TNO

Tư lệnh Không quân Mỹ: Trình độ phi công Trung Quốc còn kém xa Mỹ

21/02/2016 13:00 GMT+7

(Tin Nóng) Tuy Trung Quốc đang dần thu hẹp khoảng cách công nghệ với Mỹ, nhưng trình độ phi công nước này còn kém xa so phi công Mỹ, theo bà Lori Robinson, đại tướng tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương.

(Tin Nóng) Tuy Trung Quốc đang dần thu hẹp khoảng cách công nghệ với Mỹ, nhưng trình độ phi công nước này còn kém xa so phi công Mỹ, theo bà Lori Robinson, đại tướng tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương.

Tư lệnh Không quân Mỹ: Trình độ phi công Trung Quốc còn kém xa Mỹ - ảnh 1

Chiến đấu cơ F-18 Super Hornet chuẩn bị hạ cánh xuống tàu sân bay Mỹ USS Eisenhower - Ảnh: AFP

Bloomberg ngày 16.2 cho hay tại triển lãm hàng không quốc tế diễn ra ở Singapore trong tuần, đại tướng Lori Robinson, tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương nhận xét rằng quân đội Trung Quốc đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách về công nghệ so với Mỹ và họ đã có những bước tiến lớn. Tuy nhiên phi công Trung Quốc còn kém xa về trình độ so với phi công Mỹ, nhất là về trình độ và sự chuyên nghiệp trong giao tiếp trên không.

Nữ đại tướng Mỹ Lori Robinson nói rằng bà hy vọng phi công Trung Quốc cần có các giao tiếp chuyên nghiệp hơn khi tiếp xúc phi công Mỹ theo như thoả thuận đạt được hồi tháng 9.2015 về quy tắc ứng xử trên không giữa hai nước.

Phi công quân sự Mỹ khi bay trên Biển Đông thường bị phía Trung Quốc cảnh báo xua đuổi, còn máy bay Nhật Bản cũng gặp tình trạng tương tự trên biển Hoa Đông.

Từ khi nắm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đẩy mạnh ưu tiên hiện đại hoá quân đội theo hướng chú trọng sức mạnh hải quân và không quân để tăng sức mạnh trong các tranh chấp lãnh thổ ở Đông Á. Điều này đưa đến việc Trung Quốc chi tiêu lớn cho phát triển các máy bay, tàu chiến, tàu ngầm hiện đại, khả năng hoạt động tầm xa. Phi công thì được cải thiện về nâng cao huấn luyện.

Tuy nhiên bà Robinson nhận định, dù có thu hẹp khoảng cách công nghệ với Mỹ, phi công Trung Quốc còn khoảng cách lớn so phi công Mỹ về trình độ. “Cách thức huấn luyện phi công Mỹ là hàng ngày, và tất cả mọi người liên quan đến công tác huấn luyện đều thực thi cùng công việc”,  bà Robinson nói.

Tuy Lầu Năm Góc từng báo cáo việc Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự với Mỹ, nhưng các chuyên gia quân sự nghi ngờ khả năng của phi công quân sự Trung Quốc khi ghi nhận một phần đáng kể của thời gian đào tạo phi công Trung Quốc là chỉ học lý thuyết. Điều này dấy lên lo ngại về hành động bừa bãi của phi công Trung Quốc khi tiếp cận máy bay của nước khác.

Chẳng hạn hồi tháng 8.2014, một chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay áp sát một máy bay tuần biển P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ ở khoảng cách chỉ 6 m, khi P-8 đang bay với tốc độ 640 km/giờ trên khu vực cách đảo Hải Nam hơn 300 km. Theo lập luận của phía Mỹ, nơi xảy ra vụ việc là khu vực được bay quân sự theo luật lệ quốc tế, tức trong phạm vi khu đặc quyền kinh tế 200 hải lý (322 km) ở ngoài khơi. Còn Trung Quốc thì cho rằng luật quốc tế này chỉ áp dụng cho các chuyến bay thương mại.

Trung Quốc đang nêu yêu sách chủ quyền phi lý chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, nơi có lưu lượng hàng hoá hơn 5.000 tỉ USD qua lại hàng năm. Trong vòng 2 năm qua, Trung Quốc cải tạo bồi đắp phi pháp hơn 1.200 hecta đảo nhân tạo ở Biển Đông và bố trí các cơ sở quân sự tại đây. Nước này thường xuyên dùng lực lượng tàu cá và tàu cảnh sát biển đông đảo để trấn áp các tàu nước khác ở khu vực biển này.

Tháng 1.2016, tàu chiến Mỹ lại tiếp tục tuần tra sát đảo Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng. Trước đó vào tháng 10.2015, tàu chiến USS Lassen đã tuần tra ngang đá Xu Bi ở Trường Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng và xây thành đảo nhân tạo phi pháp.

Tư lệnh Không quân Mỹ: Trình độ phi công Trung Quốc còn kém xa Mỹ - ảnh 2

Đại tướng tư lệnh Không lực Mỹ ở Thái Bình Dương, bà Lori Robinson - Ảnh: AFP

Tư lệnh Không quân Mỹ: Trình độ phi công Trung Quốc còn kém xa Mỹ - ảnh 3

Chiến hạm USS Lassen trong lần thăm Đà Nẵng - Ảnh: AFP

Bà Robinson nói Mỹ sẽ tiếp tục bay trên không phận quốc tế khi cần thiết. “Bất cứ máy bay nào của chúng tôi cần thiết bay từ điểm A đến điểm B trong không phận quốc tế sẽ vẫn tiếp tục. Và đó không phải là điều bất thường với chúng tôi khi bay khắp khu vực này và trên không phận quốc tế”, tướng Robinson nói.

Khi được hỏi liệu Trung Quốc tiếp tục cảnh báo máy bay quân sự Mỹ tránh xa Biển Đông, tư lệnh Robinson đáp “Họ đang nói, nhưng chủ yếu trong quan điểm của tôi thì các máy bay của nhau đã hành động một cách chuyên nghiệp, phù hợp với các quy tắc ứng xử”.

Bà Robinson cũng khẳng định những bàn luận cho rằng Mỹ phải nhượng bộ Trung Quốc ở châu Á do sức mạnh kinh tế và quân sự của nước này gia tăng đều là sự suy diễn. “Những gì tôi tin tưởng hôm nay là sự hiện diện của chúng tôi trong khu vực, vì sự hiện diện của chúng tôi đang mang lại sự bình ổn trong khu vực. Sự hiện diện của chúng tôi trong khu vực cho phép chúng ta có quan hệ đối tác trong khu vực”, đại tướng Robinson nói.

Anh Sơn

>> Báo Nga: Trung Quốc đối mặt tên lửa tàu ngầm Nga ở Biển Đông
>> Tên lửa Trung Quốc ở Hoàng Sa có thể bắn tới đâu?
>> Mỹ công khai hình ảnh tàu robot săn tàu ngầm
>> Tàu sân bay Trung Quốc thua xa tàu sân bay Nga
>> Trung Quốc điều 2 tàu khu trục cản tàu Mỹ ở Đá Xu Bi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.