‘Trà’ của Lê Hoàng: Kịch bản vụng, gây hoang mang khi bênh vực ‘tiểu tam’

07/02/2024 06:41 GMT+7

Nhân vật chính của ‘Trà’ là gái karaoke ôm, quyết tâm giả dạng người ở để quyến rũ doanh nhân thành đạt đã có gia đình.

Sau nhiều năm vắng bóng, đạo diễn Lê Hoàng bất ngờ gia nhập đường đua phim tết với Trà. Cạnh tranh với Mai, Gặp lại chị bầu Sáng đèn, Lê Hoàng cho biết phim của mình khai thác góc khuất của việc ngoại tình, đồng thời có nhiều cảnh nóng, khiến khán giả tò mò.

‘Trà’ của Lê Hoàng: Kịch bản vụng, gây hoang mang khi bênh vực ‘tiểu tam’- Ảnh 1.

Trà đi ngược số đông khi khai thác đề tài ngoại tình

BETA

Nội dung của Trà xoay quanh cuộc tình vụng trộm giữa giám đốc Hải (NSƯT Trương Minh Quốc Thái) và “sugar baby” kém mình chục tuổi Chích (Đoàn Trinh). Sau khi tận mắt chứng kiến một vụ đánh ghen, Hải quyết định cắt đứt quan hệ với Chích, toàn tâm toàn ý chăm sóc vợ (Việt Hương) và cô con gái Kiki. Tuy nhiên, do quá yêu người tình, Chích quyết định giả làm người giúp việc, xin vào làm trong biệt thự của Hải. Cũng từ đây, nhiều biến cố dở khóc dở cười xảy ra.

Khó xác định thể loại cho Trà

Ban đầu, dựa trên trailer và poster, khán giả dễ liên tưởng phim mới của đạo diễn Lê Hoàng thuộc thể loại thriller bởi tông màu xanh lá bí ẩn. Kịch bản ngoại tình nhận hậu quả cũng dễ khiến người xem liên tưởng Fatal Attraction (1987) có Glenn Close trong vai cô bồ điên loạn.

‘Trà’ của Lê Hoàng: Kịch bản vụng, gây hoang mang khi bênh vực ‘tiểu tam’- Ảnh 2.

Poster phim Trà

BETA

Chi tiết rùng rợn được thể hiện ở đầu phim, khi nhân vật của Trương Minh Quốc Thái chứng kiến vụ giết chồng vì ghen tuông của người bạn (Phi Thanh Vân). Tuy nhiên, Lê Hoàng nhanh chóng “phá” cảm xúc của khán giả, với lớp hóa trang hề hước như Joker của Phi Thanh Vân, cùng biểu cảm đưa ngón cái ủng hộ rất “hài tạp kỹ” của Việt Hương.

Cứ như thế, thể loại phim liên tục thay đổi: từ hồi hộp, rồi chuyển sang tấu hài, sau đó lại đến phê phán xã hội. Trong khi khán giả còn lúng túng trong “mê hồn trận”, Lê Hoàng liên tục tung ra những tình tiết, tuyến nhân vật xa lạ, mà rốt cuộc không phục vụ gì cho kịch bản phim.

Miếng hài được Lê Hoàng “rắc” không điểm dừng, sơ hở là các nhân vật lại “thả miếng”, dù đa số câu thoại đều vô duyên. Nếu các câu thoại trong phim không phải là định kiến lỗi thời của đàn ông dành cho phụ nữ, thì cũng là sự phù phiếm đến ngớ ngẩn nhằm khắc họa sự giàu có của người vợ do Việt Hương thể hiện - dù người xem dễ dàng nhận ra điều này qua ngôi biệt thự ven sông to như resort của nhân vật.

‘Trà’ của Lê Hoàng: Kịch bản vụng, gây hoang mang khi bênh vực ‘tiểu tam’- Ảnh 3.

Mảng miếng hài được thêm thắt tùy tiện, làm phim thiếu nghiêm túc

BETA

Chưa kể, trong phim xuất hiện hàng loạt tình tiết vô lý, như thể nhà làm phim muốn “trêu ngươi” khán giả. Ngôi biệt thự nhiều gia nhân, nhưng lúc biến cố xảy ra không thấy ai xuất hiện. Chích liên tục thay đổi tính cách, trang phục, trong cảnh cần nghiêm túc thì diễn hề, trong cảnh đang vui thì lại quá nghiêm túc. Bọn đàn ông cưỡng ép phụ nữ ngay giữa thanh thiên bạch nhật nhưng không ai can thiệp!?

Để lý giải điều này, có thể là do Trà của Lê Hoàng phải trải qua ba lần duyệt phim trước khi ra mắt. Theo chia sẻ của đạo diễn tại buổi showcase, tác phẩm bị cắt 70% cảnh nóng, đồng nghĩa với việc nội dung của phim cũng đã khác biệt nhiều so với ban đầu.

