img

Năm lên 4 tuổi, Y Pan đã mồ côi bố mẹ. Thuở niên thiếu, cô bé được một đơn vị cách mạng nuôi dưỡng. Lớn lên, Y Pan được học chữ rồi tham gia cách mạng, được kết nạp vào Đảng và phụng sự lý tưởng cách mạng cho đến nay, khi bà đã ngoài 90 tuổi...

Brâu là một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam, sinh sống tập trung ở làng Đắk Mế, xã Pờ Y (H.Ngọc Hồi, Kon Tum). Ít ai ngờ được người thủ lĩnh của dân tộc này lại là một phụ nữ. Đó là nữ thủ lĩnh Y Pan. 

Tượng đài sống giữa đại ngàn Tây nguyên - Ảnh 1.

Bà Y Pan sinh năm 1930, năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Có lẽ nhờ được soi rọi từ ánh sáng của sự kiện lịch sử ấy mà cuộc đời bà gắn liền với cách mạng, một lòng đi theo Đảng và trở thành một đảng viên mẫu mực, trở thành thủ lĩnh, cánh chim đầu đàn của người Brâu ở Kon Tum.

Năm nay 93 tuổi, già Y Pan sống một mình trong căn nhà nhỏ ở giữa làng Đắk Mế. Dù vẫn còn khỏe khoắn nhưng dòng chảy thời gian đã khiến đôi tai của bà không còn nghe rõ.

"Nhà báo nói to lên, nói nhỏ mình không nghe được đâu. Tuổi già mà, không bệnh này thì bệnh khác. Hôm qua suýt nữa thì mình nằm liệt đấy, trời nóng quá, mình lại bị tăng huyết áp. May có mấy chú bộ đội biên phòng đến nhà chơi mang cho mình ít thuốc", già Y Pan nói như giải thích.

Tượng đài sống giữa đại ngàn Tây nguyên - Ảnh 2.

Nữ già làng Y Pan kể với người viết về những ngày vận động người dân học chữ

Theo câu chuyện của bà, năm lên 4 tuổi Y Pan đã mồ côi bố mẹ. Lúc này, cô bé được một đơn vị cách mạng nuôi dưỡng. Lớn lên, Y Pan được học chữ rồi tham gia cách mạng và được kết nạp vào Đảng. Thấy bà sáng dạ, tổ chức đã cử bà ra Bắc học "chữ Bác Hồ". Nhờ đó, bà trở thành người đầu tiên của dân tộc Brâu biết chữ. Năm 1957, theo phân công của tổ chức, bà theo đoàn cán bộ tập kết ra Bắc.

"Những ngày ấy chiến tranh ác liệt, cả đoàn băng rừng vượt thác từ binh trạm này đến binh trạm tiếp theo thì dừng lại nghỉ. Chờ đến khi tình hình ổn hơn lại tiếp tục hành trình", bà Y Pan nhớ lại.

Chuyến đi kéo dài đến gần 1 năm bà Y Pan mới đặt chân đến Phú Thọ. Sau đó bà được chuyển ra Cao Bằng học ngành y. Sau 9 tháng học tập, bà được Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 giữ lại công tác.

Năm 1974, khi đã 44 tuổi, trước tiếng gọi giục giã của quê hương, bà Y Pan xin trở về phục vụ chiến dịch Tây nguyên. Những ngày hoa lửa ấy, bà Y Pan trở thành nữ cán bộ quân y, cứu chữa cho hàng trăm chiến sĩ bị thương tham gia chiến dịch.

Nhờ những cống hiến của mình, bà Y Pan được Hội đồng Bộ trưởng khen thưởng Huy chương Kháng chiến hạng nhất. Năm 1975, khi đất nước thống nhất, bà xin về công tác tại bệnh viện huyện nhà để phục vụ quê hương.

Tượng đài sống giữa đại ngàn Tây nguyên - Ảnh 3.

Cháu nội của già làng Y Pan hiện đã là chiến sĩ bộ đội

Lúc bấy giờ, vùng Đắk Tô, Ngọc Hồi (Kon Tum) toàn là rừng xanh núi thẳm. Chiến tranh đã lùi xa nhưng mối họa bom mìn vẫn còn đó. Bà con đồng bào đi lên rừng, làm rẫy khi phát hiện bom đạn vẫn thường nhặt về. Có người cưa bom ra lấy thuốc nổ, có người lại nhặt đạn pháo đem bán phế liệu. Thế rồi những tiếng nổ tang thương thỉnh thoảng lại vang lên, ám ảnh cả một vùng rừng núi.

Dù đã đi qua chiến tranh, chứng kiến những cảnh đổ máu, nhưng khi nhìn những bà con mình gánh chịu hậu quả của bom mìn, bà vẫn không thể kìm lòng được. Những ngày rảnh rỗi, bà Y Pan thường đến các bản làng tuyên truyền người dân về hậu quả của bom mìn. Bà khuyến cáo dân làng hễ nhìn thấy chúng thì phải tránh xa. Những tiếng bom vì thế cũng vơi dần trên nương rẫy.

