Trạm dừng nghỉ tạm 'chạy nước rút' trước lễ

23/04/2024 04:15 GMT+7

Nắng nóng bất thường trên diện rộng phủ khắp 3 miền kéo theo tình trạng xe nổ lốp liên tục, đặc biệt trên các tuyến đường cao tốc, khiến nhu cầu về các trạm dừng nghỉ trở nên cấp bách.

Nhu cầu càng trở nên cấp bách khi thời điểm lễ 30.4 - 1.5 đang đến gần, với dự kiến lưu lượng xe trên các tuyến cao tốc sẽ tăng rất cao.

Chiều 22.4, chủ đầu tư cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã cho thi công xong mặt bằng, lắp nhà vệ sinh, điện, nước  trạm dừng nghỉ, để kịp thời đưa vào khai thác dịp lễ 30.4 - 1.5

Chiều 22.4, chủ đầu tư cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã cho thi công xong mặt bằng, lắp nhà vệ sinh, điện, nước trạm dừng nghỉ, để kịp thời đưa vào khai thác dịp lễ 30.4 - 1.5

Nổ lốp, một phần do xe đi quá lâu không được nghỉ

Những ngày đầu tháng 4, đã có 12 sự cố nổ lốp xe liên tục xảy ra chỉ trong 4 ngày trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến cánh tài xế "ớn lạnh". Các vụ việc vỡ lốp không chỉ với xe con mà còn xảy ra ở cả xe khách, xe container, xe đầu kéo. Cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân do thời tiết tại khu vực tỉnh Quảng Trị nắng nóng gay gắt khiến nhiệt độ mặt đường tăng, có thời điểm ghi nhận lên tới 63 độ C. Cùng với đó, quãng đường từ Km 0 - Km 102 trên tuyến cao tốc không có điểm dừng nghỉ, xe phải lưu thông liên tục nên lốp xe không chịu được độ nóng của mặt đường, áp suất lốp cũng tăng cao dẫn tới sự cố vỡ lốp.

Theo đại diện Ban quản lý (BQL) dự án đường Hồ Chí Minh, qua đánh giá từ các phương tiện bị nổ lốp trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn thời gian qua cho thấy, đa số xe gặp sự cố là do lốp đã cũ mòn hoặc không đạt tiêu chuẩn. Tình trạng này thường xảy ra trên các tuyến cao tốc ở phía nam vào mùa khô nóng, nhất là khi một số tuyến cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ. Khi các trạm dừng nghỉ tạm được đưa vào phục vụ, phương tiện có điều kiện nghỉ ngơi, sẽ giảm nguy cơ nổ lốp.

Không chỉ cao tốc Cam Lộ - La Sơn, theo thống kê của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), 3 tháng đầu năm nay, trên 4 tuyến cao tốc xảy ra 265 vụ xe thủng săm, nổ lốp. Trong đó, cao tốc Nội Bài - Lào Cai ghi nhận 81 vụ, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình xảy ra 43 vụ, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có 17 vụ và cao nhất là cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với 124 vụ.

"Các sự cố giao thông trên tuyến ngay lập tức đều được đơn vị vận hành và lực lượng chức năng khẩn trương giải phóng hiện trường, phối hợp điều tiết giao thông hiệu quả…", đại diện VEC cho hay.

Chuyên gia cầu đường Vũ Đức Thắng phân tích: Do hoạt động giao thông trên đường cao tốc hoàn toàn cách ly với bên ngoài, dọc đường cao tốc phải bố trí các trạm bán nhiên liệu, xưởng bảo dưỡng sửa chữa xe cộ, trạm dịch vụ thông tin bưu điện, cửa hàng tạp hóa, nhà ăn, nhà vệ sinh, các khu nghỉ ngơi để phục vụ lái xe, xe và người đi xe.

