Tâm sự của tác giả bài văn gây xôn xao thành phố Vinh

09/11/2006 14:57 GMT+7

Mỗi buổi chiều bố đi làm về, phờ phạc, rã rời. Cơn đau bột phát từ nội tạng cứ âm thầm hành hạ, khiến bố đau đớn lắm. Em chỉ ước sau này mình sẽ trở thành một bác sĩ”, Nguyễn Thị Hậu (học sinh chuyên Toán lớp 10A2 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh, Nghệ An) - tác giả bài văn về bố gây xôn xao thành phố Vinh (Nghệ An) - tâm sự.

Ngôi nhà của Nguyễn Thị Hậu tại khối 1, phường Hà Huy Tập. 3 năm qua, với sự tần tảo của mẹ, sự động viên, giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo, Hậu đã cố gắng vượt qua khó khăn để cắp sách tới trường. Tuy nhiên, những ngày đến lớp dường như với cô bé có thân hình mảnh khảnh này là một chặng đường khó nhọc. Hậu là con thứ 4 trong một gia đình có 5 anh chị em, bố mẹ đều là công nhân về hưu theo chế độ với đồng lương “ba cọc ba đồng”.

Cuộc sống vốn đã khó khăn, lại nuôi đàn con đông đúc, bố mẹ của Hậu phải chạy đôn, chạy đáo, buôn bán đủ thứ nghề từ hàng rau, bốc vác… chắt nhặt, dành dụm từng đồng nhưng cũng không đủ khả năng trang trải cho cuộc sống gia đình. Nhiều lúc túng quẫn, bố của Hậu, ông Nguyễn Ngọc An phải xuống đường chạy xe ôm kiếm sống.

Năm 2000, bỗng dưng ông An xuất hiện triệu chứng đau cơ, mất sức lao động. Từ đây, gánh nặng gia đình đổ lên vai người vợ. “Nhiều đêm thấy chồng tỉnh giấc và ngồi bất thần nhìn vào khoảng không, mắt ướt nhòe, tôi biết ông ấy đang dằn vặt dữ lắm” - bà Hương kể.

Thấy cuộc sống của bố mẹ vất vả, cô con đầu Nguyễn Thị Ánh Hồng đang học lớp 6 xin thôi học, ở nhà trông giữ em và phụ giúp gia đình. Cô em gái Nguyễn Thị Ngọc Huyền cũng phải bỏ học nửa chừng. “Thấy bạn bè tung tăng cắp sách đến lớp, nhiều lúc nó cứ ra ngõ dõi theo, rồi bịn rịn chạy ra sau góc bếp khóc thút thít. Tôi biết nó thèm đến lớp lắm nhưng biết làm sao được”, bà Hương buông giọng trầm buồn.

Nhìn các con lần lượt nghỉ học, dù bị những cơn đau hành hạ, ông Nguyễn Ngọc An vẫn cố gắng nhẫn nại chạy xe ôm phụ giúp gia đình. Hình ảnh người cha với bộn bề lo toan, trăn trở, đã hằn in trong ký ức tuổi thơ cô bé học trò. Nguyễn Thị Hậu nhớ lại: “Mỗi buổi chiều bố đi làm về, phờ phạc, rã rời. Cơn đau bột phát từ nội tạng cứ âm thầm hành hạ, khiến bố đau đớn lắm. Em chỉ ước sau này mình sẽ trở thành một bác sĩ”.

Năm 2003, ông An xuất hiện thêm chứng bệnh tiểu đường. Dù đã chạy chữa khắp nơi, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Thế rồi một ngày tang thương ập đến, người cha đã mãi mãi rời khỏi cuộc đời! Với Hậu, đó là nỗi đau khủng khiếp nhất mà em đã trải.

Thấy mẹ vất vả vì làm quần quật cũng không đủ tiền nuôi đàn con ăn học, Hậu nói: “Xin mẹ ngày mai cho con nghỉ học. Con không muốn lại thêm một gánh nặng trút lên đôi vai vốn đã yếu mềm của mẹ nữa”. Bà Hương nhìn con, nước mắt lưng tròng: “Dù có bán nhà, con cũng phải cố mà học hành cho nên người”.

Khi nghe ý định bỏ học của Hậu, và biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình em, nhiều giáo viên trường PTCS Hà Huy Tập đã đến động viên em. Được thầy cô và bạn bè tiếp sức, liên tục từ cấp 1 cho đến cấp 2 Hậu đạt học sinh tiên tiến xuất sắc.

"4h sáng, Hậu dậy dọn dẹp bàn ghế, cùng mẹ mở quán bán hàng ăn.19h tối, lại phải xách thùng sang hàng xóm lấy nước vo gạo về cho lợn… vất vả như thế nhưng chẳng bao giờ thấy Hậu than thở điều chi” - bà Hương tự hào về con mình. Hậu đượm buồn: “Để thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình, em cần cố gắng vượt qua những khó khăn của đời sống thường nhật. Nhưng nhìn mẹ nay ốm mai đau, lòng em lại xót xa”.

