TS toán Trần Nam Dũng: 'Trường chuyên không phải con đường duy nhất vào ĐH danh tiếng'

Thúy Hằng
Thúy Hằng
26/06/2023 19:51 GMT+7

'Việc vào được các trường ĐH danh tiếng có nhiều con đường, và trường chuyên không phải là con đường duy nhất', tiến sĩ toán học Trần Nam Dũng nói như vậy tại talkshow 'Nếu không học trường chuyên, học sinh nên học gì để vào đại học danh tiếng?' diễn ra hôm qua, 25.6 tại TP.HCM.

TS toán Trần Nam Dũng: 'Trường chuyên không phải con đường duy nhất vào ĐH danh tiếng' - Ảnh 1.

Tiến sĩ Trần Nam Dũng (bìa phải), bà Đàm Bích Thủy (chính giữa) tại talkshow

T.S

Tiến sĩ (TS) toán học Trần Nam Dũng là Chủ tịch kỳ thi toán học AMO Việt Nam (American Mathematics Olympiad), Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), chuyên gia kiến tạo chương trình STEAM cho ngôi trường này.

Cuộc talkshow hôm qua cũng có nhiều ý kiến đặc biệt thú vị đến từ bà Đàm Bích Thủy, nguyên Chủ tịch sáng lập Trường ĐH Fulbright Việt Nam, thành viên Hội đồng quản trị của tập đoàn giáo dục EQuest.

"Học sinh trường không chuyên có thể cạnh tranh sòng phẳng với học sinh trường chuyên"

TS toán học Trần Nam Dũng, người được đến là người thắp lên tình yêu tình yêu toán học với hơn 30 năm kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi toán, đồng thời đang là cố vấn chương trình Tài năng toán - STEM (AIMS) Trường Albert Einstein (thuộc hệ thống Trường quốc tế Canada) cho hay, ngay cả vào các trường ĐH trong nước cũng có nhiều phương thức. Và không phải chỉ học sinh trường chuyên mới là những người có điểm cao nhất. Nhiều bạn học không chuyên vẫn nằm trong những bạn tốp đầu điểm cao.

Còn vào các trường ĐH danh tiếng của nước ngoài thì yêu cầu tuyển chọn của họ rất rộng, điều kiện xét tuyển là từ điểm trung bình, IELTS, SAT… các hoạt động xã hội, kỹ năng lãnh đạo. Do đó học sinh trường không chuyên có thể cạnh tranh sòng phẳng với học sinh trường chuyên.

TS toán Trần Nam Dũng: 'Trường chuyên không phải con đường duy nhất vào ĐH danh tiếng' - Ảnh 2.

Tiến sĩ toán học Trần Nam Dũng trao đổi với các phụ huynh sau chương trình

TÚ SƠN

Theo TS toán Trần Nam Dũng, các học sinh không phải tập trung học chuyên sâu thì trong một số vấn đề có thể có lợi thế hơn. Ông nêu một tình huống điển hình là nhiều bạn học sinh trường chuyên, lớp 11 đi thi học sinh giỏi và có giải nhưng tới lớp 12 đã xin từ giã không ở đội tuyển nữa để tập trung ôn thi ĐH hay để tập trung chuẩn bị hồ sơ du học. Hay trước đây, khi Bộ GD-ĐT cho phép có hệ không chuyên trong trường chuyên, thì nhiều học sinh đã đậu các lớp chuyên vẫn xin học lớp không chuyên (dù không được). "Nói như vậy để thấy, học sinh trường chuyên có lợi thế nhưng cũng có những áp lực, khó khăn riêng", TS Trần Nam Dũng nói.

"Nếu có một ngôi trường, ở đó tạo môi trường học tập có tham vọng, có cạnh tranh, cho học sinh được tham gia nhiều hoạt động xã hội, phát triển năng lực của mình thì đó là đích đến đáng tin cậy mà học sinh chưa đạt vào trường chuyên có thể hướng tới. Trường chuyên rất tốt nhưng không phải cơ hội duy nhất cho các em học sinh", TS Dũng thẳng thắn.

"ĐH danh tiếng tìm kiếm cá nhân độc đáo chứ không phải tròn trịa"

Trao đổi tại talkshow, bà Đàm Bích Thủy khẳng định "trên thực tế các trường không chuyên cho các học sinh một lợi thế khác mà một thời gian dài chúng ta bỏ qua".

Nguyên Chủ tịch sáng lập Trường ĐH Fulbright Việt Nam dẫn chứng những ĐH hàng đầu khi tuyển sinh sẽ tìm kiếm những cá nhân độc đáo chứ không phải tròn trịa, điểm tất cả đều 10, làm 100 công việc cũng giống như 1.000 các bạn khác đang làm. Do đó, phụ huynh hãy tin vào sự độc đáo của con em mình.

