục mạng ngược theo đường vô. Gần 12 giờ đêm cả nhóm mới về lại được Khâm Đức, bụng đói meo và lạnh run người nhưng không ai dám dừng lại vì sợ tay chân của “công ty PM” còn đâu đây sẽ bắt lại. Rạng sáng ngày thứ ba từ khi rời quê nhà, bảy người may mắn nhất đến được Thạnh Mỹ (Nam Giang, Quảng Nam) và gom tiền bắt ngược xe đò trở về A Lưới.

Câu chuyện bị lừa gạt được những người đào thoát đưa nhanh về A Lưới. Nhưng đó chưa phải là câu chuyện hãi hùng nhất. Trong tận bãi vàng Phước Thành (Phước Sơn, Quảng Nam), 26 người còn lại đã trải qua những ngày tháng khổ ải dưới hầm vàng và những cuộc đào thoát bất thành.

Bloong Hêr, người đã ba lần đào thoát và bị bắt lại, kể bốn cô gái trong nhóm được giữ lại ở doanh trại để xay đá và nấu cơm - công việc được coi là nhẹ nhàng nhất, kéo dài từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối. Còn tất cả bị lùa vào những đường hầm ngoằn ngoèo sâu hun hút hoặc các giếng sâu vài chục mét để đào đất đưa lên. Thời gian nghỉ ngơi là thứ xa xỉ, mỗi ngày Hêr và các lao động khác phải chui dưới giếng và hào sâu từ sáng sớm, nghỉ trưa 30 phút rồi ăn cơm chiều 30 phút rồi lại làm tiếp đến gần 12 giờ đêm.

Cuộc đào thoát lần thứ tư của Bloong Hêr sau đó đã may mắn thành công khi Hêr liều mình nhảy xuống khe suối và băng rừng hai ngày hai đêm thì về được thị trấn Khâm Đức. Lòng quả cảm của Hêr đã cứu luôn cả nhóm lao động tuyển từ A Lưới khi chủ bãi vàng biết Hêr và những người trốn thoát trước đó sẽ tố cáo, nên sau 46 ngày từ lúc bị đưa vào bãi vàng, số thanh niên ở A Lưới đã được chủ bãi trả tự do.

Nhưng đó là câu chuyện cuối cùng mà họ được nghe từ bãi vàng. Sau những nỗi đày đọa suốt 46 ngày ở bãi vàng, đến giờ những thanh niên Pakô ở A Lưới vẫn chưa được nghe, được biết ai đã gây ra điều đó cho họ.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.