Năm 1990, bà Y Pan nghỉ hưu và chuyển về sinh sống tại làng Đắk Mế, nơi bà sinh ra. Dù đã về hưu nhưng bà vẫn được chính quyền địa phương tín nhiệm giao cho các nhiệm vụ như: Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Pờ Y, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Pờ Y... Bà còn được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

Tượng đài sống giữa đại ngàn Tây nguyên - Ảnh 4.

Trở về quê hương, chứng kiến cảnh người dân bị bủa vây bởi đói nghèo, hủ tục, bà Y Pan cứ day dứt mãi không thôi. Bà kể rằng, ở thời điểm đó dân tộc Brâu sống dọc vùng biên giới ở ngã ba Đông Dương. Điều kiện thiếu thốn nên đa phần họ đều không biết cái chữ. Đồng bào vẫn còn canh tác lạc hậu, hết trồng lúa lại trồng mì hoặc săn bắt, hái lượm.

"Không biết cái chữ, không biết kỹ thuật chăm sóc cây trồng nên dân làng nghèo miết. Con cái thì theo bố mẹ vào trong rừng sinh sống, không chịu đến lớp, đến trường. Thương bà con, tôi đến từng nhà vận động cho con em đi học", bà Y Pan kể.

Thế nhưng trong ngày một ngày hai, đâu dễ gì thay đổi được nhận thức của bà con dân bản. Họ nghĩ rằng nếu cho con em đi học, gia đình sẽ thiếu đi người phụ việc lặt vặt. Còn đối với những đứa trẻ, con chữ ở trường đâu thú vị bằng con cá dưới suối, con chim trên rừng. Cái chữ cũng không làm cho bà con dân bản no cái bụng ngay được. Bởi vậy hành trình vận động con em đi học của bà Y Pan luôn vấp phải những khó khăn, trở ngại.

Nhưng không vì vậy mà từ bỏ, bà Y Pan vẫn kiên trì tiếp tục phối hợp cấp ủy Đảng, chính quyền tích cực vận động không kể ngày đêm. Bà đem những lời "gan ruột" để thuyết phục dân làng. Mưa dầm thấm lâu, cuối cùng nhận thức của người dân cũng được thay đổi. Khi những đứa trẻ kéo nhau đến trường thay vì lên rừng, ra rẫy, bà Y Pan biết rằng mình đã thành công. Đến nay, dân tộc Brâu đã có hàng chục người đậu đại học, cao đẳng và đang công tác trong các ngành nghề tại địa phương.

Khi con chữ đã phổ cập đến từng người dân, từng nóc nhà trong thôn bản, nữ già làng Y Pan lại tiếp tục cùng chính quyền địa phương tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng. Đồng thời, bà cũng hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để xóa cái đói, cái nghèo.

Thời kỳ đổi mới, đời sống của dân làng vẫn còn nhiều khó khăn. Với suy nghĩ đông con thì đông của, gia đình nào sinh ít nhất cũng 4 đứa con, nhiều thì 5 - 7 đứa. Trong khi đó, vì suy nghĩ lạc hậu nên dân làng chỉ quen trồng những giống cây làm no cái bụng. Đất đai ngày càng cằn cỗi khiến hạt lúa, hạt bắp mỗi lúc một ít đi. Cái nghèo, cái đói lại đến cận kề hơn.

Tượng đài sống giữa đại ngàn Tây nguyên - Ảnh 5.

Làng Đắk Mế của người Brâu

Thấy dân khổ, bà Y Pan một mặt kêu gọi bà con sinh đẻ có kế hoạch để làm kinh tế. Bà nghĩ rằng chỉ khi sinh đẻ có kế hoạch, cuộc sống mới bớt khó khăn, ít miệng ăn hơn thì cái bụng mới không lo đói. Mặt khác, bà tìm đến cán bộ xã hỏi những giống cây năng suất cao, phù hợp thổ nhưỡng có thể thay thế cây lúa, cây mì. Thời điểm này, cán bộ xã cũng liên tục phát động mô hình trồng cà phê, cao su tiểu điền. Thế là bà Y Pan đi khắp làng gọi những thanh niên tiến bộ đến xã học tập kỹ thuật trồng cà phê, cao su. Bắt đầu từ đây, kinh tế của nhiều hộ gia đình trong làng dần dần khởi sắc.

Khi Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum triển khai mở lớp dạy dệt thổ cẩm, bà cũng động viên phụ nữ trong làng tích cực học để giữ gìn nét văn hóa bản địa và có thêm cái nghề để tăng thu nhập cho gia đình. Bà Y Pan còn tuyên truyền về tác hại của hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn đối với đời sống người Brâu; vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh, đoàn kết và tích cực xây dựng kinh tế mới.

Nhờ những đóng góp của mình, bà được người dân tín nhiệm bầu làm già làng, một việc được xem là chuyện xưa nay hiếm ở dân tộc Brâu.