"Các nghiên cứu thống kê chỉ ra rằng xe chạy càng nhanh thì tinh thần người lái xe càng căng thẳng. Do vậy, nếu chạy xe trên đường cao tốc liên tục 2 giờ thì cả người và xe nên được nghỉ ngơi 15 phút", ông Thắng nói.

Trạm dừng nghỉ tạm 'chạy nước rút' trước lễ- Ảnh 2.

BQL đường Hồ Chí Minh cho biết đang nỗ lực để đưa 2 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi vào hoạt động trước lễ 30.4 - 1.5. Ảnh chụp ngày 22.4.2024

LÊ HOÀI NHÂN

Sẽ hoàn thành các trạm nghỉ tạm trước 27.4

Dịp lễ 30.4 - 1.5 năm nay, giá vé máy bay tăng quá cao tạo điều kiện cho các tour du lịch đường bộ lên ngôi. Nhiều gia đình chuyển hướng tự lái xe đi chơi các điểm đến gần. Do đó, dự báo các tuyến cao tốc có lưu lượng phương tiện lưu thông tăng cao đột biến, nhất là tuyến Hà Nội - Thanh Hóa - Nghệ An; Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; Hà Nội - Lào Cai - Sa Pa; TP.HCM - Dầu Giây - Phan Thiết; TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận; Đà Nẵng - Huế - Quảng Trị...

Trước nhu cầu cấp bách, ngay sau Công điện số 36 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo các BQL dự án trực thuộc gấp rút xây dựng các trạm dừng nghỉ, nhà vệ sinh tạm trước để phục vụ người dân lưu thông trên cao tốc trước cao điểm lễ 30.4 - 1.5.

Cụ thể, cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang gấp rút bố trí công trình dừng nghỉ tạm bên trái tuyến (hướng nam ra bắc) tại Km 64+100 đến Km 64+400 và 1 trạm tạm bên ngược lại tại Km 77+550 đến Km 77+900. Trên tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, trạm dừng nghỉ tạm được bố trí tại Km 51 hai bên tuyến. Cao tốc Mai Sơn - QL45 đã có trạm dừng nghỉ tạm tại Km 329+700 (xã Đông Hòa, H.Đông Sơn, Thanh Hóa). Trong đó, trạm bên phải tuyến có tổng diện tích gần 40.000 m², trạm bên trái tuyến có tổng diện tích trên 32.400 m² với hệ thống nhà vệ sinh khép kín.

Còn trên cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, trạm dừng nghỉ tạm xây dựng tại Xuân Khiêm (Km 329+700). Với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, công trình tạm dự kiến bố trí tại vị trí Km 47+000 (giáp ranh hai tỉnh Bình ThuậnĐồng Nai). Đây là vị trí đã giải phóng mặt bằng, mỗi bên khoảng 2 ha. Tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (hướng nam ra bắc), phía bên trái bố trí trạm nghỉ tạm trên khu đất đã giải phóng xong mặt bằng tại Km 199. Bên phải tuyến do không có mặt bằng nên sẽ bố trí các biển chỉ dẫn để hướng dẫn người dân ra trạm dừng nghỉ hiện hữu của địa phương trên QL28 (H.Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận).

Tập hợp tiến độ triển khai từ các BQL, ông Nguyễn Quang Giang, Cục phó Cục Đường cao tốc (Bộ GTVT), cho biết các BQL dự án đều báo cáo sẽ hoàn thành trước 27.4 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GTVT, kịp phục vụ nhu cầu tăng cao của người dân vào dịp lễ 30.4 - 1.5.

Quản lý, khai thác đường cao tốc cần an toàn, đồng bộ

Chưa kịp mừng có trạm dừng nghỉ tạm, nhiều gia đình khu vực phía nam lại hoang mang trước thông tin cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị cắt điện tại 2 nút giao ở khu vực Đồng Nai, dẫn đến nguy cơ tai nạn, đặc biệt ở các nút giao có mật độ ô tô qua lại lớn như ĐT765, QL1A. Lý do Điện lực H.Xuân Lộc (Đồng Nai) cắt điện trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là sau khi đưa vào khai thác, ngành điện đã hợp đồng với Công ty CP dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc VN (VEC E) với mục đích cấp điện cho tuyến. 

