Vui buồn cô dâu Việt ở Đài Loan

06/11/2006 22:51 GMT+7

Nghe cô gái trẻ người Việt thở than "thân phận nàng Kiều" trên một sườn đồi ở Đài Loan hôm nào, tôi cứ day dứt mãi. Câu chuyện làm tôi nhớ đến câu thơ dân gian mà chị tôi vẫn hay ru hồi còn bé: "Mẹ em tham khúc cá thu/Gả em về biển mịt mù tăm tăm".

Không ít ông cha, bà mẹ quê Nam Bộ, TP.HCM, Hải Phòng... chỉ vì cái "khúc cá thu"... vài ngàn đô ấy mà đành đoạn nhắm mắt đẩy con gái sang xứ người làm vợ...

Cô dâu đến từ Sài Gòn

Có khoảng 80.000 cô gái trẻ, hầu hết ở các vùng quê VN hiện đang làm dâu xứ Đài. Mỗi người mỗi cảnh, không ai giống ai. Vui là đời sống khá giả, thu nhập cao hơn so với... làm ruộng ở quê nhà. Tất nhiên, cũng có không ít cô dâu xuất thân là dân thị thành, có ít vốn liếng kiến thức, có thể làm chủ được đời sống vợ chồng, thậm chí "xỏ mũi" được ông chồng giàu có. Nga là một trong số ít cô dâu Việt có được diễm phúc đó.

Nhìn cách ăn mặc "rất Tây" của Nga, chúng tôi đoán chắc cô là dân thị thành. Quả không sai, cô dâu xinh đẹp ấy dân gốc Q.Tân Bình, TP.HCM, lấy chồng Đài Loan đã được 7 năm, hiện sống tại TP Trung Lịch, huyện Đào Viên. Chồng Nga sang VN đầu tư, hiện đang điều hành một nhà máy trong KCN ở Bình Dương. Hôm gặp chúng tôi tại Đào Viên, Nga chễm chệ ôm vô-lăng chiếc xe hơi 7 chỗ mới cáu. Cô còn khoe vừa sắm được căn hộ trị giá vài tỉ đồng VN.


Show quảng cáo cô dâu Việt trên một kênh truyền hình Đài Loan

Đào Viên là TP có cộng đồng cô dâu, lao động VN sinh sống đông nhất Đài Loan. Nga đưa chúng tôi xuôi ngược khắp TP, lướt qua rất nhiều quán cà phê, quán phở, quán ăn có karaoke nhạc Việt do các cô dâu VN làm chủ. Vừa chạy xe, Nga vừa cho biết, sau một thời gian làm trợ lý cho công ty của gia đình chồng, cô đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Hiện cô "ra riêng" và đang là chủ một công ty chuyên tìm việc làm cho người già ở TP Trung Lịch. Là người có học, từng tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM, nên khi theo chồng sang Đài Loan, Nga đã xác định hướng đi riêng cho mình là phải tự lực, dựa trên nền tảng học vấn. Cô làm rất nhiều việc, kể cả việc khuân vác như một công nhân khi đã là... bà chủ, nhưng vẫn dành thời gian trau dồi Hoa ngữ để nhanh chóng hòa nhập cộng đồng và theo học khóa quản trị doanh nghiệp tại một trường đại học ở Đài Bắc. Thời gian làm chủ doanh nghiệp không nhiều, nhưng Nga đã thiết lập quan hệ với hàng trăm doanh nghiệp. Năm 2005, công ty cô đã tìm việc làm cho gần 300 người lớn tuổi có nguy cơ thất nghiệp.

Chuyện những "nàng Kiều" Nam Bộ

Uyên quê miền Tây, trắng trẻo, xinh xắn; sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo. 18 tuổi, qua "cò" mai mối, cô lấy một ông chồng Đài. Sang xứ người được 9 năm nhưng Uyên chưa hề được nếm hương vị hạnh phúc gia đình là gì. Chồng cô khá lớn tuổi, là một tay có máu mặt trong giới giang hồ ở Đài Bắc. Ông ta thường xuyên bài bạc, chơi bời trác táng và cô đã trở thành nơi trút giận sau những cơn say hay thua bạc của chồng. Uyên âm thầm cam chịu, nhẫn nhục. Cho đến một ngày, khi đi chợ tình cờ cô gặp một anh lao động VN trẻ trung và ăn nói có duyên. Mối tình của họ nảy nở nhanh chóng. Uyên cảm thấy hạnh phúc vì yêu và được yêu. Cái cảm giác hạnh phúc ấy đã làm cho những trận đòn vô cớ, những nhục hình mà ông chồng vũ phu vẫn thường xuyên "tặng" cô trở nên vô nghĩa. Cũng từ đó, cô luôn nghĩ ra đủ mọi cách nói dối chồng, trốn đi chơi với người tình. Một buổi tối gặp chúng tôi tại một quán cà phê ở khu Singchuang - Đài Bắc, Uyên thổ lộ: "Giá như được làm lại từ đầu, mình đã không chọn con đường này. Nhưng giờ đã lỡ rồi, phóng lao thì đành phải theo lao".

