Nguy cơ trận lũ bùn độc thứ hai ở Hungary

09/10/2010 23:53 GMT+7

Bờ đê bao quanh hồ chứa bị vỡ hôm 4.10 tiếp tục lún nứt, đe dọa gây ra thêm một thảm họa tại thị trấn Ajka, phía tây Hungary.

Hôm qua, chính quyền Hungary cho sơ tán toàn bộ 800 dân làng Kolontar ở Ajka trước nguy cơ bị lũ bùn độc tàn phá một lần nữa. Reuters dẫn lời Thủ tướng Viktor Orban cho hay đêm 8.10, nhà chức trách phát hiện ra một số vết nứt ở bờ đê phía bắc hồ chứa số 10, trong đó có một vết rộng khoảng 7 cm và một góc đê bị sụt lún. Như vậy, thêm khoảng 500.000m3 bùn độc có thể tràn ra từ hồ chứa chất thải của Công ty nhôm MAL Rt. Cảnh sát và quân đội đã được huy động để hướng dẫn dân làng sơ tán. Chính quyền địa phương cũng cảnh báo 5.400 người dân ở làng Devecser kế cận phải chuẩn bị sẵn sàng di tản.

Hôm qua, các chuyên gia cũng bắt đầu xây dựng một con đê cao 4-5 mét và dài 40 mét chia đôi làng Kolantar để trận lũ bùn thứ 2 nếu xảy ra cũng không thể xâm phạm khu vực dân cư vẫn còn nguyên vẹn. Dự kiến con đê sẽ được hoàn thành trong vòng 48 tiếng. Đến nay, ít nhất 7 người đã thiệt mạng và hơn 100 người khác bị bỏng hóa chất khi khoảng 600.000 -700.000 m3 chất thải độc hại tràn vào Ajka. Bùn độc đã hủy hoại hoàn toàn hệ sinh thái tại sông nhỏ Marcal và xâm phạm sông Danube. Chính quyền Hungary dự đoán phải mất 5 năm mới có thể khôi phục lại sông Marcal.

Đến tối 8.10, độ pH tại hợp lưu sông Raab với sông Danube đã giảm từ 9,4 xuống 8,04 (mức bình thường là 8 và tối đa là 14). Tuy nhiên, đây chưa phải là dấu hiệu lạc quan vì độ pH giảm chỉ nhờ lưu lượng nước dồi dào của Danube pha loãng bùn độc.

Le Figaro dẫn lời chuyên gia Eric Thibaud cho biết: “Những kim loại độc hại như chrome hay cadmium có thể ngấm vào tôm cá, gây nhiễm độc lâu dài cho con người nếu ăn phải”. Các nước ở hạ lưu sông Danube như Serbia, Croatia, Romania đang tăng cường kiểm tra, phân tích nước sông. Ngoài ra, còn có nguy cơ thời tiết hanh khô biến bùn đỏ thành bụi, tấn công hệ hô hấp của con người và hệ động thực vật.

Đến nay, Công ty MAL Rt. vẫn cho rằng mình không có lỗi vì việc hồ chứa số 10 bị vỡ là tai nạn không lường trước. Nhiều ý kiến cáo buộc  MAL Rt. thải quá nhiều bùn độc vào hồ chứa, gây quá tải. Quỹ Thiên nhiên hoang dã quốc tế (WWF) vừa đưa ra một số hình chụp cho thấy phần đê bảo vệ hồ chứa nói trên đã bị nứt ít nhất từ tháng 6. Theo tờ Die Presse của Áo, ở Đông và Trung u hiện có nhiều khu công nghiệp cũ với những hồ chứa chất thải kém an toàn. Trong đó có nhiều nhà máy tồn tại từ cuối thập niên 1980 và bị cho là đe dọa môi trường nặng nề hơn cả hồ chứa của MAL Rt.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.