Tuy nhiên, VEC E không thanh toán tiền theo hợp đồng nên Điện lực Xuân Lộc và Cẩm Mỹ thông báo ngừng cung cấp điện. Hiện VEC E nợ Điện lực Xuân Lộc 19 triệu đồng và Điện lực Cẩm Mỹ 27,7 triệu đồng. Đáng nói, trong khi Điện lực Cẩm Mỹ chỉ mới "dọa" bằng văn bản thông báo thì lúc 18 giờ ngày 12.4, Điện lực Xuân Lộc đã cắt luôn điện ở 2 nút giao. Sau 5 phút, nhận thấy việc này là "thiếu sót", đơn vị mới cấp điện trở lại.

Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động xây dựng trạm dừng nghỉ tạm tại Km 113 phục vụ miễn phí trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động xây dựng trạm dừng nghỉ tạm tại Km 113 phục vụ miễn phí trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

THÀNH NGUYỄN

Trước đó, tại buổi làm việc với BQL dự án Thăng Long (chủ đầu tư cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây) cuối tuần qua, VEC E cho biết đơn vị này đã thực hiện công tác quản lý, vận hành và bảo trì cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đảm bảo an toàn theo đúng nội dung hợp đồng nguyên tắc đã ký từ ngày 29.4.2023. Sau gần 1 năm khai thác, chi phí vận hành, bảo trì... cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hơn 10 tỉ đồng.

Tuy nhiên, nguồn kinh phí chi trả đến nay vẫn chưa xác định nên VEC E gặp khó khăn trong đảm bảo tiền lương, chính sách bảo hiểm người lao động làm việc trên tuyến. Vướng mắc này chậm được tháo gỡ khiến công ty không đủ kinh phí duy trì. VEC E đề nghị chủ đầu tư chi trả phần kinh phí đã thực hiện vì không còn nguồn lực tài chính để duy trì. Trường hợp đến ngày 28.4 mà BQL dự án Thăng Long, Bộ GTVT chưa xác định được nguồn kinh phí chi trả cho VEC E thì VEC E sẽ xem xét tạm dừng công tác quản lý, vận hành và bảo trì cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Thi công trạm dừng nghỉ tạm trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm

Thi công trạm dừng nghỉ tạm trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm

THẾ QUANG

Đáng nói, trong khi BQL dự án Thăng Long cho biết đã có văn bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền về nguồn kinh phí chi trả cho đơn vị này nhưng đến nay chưa có ý kiến trả lời nên chủ đầu tư chưa có cơ sở chi trả cho VEC E, thì đại diện Bộ GTVT lại thông tin: "Ngày 15.4, Bộ GTVT đã có văn bản gửi BQL dự án Thăng Long chỉ đạo đơn vị này với trách nhiệm chủ đầu tư, phải thực hiện đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Bộ GTVT về trách nhiệm quản lý, đảm bảo vận hành, khai thác an toàn dự án trong thời gian khai thác tạm. Đồng thời, Ban phải chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu, đơn vị khẩn trương hoàn thiện các thủ tục liên quan, chủ động làm việc với Cục Đường bộ để bàn giao công trình cho đơn vị quản lý, vận hành khai thác theo đúng quy định. BQL dự án Thăng Long chịu hoàn toàn trách nhiệm liên quan trong việc chậm bàn giao công trình cho đơn vị quản lý, vận hành khai thác".

PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN (VARSI), nhận định câu chuyện bất ổn "thật như đùa" của cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là hệ quả của khoảng trống khung pháp lý hoàn chỉnh và bộ tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên về quản lý, khai thác đường cao tốc mà đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục. PGS Chủng phân tích: Tương tự các quốc gia khác, hệ thống đường ô tô cao tốc ở VN được phân loại là công trình giao thông cấp đặc biệt. Vì vậy, công tác quản lý, khai thác cũng có sự khác biệt so với quản lý, khai thác các tuyến đường ô tô thông thường. Đây là hoạt động với khối lượng công việc rất đồ sộ và phức tạp. Đơn cử, ngay trong công tác quản lý việc thu phí cũng có rất nhiều nội dung như quản lý trang thiết bị thu phí thế nào, định mức ra sao, nhân viên dịch vụ thu phí, công tác lưu trữ các dữ liệu kiểm tra công tác chất lượng thu phí…

Trạm dừng nghỉ tạm được xây dựng từ đầu năm 2024 trên cao tốc Mai Sơn - QL45

Trạm dừng nghỉ tạm được xây dựng từ đầu năm 2024 trên cao tốc Mai Sơn - QL45

MINH HẢI

Bên cạnh đó, công tác quản lý giao thông là nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: soạn thảo các quy tắc tổ chức giao thông trên tuyến, tổ chức đảm bảo trật tự giao thông. Hiện chúng ta chưa có sự điều tiết toàn tuyến nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc trên đường cao tốc. Ngoài ra còn cần xử lý nhanh và kịp thời các hư hỏng, chướng ngại vật trên đường nhằm đảm bảo an toàn và tiện lợi. Công tác này đòi hỏi một hệ thống giám sát hoàn chỉnh, các hệ thống thu dọn chướng ngại vật trên đường, thường xuyên kiểm tra các thiết bị giao thông đảm bảo luôn trong tình trạng làm việc tốt, có hệ thống phòng ngừa vi phạm luật Giao thông đường bộ, có trạm cứu nạn, cứu hộ túc trực 24/7…

Thứ nữa là công tác bảo trì rất quan trọng. Nhiều công trình ở VN xuống cấp nhanh chóng một phần cũng do công tác bảo trì kém. Đơn vị khai thác cao tốc phải thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, đánh giá về điều kiện an toàn, chất lượng mặt đường, kiểm soát xe quá khổ, quá tải, có giải pháp duy tu sửa chữa. Công việc khối lượng lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp nên cần tính chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa rất sâu, cần những trang thiết bị công nghệ cao, chuyên nghiệp. Cuối cùng là công tác quản lý tài sản trên đường cao tốc, bảo vệ phạm vi đất đai dành cho đường...

Quản lý khai thác tốt cao tốc mới mang lại hiệu quả đầu tư

Theo quy hoạch, đến năm 2030 - 2035, VN sẽ có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc với tổng mức đầu tư gần 40 tỉ USD. Đây là khối bất động sản rất lớn cần phải được quản lý và khai thác tốt mới mang lại hiệu quả đầu tư, nếu không sẽ gây tổn thất vô cùng lớn cho nền kinh tế và cho chính các nhà đầu tư.

PGS-TS Trần Chủng (Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN)

Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai cho biết, theo quy định tại khoản 6 điều 23 luật Điện lực, khi khách hàng không đóng tiền điện đúng theo quy định, điện lực sẽ thực hiện ngừng, giảm cung cấp điện. Tuy nhiên, do việc vận hành hệ thống đèn chiếu sáng phục vụ giao thông là một hoạt động vô cùng quan trọng nên việc cắt điện có thể sẽ ảnh hưởng lớn và có thể gây ra những vấn đề đáng tiếc trong quá trình lưu thông của người dân trên tuyến đường này. Trên cơ sở đó, Công ty Điện lực Đồng Nai không có chủ trương thực hiện ngừng cung cấp điện đối với khách hàng sử dụng điện cho chiếu sáng giao thông. Đơn vị sẽ có buổi làm việc với Điện lực Xuân Lộc để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.