Tượng đài sống giữa đại ngàn Tây nguyên - Ảnh 6.

Nhờ sự dẫn dắt của nữ già làng Y Pan, đến nay làng Đắk Mế đã khang trang hơn và có nhiều khởi sắc

Tượng đài sống giữa đại ngàn Tây nguyên - Ảnh 7.

Năm 2000, làn gió độc tà đạo Hà Mòn xuất hiện ở H.Đắk Hà (Kon Tum) rồi sau đó lan ra các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk. Để ngăn chặn sự lây lan của tà đạo, bà Y Pan đã phối hợp cùng cấp ủy Đảng, chính quyền vận động người dân tránh xa những lời xúi giục của kẻ xấu, luôn chấp hành chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Với uy tín của mình, bà Y Pan đã liên tục họp dân để tuyên truyền, vận động. Thời điểm ấy, hầu như đêm nào nhà rông cũng sáng ánh đèn. Hết họp dân, bà Y Pan lại đến từng nhà nói chuyện với từng gia đình về mức độ xấu, độc của tà đạo. Cũng nhờ đó, toàn bộ dân tộc Brâu không có người nào tin và đi theo tà đạo.

Tượng đài sống giữa đại ngàn Tây nguyên - Ảnh 8.

Bà Y Pan động viên phụ nữ trong làng tích cực học dệt thổ cẩm để giữ gìn nét văn hóa bản địa

Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 6.2023, khi xảy ra vụ khủng bố ở Đắk Lắk, mặc dù lúc này tuổi đã cao nhưng già Y Pan vẫn tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong làng luôn nêu cao tinh thần cảnh giác; tuân thủ theo các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không nghe theo những âm mưu, xúi giục của các thế lực thù địch.

Bà Y Pan luôn dặn dò dân làng rằng: "Bà con cần cảnh giác trước các thủ đoạn gây rối trật tự xã hội của kẻ xấu; chí thú làm ăn, tập trung phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cộng đồng Brâu đoàn kết vững mạnh và góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Có như thế, con cháu chúng ta mới sung sướng, được ăn ngon mặc đẹp".

Những lời gan ruột và đúng đắn của nữ già làng Y Pan đã giúp người Brâu luôn đề cao cảnh giác với kẻ xấu, tập trung phát triển kinh tế gia đình và góp hết sức mình vào việc gìn giữ bình yên cho buôn làng nói riêng, Tây nguyên nói chung. 

Tượng đài sống giữa đại ngàn Tây nguyên - Ảnh 9.

Nữ già làng Y Pan tự tay ủ rượu ghè để lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình

Tượng đài sống giữa đại ngàn Tây nguyên - Ảnh 10.

Bà Vũ Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND xã Pờ Y cho hay, dân tộc Brâu là 1 trong 2 dân tộc ít người nhất Việt Nam. Dân tộc này chỉ có 173 hộ dân với 558 người. Toàn làng Đắk Mế có 287 hộ (riêng người Brâu có 173 hộ), thì chỉ có 10 hộ nghèo, 13 hộ cận nghèo, còn lại đều là hộ khá giả.

"Bà Y Pan là thủ lĩnh của người Brâu. Với cương vị là đảng viên, già làng, người có uy tín, bà Y Pan đã có rất nhiều đóng góp trong công tác vận động, tuyên truyền người dân chấp hành các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, quá trình làm việc, cống hiến, sự gương mẫu, tận tâm của bà Y Pan đã trở thành tấm gương sáng cho dân làng noi theo, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng", bà Hà nói.

Tượng đài sống giữa đại ngàn Tây nguyên - Ảnh 11.

Nữ già làng Y Pan thường phối hợp với bộ đội biên phòng tuyên truyền pháp luật cho người dân trong làng

Ông Đinh Cao Cường, Bí thư Huyện ủy Ngọc Hồi chia sẻ, trong thời gian qua, Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy Ngọc Hồi đã tập trung, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là tại cấp cơ sở trên địa bàn huyện.

Qua đó, đã xuất hiện nhiều cá nhân, đơn vị với mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nổi bật nhất là bà Y Pan, già làng thôn Đắk Mế, người đã có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Không những vậy, bà Y Pan còn giúp cho dân làng nắm vững các nội quy, quy tắc bảo vệ an ninh trật tự; cảnh giác trước những thủ đoạn của các thế lực thù địch và các loại tội phạm. Từ đó, dân làng đã nâng cao ý thức chủ động bảo vệ, tự giác đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; không để bị kẻ xấu kích động, lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

"Để có được kết quả này, bà Y Pan đã nêu cao vai trò, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu của một cán bộ, đảng viên; phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư tại thôn Đắk Mế; từ đó huy động sức mạnh của nhân dân tham gia xây dựng thôn, làng an ninh, an toàn", ông Cường cho biết thêm.

Tượng đài sống giữa đại ngàn Tây nguyên - Ảnh 12.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.