Trường phổ thông chỉ dạy 4 môn!: Chỉ học môn chính là hết sức bậy!

30/11/2015 05:14 GMT+7

Ý kiến của lãnh đạo các trường phổ thông, giáo viên và học sinh đều khẳng định việc Trường THPT tư thục Hai Bà Trưng và Trường THCS-THPT Hoàng Diệu (Q.Tân Bình, TP.HCM) chỉ dạy 4 môn thi ĐH là hết sức bậy, làm liều và hiểu sai về mục đích của giáo dục.

Ý kiến của lãnh đạo các trường phổ thông, giáo viên và học sinh đều khẳng định việc Trường THPT tư thục Hai Bà Trưng và Trường THCS-THPT Hoàng Diệu (Q.Tân Bình, TP.HCM) chỉ dạy 4 môn thi ĐH là hết sức bậy, làm liều và hiểu sai về mục đích của giáo dục.

Sai về mục tiêu giáo dục
Sau khi đọc bài phản ánh trên Báo Thanh Niên ngày 27.11 với tiêu đề Trường phổ thông chỉ dạy 4 môn!, ông N.B.H (phó hiệu trưởng một trường THPT tại Q.5) cho biết: “Theo quy định chung là phải dạy đúng dạy đủ các môn. Những trường tư thục này chỉ cho học sinh (HS) học 4 môn chính và bỏ các môn còn lại là hết sức bậy, làm liều. Và hiểu sai về mục tiêu của giáo dục”.
Ông H. giải thích, họ nghĩ rằng giáo dục chỉ để phục vụ việc thi cử nhưng thực tế thì học không chỉ để thi. Khi đưa các môn học vào chương trình giảng dạy thì mỗi môn sẽ có cái hay và bổ ích riêng. “Sử dụng cách dạy này sẽ làm cho HS học lệch, nghĩ sai về mục tiêu giáo dục”, ông H. nhấn mạnh.
Hiệu trưởng một trường THPT tại Q.Tân Bình cho biết theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong học bạ, mỗi môn học phải có điểm kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, một tiết và bài kiểm tra học kỳ. Bộ cũng quy định chỉ cần HS thiếu điểm một môn học tức là không thực hiện đúng chương trình thì sẽ không đủ điều kiện tham dự kỳ thi THPT sắp tới. Bên cạnh đó, nếu HS chỉ học 4 - 5 môn thì nhà trường sao có đủ cơ sở đánh giá, xếp loại HS. “Như vậy, việc không dạy kiến thức đủ 13 môn cho HS, không tổ chức đầy đủ các bài kiểm tra mà “học bạ vẫn có đầy đủ điểm, gia đình không phải lo” như lời của vị Chủ tịch HĐQT Trường THPT tư thục Hai Bà Trưng nói với phụ huynh là sự dối trá, sai phạm nghiêm trọng”, vị hiệu trưởng trên nhấn mạnh.
Hai trường tự tiện bỏ môn học trong chương trình học lớp 12 - Ảnh: Diệp Đức Minh
Thiếu khoa học, phản giáo dục
Nhìn vào thời khóa biểu của Trường THPT tư thục Hai Bà Trưng (Q.Tân Bình), hiệu trưởng một trường dân lập Q.Tân Phú nhận xét: “Sắp xếp thời khóa biểu cũng thể hiện sự thiếu khoa học, đối phó. Một người có chuyên môn về giáo dục không bao giờ xếp lịch một buổi học từ 7 giờ đến 11 giờ 30 chỉ có một môn. Đó là chưa kể đến việc HS lớp 12 luôn học trong tâm trạng căng thẳng, dồn sức cho kỳ thi”. Vị hiệu trưởng này còn cho rằng với một thời khóa biểu không hợp lý chưa chắc tạo được hiệu quả như phụ huynh mong muốn. Một ngày học cần đa dạng môn, đan xen giữa tự nhiên và xã hội để cân bằng. Ngoài ra, cả thầy và trò phải thoải mái tâm lý thì mới dạy tốt, học tốt.