Tình thương ấp ủ dưới mái ấm gia đình, dưới mái trường thành Vinh đã “tiếp lửa” giúp cô học sinh lớp 10 Nguyễn Thị Hậu viết nên những trang văn chan chứa tình người.

Cô giáo Phan Thị Thanh Vân, THPT Huỳnh Thúc Kháng, người trực tiếp ra đề và chấm bài nhận xét: “Điều đáng quý nhất, là tình cảm chân thực và người viết có một trái tim nhân hậu. Khi tôi đọc bài văn trước lớp 10A nhiều học sinh đã bật khóc, mọi ánh mắt đều hướng về phía Hậu với sự cảm mến, tin yêu. Hậu đã vượt lên bao vất vả, lo toan, trở thành một con ngoan trò giỏi”.

Bài văn gây xôn xao thành phố Vinh

Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thật, tuy nhiều câu chữ còn sai chính tả nhưng bài văn đạt 9,5 điểm này đã khơi dậy tình người. Xin đăng nguyên văn bài văn này.

Đề bài: “Em hãy phát biểu cảm nghĩ về một người thân yêu nhất”

Bài làm:

Trong cuộc sống hàng ngày, có biết bao nhiêu người đáng để chúng ta thương yêu và dành nhiều tình cảm. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng, người thân yêu nhất của bạn là ai chưa? Với mọi người câu trả lời ấy có thể là ông bà, là mẹ, là anh chị hoặc cũng có thể là bạn bè chẳng hạn. Còn riêng tôi, hình ảnh người bố sẽ mãi mãi là ngọn lửa thiêng liêng, sưởi ấm tâm hồn tôi mãi tận sau này.

Bố tôi không may mắn như những người đàn ông khác. Trong suốt cuộc đời bố có lẽ không bao giờ được sống trong sự sung sướng, vui vẻ. 40 tuổi khi chưa đi được nửa chặng đời người, bố đã phải sống chung với bao nhiêu bệnh tật: Đầu tiên là những cơn đau dạ dày, rồi tiếp đến lại xuất hiện thêm nhiều biến chứng (…). Đôi mắt sâu dưới hàng lông mày rậm, hai gò má cao cao lại dần nổi lên trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió. Tuy vậy, bệnh tật không thể làm mất đi tính cách bên trong của bố, bố luôn là một người đầy nghị lực, giàu tự tin và hết lòng thương yêu gia đình.

Gia đình tôi không khá giả, mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng tiền bố mẹ kiếm được hàng ngày. Dù bệnh tật, ốm đau nhưng bố chưa bao giờ chịu đầu hàng số mệnh. Bố cố gắng vượt lên những cơn đau quằn quại để làm yên lòng mọi người trong gia đình, cố gắng kiếm tiền bằng sức lao động của mình từ nghề xe lai.

Hàng ngày, bố phải đi làm từ khi sáng sớm cho tới lúc mặt trời đã ngả bóng. Mái tóc bố đã dần bạc đi trong sương. Công việc ấy rất dễ dàng với những người bình thường nhưng với bố nó rất khó khăn và gian khổ. Có những lúc phải chở khách đi đường xa, đường xóc, thì những cơn đau dạ dày của bố lại tái phát. Và cả những ngày thời tiết thay đổi, có những trưa hè nắng to nhiệt độ tới 38-40 độ C, hay những ngày mưa ngâu rả rích cả tháng 7, tháng 8, rồi cả những tối mùa đông lạnh giá, bố vẫn cố gắng đứng dưới những bóng cây kia đợi khách qua đường. Tôi luôn tự hào và hãnh diện với mọi người khi có được một người bố giàu đức hy sinh, chịu thương chịu khó như vậy.

Nhưng có phải đâu như vậy là xong. Mỗi ngày bố đứng như vậy thì khi trở về những cơn đau quằn quại lại hành hạ bố. Nhìn khuôn mặt bố nhăn nhó lại, những cơn đau mà bố phải chịu đựng, tôi chỉ biết òa lên khóc. Nhìn thấy bố như vậy, lòng tôi như quặn đau hơn gấp trăm ngàn lần. Bố ơi, giá như con có thể mang những cơn đau đó vào mình thay cho bố, giá như con có thể giúp bố kiếm tiền thì hay biết mấy? Nếu làm được gì cho bố vào lúc này để bố được vui hơn, con sẽ làm tất cả, bố hãy nói cho con được không?

Những lúc ấy, tôi chỉ biết ôm bố, xoa dầu cho bố, tôi chỉ muốn bố đừng đi làm nữa, tôi có thể nghỉ học, như vậy sẽ tiết kiệm được chi tiêu cho gia đình, tôi có thể kiếm được tiền và chữa bệnh cho bố. Nhưng nếu nhắc đến điều đó chắc chắn là bố sẽ buồn và thất vọng ở tôi nhiều lắm. Bố luôn nói rằng bố sẽ luôn “chiến đấu”. “Chiến đấu” cho tới những chút sức lực cuối cùng để có thể nuôi chúng tôi ăn học thành người. Bố rất quan tâm đến việc học của chúng tôi. Ngày xưa bố học rất giỏi nhưng nhà nghèo bố phải nghỉ học. Vào mỗi tối, khi còn cố gắng đi lại được, bố luôn bày dạy cho mấy chị em học bài.

