Từng 'đổ vỡ' trong chuyện tình cảm có được bưng quả trong đám cưới người khác?

Thảo Phương
Thảo Phương
04/11/2023 08:58 GMT+7

Nhiều quan điểm cấm kỵ người từng có gia đình, đổ vỡ hôn nhân không nên bưng quả (tráp) trong đám cưới hỏi vì sợ... đem điềm xui cho cô dâu, chú rể. Điều này liệu có đúng?

Phải là những người trẻ chưa vợ, chưa chồng?

Bưng quả là tục lệ truyền thống trong đám cưới hỏi của người Việt Nam. Vì cưới xin là chuyện trọng đại cả đời, do đó, việc chọn người bưng quả trong ngày vui cũng là vấn đề nhiều cặp vợ chồng đặc biệt quan tâm.

Mới đây, trong lễ ăn hỏi của nữ diễn viên Puka và Gin Tuấn Kiệt, nhiều cư dân mạng đã lên tiếng chỉ trích ca sĩ Hòa Minzy vì tưởng rằng cô bưng quả trong lễ ăn hỏi của cặp đôi này dù trước kia chuyện tình cảm không trọn vẹn. 

Ngay sau đó, nữ ca sĩ đã lên tiếng đính chính trên trang Facebook cá nhân, cô giải thích với nội dung như sau: “Sáng nay tui đi đám hỏi bên chị Puka nhưng mà chỉ đi tới chơi với chị thôi chứ không có bưng mâm hay làm phù dâu gì hết nha mọi người. Bé biết thân biết phận mà. Đọc bình luận của mọi người mà tủi thân nha".

Phía dưới bài đăng nhiều người để lại bình luận bày tỏ sự đồng cảm với cô nàng nhưng cũng không ít họ thắc mắc tại sao Hòa Minzy không được bưng quả hay làm phù dâu. Lý do là vì trước kia dù chưa kết hôn nhưng cô cũng từng đổ vỡ trong chuyện tình cảm.

Những ai không được bưng quả? - Ảnh 1.

Dòng trạng thái chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của nữ ca sĩ Hòa Minzy

CHỤP MÀN HÌNH

Trong lễ cưới của mình được tổ chức 2 năm trước, Võ Thị Thanh Phương (25 tuổi), ngụ tại P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM, chia sẻ: “Về việc chọn người bưng quả mình cũng làm theo chỉ dẫn của các bậc lớn tuổi trong nhà. Từ trước đến nay mọi người có quan niệm, ai bưng quả phải còn trẻ, chưa kết hôn và đang không để tang ai. Do đó, mình cũng chọn những bạn bè đáp ứng các tiêu chuẩn ấy để bưng quả trong ngày cưới. Điều này, nhằm mong muốn mang lại những điều tốt lành cho hôn lễ của mình và cả cuộc sống vợ chồng sau này”.

Những ai không được bưng quả? - Ảnh 2.

Đám cưới của Thanh Phương cách đây 2 năm

NVCC

Còn Phan Thị Mỹ Hạnh (22 tuổi), làm việc tại Công ty Germton (tỉnh Quảng Nam) thì cho rằng yêu cầu chọn người bưng quả như thế nào là tùy thuộc vào quan niệm của từng gia đình. “Như trong đám cưới của mình, thì bạn bè, người thân bưng quả giúp đều chưa có gia đình. Nhưng cách đây không lâu mình có bưng quả cho chị họ dù bản thân đã lấy chồng. Riêng cá nhân mình không quá đặt nặng về vấn đề này, vì hạnh phúc vợ chồng căn bản vẫn phụ thuộc vào sự cố gắng của cả 2”, Hạnh chia sẻ.

Việc mời ai bưng quả là tùy vào quan niệm của từng gia đình

Trao đổi với người viết về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, công tác tại Khoa Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Phong tục hôn nhân của người Việt được tiến hành theo nghi lễ ông bà truyền lại rồi thế hệ sau làm theo chứ không có một quy định nào về pháp luật. Vì vậy, việc cô dâu, chú rể mời ai bưng quả cho đám cưới của mình là thuộc phạm trù của cá nhân và gia đình. Việc mời người bưng mâm lễ cũng tùy thuộc vào văn hóa, quan niệm của từng nơi. Có nơi thì mời những chàng trai, cô gái chưa lập gia đình. Cũng có chỗ người ta mời những người đã có gia đình êm ấm, con cái đề huề, hôn nhân viên mãn. Cho nên việc chọn người bưng quả sẽ không có một khuôn mẫu nhất định nào”.

Những ai không được bưng quả? - Ảnh 3.

Việc chọn người bưng mâm lễ phụ thuộc vào quan niệm của từng gia đình

NVCC

Còn về quan điểm cấm kỵ người từng có gia đình, đổ vỡ hôn nhân không nên bưng quả trong đám cưới hỏi vì sợ... đem điềm xui cho cô dâu chú rể, PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, cho biết nó phụ thuộc vào niềm tin, cách nghĩ của mỗi người và không hẳn là mê tín dị đoan. “Vì trong ngày trọng đại ai cũng muốn gửi gắm những mong ước về mọi điều tốt đẹp, cuộc hôn nhân bền chặt. Tôi nghĩ đó là mong muốn chính đáng, không có gì phải bàn cãi”, PGS.TS Thơ nói.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ cũng cho biết thêm việc mời một người từng không trọn vẹn trong chuyện tình cảm bưng quả trong đám cưới không có gì là quá đáng phải lên án chỉ trích. Vì điều quan trọng nhất là mối quan hệ giữa cô dâu, chú rể với người được mời. 

"Nếu sự xuất hiện của họ khiến cho 2 nhân vật chính cảm thấy vui và hạnh phúc thì đó là chuyện bình thường. Đây là vấn đề cá nhân của riêng gia đình người ta và không liên quan gì đến thuần phong mỹ tục. Nếu người trong cuộc không có vấn đề gì thì sao người ngoài phải bàn tán. Do vậy, đừng nên áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác", PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, chia sẻ.

Mặt khác, PGS-TS Thơ cũng phân tích thêm, về chuyện hôn nhân gia đình, muốn giữ được cuộc sống hạnh phúc, tình cảm vợ chồng bền chặt thì hoàn toàn do người trong cuộc quyết định. Tuy nhiên, nhiều người có sức ảnh hưởng trong xã hội cũng nên chú ý gìn giữ hình ảnh để tránh những ồn ào không đáng có.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.