Còn ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt Úc (SIC), lên án: “Đây là việc làm phản giáo dục, một sự dối trá nghiêm trọng. Trong môi trường giáo dục mà những người đứng đầu nhà trường gian dối thì sao dạy được học trò. Tư cách nhà giáo ở đâu?”.
Trước thực tế này, một hiệu trưởng tại Q.Tân Bình đề nghị “Sở phải tiến hành kiểm tra, xử lý sai phạm kịp thời để không ảnh hưởng đến quá trình học tập cũng như điều kiện dự thi của HS những trường này”.
Hậu quả nghiêm trọng cho người học
Hiệu trưởng một trường THPT ở Q.10, TP.HCM phân tích: “Thật ra chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ cũng hướng tới việc chỉ giữ lại những môn chính và để những môn khác là môn tự chọn. Tuy nhiên đó là kế hoạch lâu dài. Nếu thay đổi thì xã hội phải cùng chuyển mình chứ một hai trường tự bỏ môn như vậy là lệch lạc và người chịu ảnh hưởng lớn nhất sẽ là HS chứ không ai khác”.
Đồng tình với quan điểm này, chị T.T.Tâm, phụ huynh có con đang học tại Trường THCS-THPT Hoàng Diệu, tâm tư: “Con tôi theo học tại trường tới nay đã hơn 2 năm. Những môn xã hội gần như bỏ hẳn. Bây giờ cháu mất căn bản gần như hoàn toàn đối với những môn xã hội. Nghe báo chí phản ánh về trường tôi mới biết thực chất việc dạy và học trong trường rất khác với trường bình thường. Tôi rất lo lắng”. Phụ huynh này hoang mang và hỏi: “Bây giờ nếu chuyển con đi trường khác thì không biết các trường có bắt con tôi phải học lại lớp 10, 11 hay không vì các môn xã hội của cháu trong 2 năm học vừa qua gần như bằng 0 và điểm trong học bạ lại là điểm cho khống?”.
Còn quản lý ở một trường tư thục cho rằng: “HS đang theo học tại các trường này hầu hết đều học yếu, kém hoặc quậy phá. Khi tìm tới những trường tư thục này học chủ yếu là để đảm bảo được việc tốt nghiệp hoặc để có một học bạ đẹp để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Bỏ môn học là các trường này sai nhưng cũng bắt nguồn từ nhu cầu của phụ huynh, thêm vào đó cũng có thể là vì để tiết kiệm chi phí cho việc tuyển giáo viên các môn xã hội… Tuy nhiên việc này vô tình đẩy HS vào thế khác biệt với HS các trường khác, khiến HS mất căn bản và khó có thể hòa nhập khi chuyển sang trường mới”.
T.V.A, hiện đang là HS Trường THCS-THPT Hoàng Diệu (Q.Tân Bình), cho hay: “Ở trường, lớp 11 học chung với lớp 12 không phân theo chương trình từng năm mà học theo chương trình thi đại học. Thi khối gì học khối ấy. Em học như vậy cũng đã được một thời gian dài. Bây giờ ba mẹ em nói là xin chuyển trường, em rất lo không theo kịp”.
Về vấn đề này, phó hiệu trưởng một trường THPT ở Q.5 cho biết: “Đối với những HS đang học tại các trường này, dù điểm các môn xã hội ghi trong học bạ là cho khống nhưng có điểm đầy đủ, hợp lệ thì vẫn có thể được các trường khác tiếp nhận. Tuy nhiên, bản thân các em và thầy cô tiếp nhận sẽ rất khổ vì phải lấy lại kiến thức bị bỏ trong suốt những năm học trước. Đặc biệt là nếu như không thể theo kịp, những HS này sẽ rất dễ bị bỏ lại, dẫn tới chậm trễ việc học so với các HS cùng lứa”.
Ý kiến:
Hiện tượng tiêu cực khá phổ biến
Việc nhiều trường THPT tư thục chỉ cho HS học những môn chính để thi, còn các môn phụ chỉ học qua loa và thậm chí cho khống kết quả là một hiện tượng tiêu cực khá phổ biến trong nhiều tiêu cực khác của hệ thống trường dân lập hiện nay. Việc làm này sai hoàn toàn về khoa học sư phạm cũng như về quy chế ngành giáo dục.
