Trung tâm báo chí TP.HCM kỷ niệm 5 năm thành lập

17/05/2024 12:20 GMT+7

Sáng 17.5, Sở TT-TT TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thành lập Trung tâm báo chí TP.HCM. Trung tâm báo chí TP.HCM là trung tâm báo chí cấp tỉnh đầu tiên cả nước, chính thức hoạt động từ ngày 5.5.2019.

Bà Nguyễn Đình Như Hương, Giám đốc Trung tâm báo chí TP.HCM, cho biết đến nay có hơn 630 phóng viên của 188 cơ quan báo chí đăng ký tác nghiệp thường xuyên. Tính đến tháng 5.2024, hơn 12.000 lượt phóng viên đến tác nghiệp tại trung tâm báo chí, trung bình 2.400 lượt/năm.

Trung tâm cũng hình thành cơ sở dữ liệu tác nghiệp của phóng viên, kho dữ liệu thông tin từ các sở, ngành và từ chính các cơ quan báo chí; tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận, khai thác thông tin.

Ngoài ra, Trung tâm báo chí TP.HCM cũng thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn kỹ truyền thông, kỹ năng người phát ngôn cho các quận, huyện, TP.Thủ Đức. Hoạt động họp báo, cung cấp thông tin định kỳ do trung tâm làm đầu mối từng bước thay đổi phương thức truyền thông của lãnh đạo TP.HCM, sở ngành, địa phương.

Trung tâm báo chí TP.HCM kỷ niệm 5 năm thành lập- Ảnh 1.

Một buổi họp báo của UBND TP.HCM tổ chức tại Trung tâm báo chí TP.HCM

SỸ ĐÔNG

Bà Hương cho hay, Trung tâm báo chí TP.HCM sẽ hướng đến một trung tâm báo chí và truyền thông đa phương tiện, hiện đại, chuyên nghiệp, đủ khả năng phục vụ các sự kiện họp báo, truyền thông quan trọng trong nước và quốc tế; triển khai các hoạt động truyền thông chính sách và xây dựng, quảng bá hình ảnh của TP.HCM. Do vậy, đơn vị này kiến nghị được bổ sung chức năng truyền thông để thực hiện các nhiệm vụ truyền thông chiến lược của TP.HCM trong thời gian tới.

Ngôi nhà thứ 2 của phóng viên

Ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, đánh giá Trung tâm báo chí TP.HCM đã xây dựng được môi trường báo chí thân thiện, hiện đại với hơn 700 phóng viên đăng ký, nhiều phóng viên coi đây như ngôi nhà thứ 2. Trung tâm cũng phát huy vai trò đầu mối cung cấp thông tin, góp phần truyền thông chủ động các chủ trương, chính sách của TP.HCM đến người dân.

Ông Phong thống nhất đề xuất đổi tên thành trung tâm báo chí truyền thông để giúp trung tâm thuận lợi hơn trong việc truyền thông chủ động. Ngoài việc cung cấp thông tin thường xuyên, định kỳ, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM đề nghị khi có sự việc nóng, phức tạp, nhạy cảm, nhiều người quan tâm thì Trung tâm báo chí TP.HCM kết nối cơ quan chức năng cung cấp thông tin sớm, đầy đủ và thỏa đáng nhất.

Trung tâm báo chí TP.HCM kỷ niệm 5 năm thành lập- Ảnh 2.

Trung tâm báo chí TP.HCM kỷ niệm 5 năm thành lập

SỸ ĐÔNG

Chia sẻ tại hội nghị, nhà báo Đình Phú, Báo Thanh Niên, bày tỏ lòng cảm ơn Trung tâm báo chí TP.HCM đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho anh em phóng viên, trong đó có phóng viên Báo Thanh Niên trong vấn đề tiếp cận, chuyển tải thông tin về mọi mặt liên quan đến hoạt động kinh tế - xã hội, xây dựng và phát triển thành phố suốt thời gian qua.

Nhà báo Đình Phú cho rằng, trung tâm báo chí đã có cách tiếp cận rất chủ động, kịp thời, minh bạch trong hoạt động báo chí, thông tin tuyên truyền. Đây thật sự là một biểu hiện văn minh của thành phố văn minh, thật sự là dấu ấn của cách hành xử văn minh, tư duy đột phá, tiên phong mô hình mới hiệu quả và thiết thực.

"Tôi nghĩ rằng, lịch sử báo chí TP.HCM và Việt Nam một lúc nào đó sẽ có những trang viết về sự ra đời và phát triển của trung tâm báo chí. Mô hình tiên phong này cũng là đề tài nghiên cứu thú vị trong lĩnh vực báo chí", nhà báo Đình Phú chia sẻ.

Nhà báo Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, cho rằng trong truyền thông chính sách, không chỉ tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Trung ương và TP.HCM đến người dân mà còn làm cho chủ trương chính sách đó được thực thi và đi vào thực tế.

Muốn vậy, các chủ trương đó phải được góp ý từ lúc còn dự thảo. Do đó, nhà báo Mai Ngọc Phước gợi mở trung tâm báo chí phối hợp cơ quan báo chí tổ chức các tọa đàm để đề xuất, góp ý, phản biện chính sách.

Tiếp tục truyền thông chủ động, hiệu quả

Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho hay trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các buổi họp báo tại Trung tâm báo chí TP.HCM giúp các thông tin giao ban hằng ngày được cung cấp kịp thời, giúp người dân vững tin vào công tác phòng chống dịch.

Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho rằng ngành công an tham gia các buổi họp báo định kỳ, nhất là các vụ việc nóng, các vấn đề nổi lên và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn nói chung. Công an chủ động phối hợp Trung tâm báo chí TP.HCM cung cấp thông tin kịp thời, đúng định hướng cũng như kịp thời phản hồi những thông tin chưa chính xác.

Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM Lâm Đình Thắng

Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM Lâm Đình Thắng

SỸ ĐÔNG

Trao đổi thêm hoạt động nổi bật của Trung tâm báo chí TP.HCM, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết, trước 10 giờ sáng hằng ngày, trung tâm hoàn thành báo cáo điểm báo trên cả nước và TP.HCM, trong đó chia thành 2 nhóm: thông tin tích cực và thông cần lưu ý. Đối với nhóm thông tin cần lưu ý, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu sở, ngành xử lý ngay trong ngày.

Về mục tiêu trong 5 năm tới, ông Thắng nhìn nhận sẽ có nhiều áp lực, nhất là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông, nhất là truyền thông xã hội và những yêu cầu của truyền thông chính sách ngày càng cao hơn. Cụ thể, truyền thông chính sách sẽ tạo tác động lớn nhưng đòi hỏi thông tin phải nhanh, đây là yêu cầu cực kỳ khó. Truyền thông chính sách yêu cầu có số liệu, nguyên nhân, giải pháp chứ không thể nói theo kiểu phong trào.

Nêu một số nhiệm vụ trọng tâm, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM cho hay, sẽ tập trung phát huy vai trò cầu nối thông tin chủ động, kịp thời và hiệu quả. Đồng thời, nâng cao năng lực truyền thông của các cơ quan nhà nước trên địa bàn TP.HCM. Ngoài ra, Trung tâm báo chí TP.HCM cũng tiếp tục ứng dụng chuyển đổi số và nâng cao năng lực đội ngũ, đủ sức tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc gia và quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.