Trong những bữa cơm bố thường nhắc chúng tôi cách sống, cách làm người sao cho phải đạo. Bố thuộc Truyện Kiều, hàng trăm câu châm ngôn, danh ngôn nổi tiếng… Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng tự giác học tập. Tôi sẽ làm một bác sĩ và sẽ chữa bệnh cho bố, sẽ kiếm tiền để phụng dưỡng bố và đi tiếp những bước đường dở dang trong tuổi trẻ của bố. Tôi luôn biết ơn bố rất nhiều, bố đã dành cho tôi một con đường sáng ngời, bởi đó là con đường của học vấn, chứ không phải là con đường đen tối của tiền bạc. Tôi sẽ luôn lấy những lời bố dạy để sống, lấy bố là gương sáng để noi theo.

Và, tôi khâm phục không chỉ bởi bố là một người cao cả, đứng đắn, lòng kiên trì chịu khó mà còn bởi cách sống lạc quan, vô tư của bố. Mặc dù những thời gian rảnh rỗi của bố còn lại rất ít nhưng bố vẫn trồng và chăm sóc khu vườn trước nhà để cho nó bao giờ cũng xanh tươi.

Những giò phong lan có bao giờ bố quên tưới nước vào mỗi buổi sáng; những cây thiết ngọc lan có bao giờ mang trên mình một cái lá héo nào? Những cây hoa nhài có bao giờ không tỏa hương thơm ngát đâu? Bởi đằng sau nó luôn có một bàn tay ấm áp chở che, chăm sóc, không những yêu hoa mà bố còn rất thích nuôi động vật. Tuy nhà tôi bao giờ cũng có 2 chú chó con và một chú mèo và có lúc bố còn mang về những chiếc lồng chim đẹp.

Và hơn thế, trong suốt hơn 5 năm trời chung sống với bệnh tật, tôi chưa bao giờ nghe bố nhắc đến cái chết, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc trốn tránh sự thật, bố luôn đối mặt với “tử thần”, bố luôn dành thời gian để có thể làm được tất cả mọi việc khi chưa quá muộn.  

Nhưng cuộc đời bố bao giờ cũng đầy đau khổ, khi mà cả gia đình đã dần khá lên, khi các chị tôi đã có thể kiếm tiền, thì bố lại bỏ chị em tôi, bỏ mẹ, bỏ gia đình này để ra đi về thế giới bên kia. Bố đi về một nơi rất xa mà không bao giờ được gặp lại.

Giờ đây khi tôi vấp ngã, tôi sẽ phải tự đứng dậy và đi tiếp bằng đôi chân của mình, bởi bố đi xa, sẽ không còn ai nâng đỡ, che chở, động viên tôi nữa. Bố có biết chăng nơi đây con cô đơn buồn tủi một mình không? Tại sao nỡ bỏ con ở lại mà đi hả bố? Nhưng con cũng cảm ơn bố, bố đã cho con thêm một bài học nữa, đó chính là trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta hãy trân trọng những gì đang có, hãy yêu thương những người xung quanh mình hơn (…).

Bố ra đi, đi đến một thế giới khác, ở nơi đó bố sẽ không còn bệnh tật, sẽ thoát khỏi cuộc sống thương đau này. Và bố hãy yên tâm, con sẽ luôn nhớ những lời dạy của bố, sẽ luôn thương yêu, kính trọng biết ơn bố, sẽ sống theo gương sáng mà bố đã chỉ đường cho con đi. Hình ảnh của bố sẽ luôn ấp ủ trong lòng con. Những kỷ niệm, những tình cảm bố dành cho con, con sẽ ôm ấp, trân trọng nó như chính linh hồn của mình.

Nguyễn Thị Hậu
Lớp 10A2, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh, Nghệ An

* Cô giáo Phan Thị Thanh Vân - người trực tiếp ra đề và chấm bài nhận xét: “Em là một người con ngoan, bài viết của em đã làm cho cô rất xúc động. Điều đáng quý nhất của em là tình cảm chân thực và em có một trái tim nhân hậu, em đã cho cô một bài học làm người - mong rằng đây không chỉ là trang văn mà còn là sự hành xử của em trong cuộc đời”.

- “Khi bài văn này đọc trước toàn trường, tự đáy lòng mình tôi cũng không kìm nén được nước mắt. Hơn 30 năm trong nghề, lần đầu tiên tôi được nghe và cảm nhận một bài văn gây xúc động đến thế”, Thầy Võ Tuấn Tài -  Hiệu trưởng trường THPT Huỳnh Thúc Kháng nói.

Theo Ngọc Bính - Quang Long/Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.