Trách nhiệm của người làm công tác giáo dục là phải có định hướng cho người học chứ không phải vì mục đích thi cử, thương hiệu, lợi nhuận. Sự trưởng thành của một HS sau khi ra trường không phải là nhớ những gì họ đã học, mà là sự tổng hợp kiến thức trong quá trình học, tạo ra tư duy tổng hợp, kỹ năng ứng xử, sự trưởng thành...
Ngọc Tuấn (Giáo viên một trường THPT tại TP.HCM)
Mỗi môn có cái hay riêng
Theo em, việc trường bỏ các môn xã hội chỉ tập trung vào học các môn toán - văn - Anh là không nên vì môn nào cũng có cái hay riêng. Nếu môn toán cho mình rèn luyện về tư duy, tính toán, môn văn cho rèn luyện ngôn từ thì môn sử để ta hiểu về cội nguồn, địa lý cho biết kiến thức về các vùng đất khác nhau.
Hoàng Thị Hoa (HS Trường THPT Lê Xoay, Vĩnh Phúc)
Lam Ngọc (ghi)
Bộ GD-ĐT yêu cầu xử lý nghiêm
* Sở GD-ĐT TP.HCM lập ngay đoàn thanh tra để kiểm tra sự việc
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết Bộ đã yêu cầu Sở GD-ĐT TP.HCM kiểm tra và báo cáo Bộ ngay trong tuần này. “Việc cắt xén chương trình, chỉ dạy 4 môn học, nếu đúng như Báo Thanh Niên nêu là vi phạm nghiêm trọng quy định của Bộ trong chỉ đạo về hoạt động giáo dục”, ông Hiển nói.
Cũng theo ông Hiển, việc các trường phải dạy đúng, dạy đủ chương trình là điều đương nhiên nhưng năm nào Bộ cũng đều nhấn mạnh vấn đề này trong văn bản hướng dẫn tổ chức ôn tập cho HS lớp 12 của các trường THPT và nhiệm vụ giáo dục ngay đầu năm học. Do vậy, việc chỉ dạy cho HS 4 môn là hành vi cố tình vi phạm chứ không thể nói là do không biết về quy định này. Bộ đã giao quyền tự chủ nhất định cho các trường trong việc xây dựng chương trình nhưng trên nguyên tắc phải đảm bảo dạy đủ các môn trong chương trình hiện hành, chỉ điều chỉnh những nội dung kiến thức cho phù hợp với đối tượng HS. Tuyệt đối không cắt xén chương trình.
Ông Hiển thông tin thêm: Bộ đã yêu cầu Sở GD-ĐT TP.HCM trước mắt phải chỉ đạo các trường dạy đúng, dạy đủ các môn học trong chương trình để đảm bảo kiến thức toàn diện cho HS, có kế hoạch bổ sung kiến thức thiếu hụt để HS hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông vào thời điểm kết thúc năm học (trước ngày 31.5.2015). Sau đó, làm rõ từng mức độ vi phạm để có biện pháp xử lý, kỷ luật đối với những người có trách nhiệm theo quy định hiện hành. “Nếu thông tin mà báo nêu là đúng thì đây cũng là cảnh báo để các sở GD-ĐT phải tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát quá trình dạy học của các trường, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi cắt xén chương trình”, ông Hiển nêu rõ.
Còn ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng phòng Quản lý các trường ngoài công lập Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Ngay trong sáng 28.11, Sở đã yêu cầu 2 trường mà Báo Thanh Niên phản ánh làm giải trình và gửi về Sở trong buổi sáng thứ hai ngày 30.11. Sở sẽ thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra sự việc. Với những trường hợp nêu đích danh trường, Sở sẽ thanh tra kịp thời để có hình thức chấn chỉnh, xử lý ngay lập tức để đảm bảo quyền lợi của HS, phụ huynh”.
Tuệ Nguyễn - Bích Thanh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.