Thực phẩm chức năng không hoàn toàn vô hại!

17/09/2007 12:21 GMT+7

Gần 3.000 sản phẩm thực phẩm chức năng đã được cấp phép lưu hành, trong đó không ít sản phẩm đang được quảng cáo quá mức cho phép. Ông Cao Minh Quang (ảnh), Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết:

- Bộ Y tế phối hợp các cơ quan liên quan sẽ tiến hành rà soát kiểm tra, thanh tra toàn bộ tư cách pháp nhân của các đơn vị kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) về: giấy phép, phương thức kinh doanh, mặt hàng kinh doanh. TPCN được kinh doanh đa cấp nhưng thực tế hình thức kinh doanh này đang bị bóp méo để móc túi người tiêu dùng. Đặc biệt, quảng cáo thực phẩm chức năng đang bị bỏ lỏng, hầu như không quản lý được nội dung quảng cáo sau khi sản phẩm đó đã được cấp phép. Chúng ta phê phán những vi phạm của đơn vi kinh doanh nhưng cũng phải xem xét lại trách nhiệm của cơ quan quản lý. Vì vậy, chúng tôi cũng đã chỉ đạo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ về mặt hành chính: từ khâu tiếp nhận, thụ lý hồ sơ đến xét duyệt, cấp phép, thanh kiểm tra trước và sau cấp phép.

* Thưa ông, hầu hết người tiêu dùng kỳ vọng rất nhiều vào tác dụng và sự an toàn của TPCN...

Vi phạm chủ yếu với TPCN là sự thổi phồng công dụng và hướng dẫn sử dụng sai với  công bố đã được phê chuẩn. Việc hướng dẫn sử dụng sai liều dùng gấp vài lần so với ghi nhãn để có tác dụng như thuốc điều trị cấp tính có thể làm người bệnh phải trả giá đắt về tiền bạc, trong khi vẫn có những loại thuốc đặc hiệu có thể giúp họ rút ngắn thời gian điều trị. Việc không ghi nhãn giá trị dinh dưỡng có thể khiến người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm tăng cường vi chất có hàm lượng quá thấp so với mức tối thiểu cần hằng ngày nhưng vẫn ngộ nhận là đã được dùng sản phẩm bổ dưỡng. Hoặc ngược lại, hàm lượng chất bổ sung quá cao mà sử dụng thường xuyên và kéo dài có thể sinh ra bệnh mới  - Ông Nguyễn Văn Dũng  - Trưởng phòng Đăng ký, cấp phép Cục ATVSTP

- Đây là một thực tế cần được làm rõ. Theo tôi, TPCN còn nguy hiểm hơn cả dược phẩm, bởi vì, ngay cả người sản xuất nhiều khi còn không biết rõ nó là cái gì. Thực chất qua kiểm tra, không ít người đứng chủ sản xuất, kinh doanh sản phẩm không hề có chuyên môn. Trong khi TPCN là sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng. Với dược phẩm, độc tính cấp tính được theo dõi rất nghiêm ngặt nhưng với TPCN, độc tính với  người sử dụng không được theo dõi, báo cáo. Các sản phẩm này thường được quảng cáo có nguồn gốc thiên nhiên, thảo dược, không gây hại, nhưng đã là dược liệu đều có thể có tác dụng không mong muốn. Vì vậy, TPCN không hoàn toàn vô hại.

* Vậy, theo ông, đâu là yếu tố quyết định để thay đổi thực tế này?

   - Sẽ phải chấn chỉnh mạnh mẽ từ khâu cấp phép. Nếu sản phẩm đó được đăng ký với tác dụng hỗ trợ điều trị cần phải chứng minh trên cơ sở khoa học, thậm chí phải được thử nghiệm lâm sàng, chứ không chỉ căn cứ trên hồ sơ công bố. Tình trạng quảng cáo đưa ra hình ảnh bệnh nhân ung thư hay đái tháo đường khỏi bệnh nhờ TPCN là không thuyết phục. Vì chất lượng sản phẩm, tác dụng phải được khẳng định trong khoảng thời gian cần thiết, trên số lượng lớn người sử dụng. Nếu không làm nghiêm ngặt ngay từ đầu - trước khi sản phẩm đó được lưu hành, không loại trừ nguy cơ, người đã mắc bệnh hiểm nghèo lại bị ngộ độc do sản phẩm nhưng lại vẫn phải mất tiền oan, thậm chí với khoản tiền rất lớn. Chúng tôi cũng nhấn mạnh đến tiền kiểm, nghĩa là sẽ phải thẩm định dây chuyền sản xuất. Không ít trường hợp, nơi đăng ký sản xuất TPCN chỉ đứng trên danh nghĩa còn sản phẩm đó thực chất phải gửi gia công trên dây truyền sản xuất thuốc - như vậy là không được phép. Chúng ta ủng hộ sản phẩm hữu ích cho người sử dụng, nhưng với điều kiện phải được chứng minh rõ ràng.

Liên Châu (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.