TP.HCM quy định tình huống dịch bệnh phải báo cáo khẩn cấp

Duy Tính
Duy Tính
12/05/2024 14:08 GMT+7

5 tình huống dịch bệnh gặp tại cơ sở khám chữa bệnh và 3 tình huống gặp tại phòng xét nghiệm phải báo cáo khẩn.

Ngày 12.5, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã ban hành quy trình báo cáo các tình huống dịch bệnh khẩn cấp tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, có 5 tình huống dịch bệnh gặp tại cơ sở khám chữa bệnh và 3 tình huống gặp tại phòng xét nghiệm phải thực hiện báo cáo khẩn cấp.

Đối với cơ sở khám chữa bệnh

Cơ sở khám chữa bệnh phải báo cáo khẩn trong 5 tình huống sau:

Thứ nhất, gặp bất kỳ ca nghi ngờ bệnh truyền nhiễm nhóm A theo luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (2007).

Thứ hai, có trường hợp nhập viện do viêm phổi nặng nghi do vi rút.

Phòng xét nghiệm Viện Pasteur TP.HCM

Phòng xét nghiệm tại Viện Pasteur TP.HCM

DUY TÍNH

Thứ ba, có từ 1 trường hợp tử vong do bệnh lạ, bất thường, không giải thích được hoặc tăng nhanh bất thường số trường hợp bệnh có cùng triệu chứng trong vòng 24 giờ dựa trên nhận định chuyên môn của bác sĩ.

Thứ tư, trường hợp bệnh truyền nhiễm diễn tiến nặng có khả năng tử vong hoặc tử vong như bệnh não mô cầu, tay chân miệng, sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, bạch hầu, ho gà, đậu mùa khỉ...

Thứ năm, có từ 2 trường hợp bệnh truyền nhiễm nhập viện với cùng triệu chứng đến từ một địa điểm (hộ gia đình, nhóm dân cư, trường học, nhà máy...) hoặc nhân viên y tế bị ốm nặng cần phải nhập viện sau khi tiếp xúc với bệnh nhân có triệu chứng tương tự.

Đối với phòng xét nghiệm

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM cũng quy định các trường hợp dịch bệnh cần báo cáo khẩn từ phòng xét nghiệm.

Thứ nhất, các phòng xét nghiệm thấy tác nhân gây bệnh mới, chưa từng được phát hiện hoặc đã không phát hiện thấy trong một thời gian dài (dựa trên nhận định của nhân viên phòng xét nghiệm).

Thứ hai, bất cứ mẫu bệnh phẩm nào dương tính với tác nhân dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A theo luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (2007).

Thứ ba, phát hiện chủng vi rút cúm mới hoặc không phân tuýp được từ một bệnh nhân nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng hoặc bệnh nhân viêm phổi nặng nghi do vi rút.

Sở Y tế TP.HCM đề nghị các đơn vị khi gặp các tình huống dịch bệnh trên thì gọi điện thoại trực tiếp hoặc gửi tin nhắn điện thoại cho lãnh đạo phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM trong vòng 1 giờ. Sau đó báo cáo khẩn bằng văn bản trong vòng 24 giờ. Nội dung thông tin báo cáo gồm: dấu hiệu cảnh báo, thời gian xuất hiện và thời gian phát hiện, số mắc, chết hoặc khả năng lây lan.

Tùy vào tình hình dịch bệnh, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM sẽ có những chỉ đạo phù hợp nhằm giám sát, can thiệp tại cộng đồng để phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm hiệu quả, hạn chế dịch bệnh lan rộng và giảm thiểu các ca bệnh nặng có thể dẫn đến tử vong.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM vừa có báo cáo tình hình dịch bệnh tuần 18 (từ 29.4 đến ngày 5.5) tại TP.HCM.

Theo đó, tuần 18 TP.HCM ghi nhận 339 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 12% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 18 là 3.349 ca. Các địa phương có số ca mắc trên 100.000 dân cao là H.Nhà Bè, Q.6 và H.Bình Chánh.

Cũng trong tuần 18, TP.HCM ghi nhận 93 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 1/3 so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 18 là 2.964 ca. Các địa phương có số ca mắc trên 100.000 dân cao, gồm Q.1, Q.7 và TP.Thủ Đức.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.