Trong lần đến huyện miền núi Hoa Liên, có một câu chuyện khiến chúng tôi trăn trở mãi. Đây là một trong những huyện nghèo nhất Đài Loan, người dân chủ yếu sống bằng nghề làm nông. Chúng tôi đang dừng chân bên một triền núi rất đẹp để chụp ảnh, bỗng có chiếc xe dạng như xe "công nông" ở xứ ta kéo theo một thùng đầy lúa, ngô. Người cầm lái là một cô gái. Cô dừng xe nhìn chúng tôi rồi hỏi bằng tiếng Việt, giọng Nam Bộ: "Có phải các anh từ VN qua không?". Chúng tôi gật đầu. Cô gái vẫn ngồi trên xe, mừng rỡ đến ứa nước mắt: "Khổ quá các anh ơi! Em bị bán lên đây, không biết bao giờ mới về được quê quán". Trời xẩm tối, cô gái cố gắng nói rất nhanh thân phận bèo bọt, truân chuyên của mình. Rằng, qua môi giới, cô lấy ông chồng Đài ở Đào Viên. Sau khi đã tỏ “đường đi lối về”, bướm chán ong chê, ông ta bán cô cho ông chồng bây giờ. Ông này đã gần 60 tuổi, bị thọt chân, nhà nghèo. Đã thế, ổng lại nát rượu, đánh đập cô suốt. "Nhục nhất là những lúc ổng rủ bạn về nhà nhậu cho say, rồi gọi em ra cho bạn... "mua vui", để ổng xem. Em phản ứng, bị mấy ổng xúm lại đánh". Ngừng một lát, cô nói tiếp: "Có người mách, hay là lên Đài Bắc tìm chị Nhật Linh ở Trung tâm trợ giúp cô dâu người nước ngoài nhờ giúp đỡ. Em cũng định trốn đi mấy lần, nhưng ông chồng quản chặt quá, không đi được".

Khi cô dâu Việt... quậy

Quán cà phê Ngọc Diễm ở TP Trung Lịch, huyện Đào Viên là địa điểm "đến hẹn lại lên" của cô dâu và lao động VN. Buổi tối, quán đông nghẹt. Còn ban ngày, chồng đi làm, các cô dâu gửi con cho dịch vụ giữ trẻ theo giờ, tranh thủ vào quán đánh bài hoặc "tình tự" với người yêu (phần lớn là lao động VN, sống bất hợp pháp). Chủ quán cũng là cô dâu Việt và là một đàn chị có thừa máu ăn chơi, bài bạc. Chỉ riêng "dịch vụ" tổ chức sòng bài, cho vay "nóng", bà chủ quán cũng kiếm trên dưới trăm ngàn Đài tệ một tháng. Một cô dâu Việt tên Ngân, từng là khách quen của quán nói với chúng tôi: "Bà chủ quán vừa rồi thua bài đến 3 triệu Đài tệ, đã bỏ trốn rồi". Cũng ở TP Trung Lịch, khu vực quanh nhà ga, trước đây có một số khách sạn do các cô dâu Việt mở ra, thường là nơi để cho các cô dâu và lao động VN thuê làm chuyện... vụng trộm. Gần đây, do xảy ra một số vụ đánh ghen gây mất trật tự, nên nhà chức trách địa phương đã ra lệnh đóng cửa.

Ở Đào Viên, chúng tôi ghé qua một số tụ điểm ăn chơi quen thuộc của những cô dâu Việt trên đường Đại Lâm. Tại một vũ trường "bình dân" của người Thái, chúng tôi gặp khá nhiều cô dâu lẫn khách Việt. Họ "chơi" rất nhiệt tình và sành điệu. Các cô sẵn sàng sà vào lòng chúng tôi như những đôi tình nhân. Một cô gái tóc vàng, ăn mặc hở hang, có hình xăm trên hai bắp tay và trước bụng, nói: "Trước đây em lấy một thằng Đài. Nhưng được hơn 3 năm, có chứng minh thư của Đài Loan là em... bye bye nó. Tài sản chia được căn hộ, có chỗ chui vô chui ra. Tối tối đến đây vui chơi. Cuộc đời thế mà sướng!". Một nam lao động tên Nghĩa đang làm ở Đào Viên, khá quen với vũ trường này nói: "Mấy cô này, nếu gặp người hợp ý thì... "tình cho không biếu không". Còn với những người khác, nếu thích thì cũng "chiều", miễn là có tiền. Nhưng không rẻ đâu, tới 3.000 Đài tệ một lần cơ đấy!" (gần 1,5 triệu VND). Cô tóc vàng cao hứng khoe: "Bỏ chồng được hơn 2 năm, em đã có tiền gửi về mua được lô đất ở Cần Thơ. Ở bên này khi nào chán thì lại về bển, cất căn nhà mở quán, lại nhảy nhót, hát hò...".

Những ngày ở Đài Loan chúng tôi được biết, không ít cô dâu Việt đã xúi giục, lôi kéo các lao động VN bỏ ra ngoài làm chui. Đó cũng là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ lao động VN bỏ trốn. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Như Lý - Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế - Văn hóa VN tại Đài Bắc nhận định: "Không thể phủ nhận cũng có những cô dâu Việt ở Đài Loan sống có hạnh phúc, thậm chí thành đạt trong một số lĩnh vực. Nhưng về tổng thể, việc kết hôn chủ yếu là vì mục đích kinh tế. Chúng ta không cấm đoán, nhưng hoàn toàn không khuyến khích kiểu hôn nhân như thế này. Bởi cuối cùng, hậu quả vẫn đổ lên vai những người phụ nữ thân cô, thế cô nơi đất khách quê người".

K.V - N.T

* Theo yêu cầu của các nhân vật trong bài, nên tên của các nhân vật đã được chúng tôi thay đổi so với tên thật. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.