Có khán giả sau khi xem suất chiếu sớm đã so sánh Trà với Người tình của đạo diễn Lưu Huỳnh - cũng là phim nhiều cảnh nóng gặp khó khăn khi ra rạp. Tuy nhiên, nếu Người tình, dù có kịch bản lỗi thời, vẫn đảm bảo một mạch nhất quán, thì Trà như một ly trà sữa hỗn tạp, mang người xem từ bàng hoàng này đến hoang mang khác.

Khó hiểu khi ca ngợi nỗ lực của… 'tiểu tam' trong việc giật chồng

Ban đầu, phim tạo cảm giác vai của Trương Minh Quốc Thái là nhân vật chính. Khán giả chờ đợi gã này sẽ làm sao vừa giữ lửa gia đình, vừa đối mặt với sự phiền phức do ngoại tình gây ra. Nhưng từ khi Chích vào nhà thành công, mạch phim cũng bị nhân vật này nắm giữ.

Để khắc họa “tiểu tam” thực lòng yêu, kịch bản cho Chích những khoảnh khắc “cao thượng”. Như khi cô ba lần từ chối tiền bồi dưỡng để chia tay Hải, hay khi nhân vật đau đớn, nằm vạ vật trên sàn nhà khóc lóc vì bị “bố đường” đòi chấm dứt.

Cứ như thế, kịch bản liên tục thách thức những chuẩn mực xã hội, khi để cảnh “mây mưa” giữa Hải và Chích lãng mạn và lung linh, còn cảnh anh ân ái với vợ thì hời hợt, chịu đựng. Ở suất chiếu sớm của phim, nhiều khán giả đã bỏ về từ rất sớm, phần lớn là nữ.

‘Trà’ của Lê Hoàng: Kịch bản vụng, gây hoang mang khi bênh vực ‘tiểu tam’- Ảnh 4.

Tác phẩm thể hiện tư duy làm phim cũ kỹ

BETA

Nếu bỏ qua một bên yếu tố luân thường đạo lý, thì kịch bản kể trên cũng có thể hấp dẫn nếu làm đúng cách. Tuy nhiên, nếu khán giả mong chờ một âm mưu thâm hiểm, IQ cao của “kẻ thứ ba” thì cũng dễ chuyển từ thất vọng sang… tuyệt vọng.

Việc Chích thâm nhập nhà của Hải thực chất không có vai trò phát triển kịch bản. Chích suốt ngày lẻn vào phòng của bà chủ để thử quần áo, rồi nằm mơ tưởng viễn cảnh cô và Hải ở chung nhà. Các tình tiết xảy ra sau đó hoàn toàn là ngẫu nhiên, gần như sẽ xảy ra dù không có sự góp mặt của cô. Chưa kể, việc Chích làm thân với cô con gái Kiki, cũng không phục vụ mục đích gì.

Cứ như thế, những người phụ nữ trong phim của Lê Hoàng nếu không phải kẻ giật chồng nhưng thích nói đạo lý; thì là kiểu đàn bà già cỗi, chỉ biết ghen tuông, quát tháo, càng tạo lý do cho gã đàn ông trong gia đình ngoại tình. Với nhân vật cô con gái Kiki, nhà làm phim thể hiện một cái nhìn phiến diện: cứ hễ ăn chơi, đời sống tình dục “thoáng”, là sẽ dễ dàng rơi vào cạm bẫy của kẻ xấu.

‘Trà’ của Lê Hoàng: Kịch bản vụng, gây hoang mang khi bênh vực ‘tiểu tam’- Ảnh 5.

Lối diễn thậm xưng, làm quá là liều “thuốc độc” cuối cùng giết chết phim

BETA

Ngược lại, “kẻ đầu têu” dẫn đến những đau khổ trong ngoại tình thường là đàn ông, thì trong phim lại được khắc họa như bậc trượng phu lỡ một lần sa ngã, là “Kim Trọng cứu Thúy Kiều ra khỏi lầu Ngưng Bích”. Ngoại hình và diễn xuất của Trương Minh Quốc Thái là điểm sáng của phim, nhưng có thể nói đây là một vai quá dưới tầm với anh.

Ngược với Trương Minh Quốc Thái, Việt Hương và Đoàn Trinh đều có lối diễn thậm xưng. Việt Hương bê nguyên xi cung cách nói chuyện hào sảng của mình ngoài đời, kết hợp với kiểu diễn melodrama, khiến người xem ghét nhân vật hơn là thương - dù bà chỉ là nạn nhân.

Đoàn Trinh có vai điện ảnh đầu tiên trong sự nghiệp. Dễ nhận ra nữ diễn viên còn yếu về đài từ, cũng như cách thể hiện các biểu cảm buồn - vui - giận chưa thuyết phục. Đáng trách ở đây là khâu chỉ đạo diễn xuất, khi để cô có lối diễn lố lăng, “tăng động” quá mức, làm cho cô cũng… đáng ghét nốt dù đang vào vai chính.

Nhìn chung, Trà là mắt xích yếu nhất trong đường đua phim tết. Ngoài đề tài không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, thì kịch bản của phim cũng có nhiều vấn đề. Yếu tố cảnh nóng cũng là rào cản trong việc cạnh tranh suất chiếu với các đối thủ còn lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.