Indonesia phun thuốc khử khuẩn từ trên không để chống dịch Covid-19, hiệu quả còn tranh cãi

02/04/2020 10:09 GMT+7

Chính quyền tại Indonesia sử dụng máy phun không người lái và xe cứu hỏa để phun khử chất khử khuẩn trên đường phố nhằm đối phó với virus corona, mặc cho lời khuyên của các chuyên gia y tế.

Trên những con đường tại thành phố Surabaya (Indonesia), các thiết bị bay phun thuốc khử khuẩn được triển khai trong nỗ lực ngăn chặn dịch Covid-19. Những thiết bị này có chứa hoá chất thường được dùng trong các sản phẩm tẩy rửa gia dụng.
“Sử dụng máy phun không người lái hiệu quả hơn rất nhiều”, một người dân địa phương cho biết. “Nó có thể khử trùng được tất cả mọi nơi, kể cả mái nhà. Nếu chỉ được thực hiện thủ công, người phun chỉ có thể khử trùng được đến đầu hàng rào, không đến được mái nhà.”

Tại Indonesia, cuộc chiến chống bệnh Covid-19 đã được "nâng tầm".

Reuters

Việc khử khuẩn hàng loạt đã trở thành một cảnh tượng phổ biến trên toàn thế giới để diệt loại virus corona lây lan nhanh này. Đã có hơn 100 người tử vong vì virus corona tại Indonesia.
“Chúng tôi sử dụng benzalkonium chloride, nó có công dụng như xà phòng”, một phát ngôn viên của thị trưởng thành phố Surabaya nói. “Nó giúp làm ‘yếu’ con virus, nên nó sẽ không xâm nhập vào cơ thể được, nó có công dụng như xà phòng vì virus đó không mạnh lắm. Allah phù hộ, những việc chúng tôi, chính quyền thành phố, đang làm hiện nay có thể tối đa hóa nỗ lực của mình để bảo vệ người dân thành phố Surabaya.”
Tại thủ đô Jakarta, xe cứu hỏa tham gia phun chất khử khuẩn trên khắp đường phố. Nhưng một số người vẫn lo ngại về các phương pháp khử khuẩn hàng loạt này.

Trẻ em Indonesia đeo khẩu trang phòng ngừa dịch Covid-19.

Reuters

Dù nhìn rất hoành tráng, biện pháp này bị nhiều chuyên gia dịch tễ xem là một mối nguy hiểm cho sức khỏe cũng như lãng phí thời gian và tài nguyên. Một chuyên gia sức khỏe cộng đồng cho biết các buồng khử khuẩn, hay việc phun thuốc khử khuẩn trực tiếp trên cơ thể người là không được khuyến khích, vì nó không tốt cho da hoặc mắt, và sẽ gây kích ứng.
Một số khác cho biết rằng phương pháp rửa tay và chú trọng vệ sinh những bề mặt tiếp xúc thường xuyên như nút bấm thang máy sẽ có tác dụng bảo vệ tốt hơn phương pháp khử trùng hàng loạt.
Virus corona hiện đang lây lan nhanh chóng trên toàn cầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng mỗi nơi đều có những biện pháp khử khuẩn riêng để đối phó với dịch bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.