TS toán Trần Nam Dũng: 'Trường chuyên không phải con đường duy nhất vào ĐH danh tiếng' - Ảnh 3.

Bà Đàm Bích Thủy có nhiều chia sẻ thú vị

T.S

Theo bà Thủy, để phát triển cái độc đáo thì trước hết các em học sinh cần có thời gian phát triển cá nhân của mình. Thứ hai, điều các trường tìm kiếm là học sinh đó có thể mang lại những gì cho cộng đồng mà các em sắp gia nhập. Nếu chỉ giỏi toán, em học sinh sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều em học giỏi toán khác. Nhưng nếu biết đủ môn toán, mà em biết chơi cờ giỏi, chơi golf tốt, thì đây lại là những lợi thế giúp em nổi bật hơn trong quá trình ứng tuyển. Nên ngoài thời gian, điều các em cần là môi trường giáo dục.

"Một môi trường giáo dục cởi mở, cho các em được phát triển hết năng lực, và mang những đặc điểm tốt nhất tới phòng tuyển sinh thì đây chính là cơ hội cho các em vào các trường ĐH hàng đầu. Vậy thì lựa chọn giữa đầu tư 100% để cho con em học 1-2 môn chuyên sâu, hay cho con môi trường để học nhiều môn, tìm ra môn thấy mình thích thú nhất, để mang được tất cả khả năng, sự say mê của con với môn đó để tới phòng tuyển sinh… thì tôi nghĩ là cách 2 giúp các em nổi trội hơn trong quá trình tuyển sinh để vào trường tốp đầu", bà Đàm Bích Thủy phân tích.

Bà nêu thêm một dẫn chứng sống động là Trường ĐH Fulbright Việt Nam tới các tỉnh để tuyển sinh thì các bạn học sinh trường chuyên đến rất đông đảo. Nhưng sau 4 năm, ở lứa sinh viên đầu tiên mới tốt nghiệp hôm 24.6 vừa qua thì những bạn không học trường chuyên lại có những thành công rất khác biệt so với các bạn học chuyên.

"Quan trọng không phải là trường chuyên hay không chuyên mà quan trọng là môi trường giáo dục từ ngôi trường đó mang lại cho học sinh là cái gì, như thế nào", bà Đàm Bích Thủy khẳng định.

TS toán Trần Nam Dũng: 'Trường chuyên không phải con đường duy nhất vào ĐH danh tiếng' - Ảnh 4.

Bà Đàm Bích Thủy trò chuyện với các phụ huynh bên lề chương trình

TÚ SƠN

Điểm đặc biệt nhất không nhất thiết phải là cái rất xuất sắc

Phụ huynh Trần Đạt có con sắp vào lớp 2 đặt câu hỏi tại chương trình: "Các trường danh tiếng trên thế giới tuyển sinh trên điểm nổi bật của con, vậy làm sao phát hiện được? Nếu con mình thích lịch sử, địa lý, hay các môn thể thao vận động mà không muốn học khoa học công nghệ thì có thể học toán tài năng STEM không?".

Bà Đàm Bích Thủy, thành viên Hội đồng quản trị của tập đoàn giáo dục EQuest, trả lời rằng điểm đặc biệt không nhất thiết phải là cái cái rất xuất sắc.

"Tôi chứng kiến hồ sơ của một em bình thường nếu nhìn ở góc 'con nhà người ta', nhưng lý do cháu được chọn vào 3 trường tốp hàng đầu của Mỹ đó là suốt 6 năm, gần nhà cháu có 1 cụ hàng xóm, độc thân, bị bệnh Alzheimer, mất trí nhớ, cháu luôn sang giúp đỡ cụ, mua đồ ăn cho bà cụ. Cháu đã có một điểm đặc biệt là yêu thương vô điều kiện người khác. Do đó, học sinh khi làm hồ sơ, hãy tìm một điểm độc đáo của mình - là chính mình chứ không ai khác", bà Thủy khuyên.

Còn TS toán Trần Nam Dũng chia sẻ với yêu cầu của giáo dục phổ thông là cần nền tảng, chưa cần quá sâu, nên với các bạn học khoa học xã hội thì chương trình toán tài năng - STEM (AIMS) cũng có thể giúp ích cho các bạn.

"Tôi có nhiều cựu học sinh chuyên toán, nhưng sau này ra ngoài lại chuyển sang nhiều ngành khác và rất thành công. Có bạn rẽ sang làm phóng viên, trở về phỏng vấn thầy giáo. Hay có bạn chuyên toán lại rẽ sang làm giáo dục, đi học thạc sĩ tại Anh vừa rồi được Trường Phổ thông năng khiếu mời về phụ trách đội tuyển học sinh giỏi tiếng Anh. Những gì học ở phổ thông đều giúp bạn sau này. Bây giờ hãy học đầy đủ, học rộng, chứ đừng học chuyên sâu ngay từ ghế phổ thông".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.