img
Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 1.

Những cột mốc 90.000 đồng/kg rồi 95.000 đồng/kg đã bị vượt qua trong tuần rồi, giá cà phê hiện cao gấp đôi cùng kỳ năm trước và với nhiều người, đó là mức giá "trong mơ". Anh Văn Đức Phùng, ngụ xã Bình Thuận (TX.Buôn Hồ, Đắk Lắk), quyết định chốt giá, bán 6 tấn cà phê tích trữ từ cuối năm ngoái trong tâm trạng như vậy. "Thật sự tôi cũng không nghĩ giá cà phê sẽ tăng cao lên mức này. Do không áp lực thu tiền về sớm nên tôi cố giữ cà phê lại, thử xem giá đi xa đến mức nào. Đến khi giá vượt mốc 90.000 đồng/kg thì tôi thấy quá tốt rồi và chốt bán", anh Phùng chia sẻ. Ngược lại, giá tăng nhanh quá nên nhiều người vẫn chưa muốn bán hoặc chỉ bán phân nửa. "Những người giữ hàng lại đa phần trước đó trúng giá sầu riêng nên không bị áp lực về vốn. Mặt khác, giá cà phê cứ vượt hết cột mốc này đến lập kỷ lục khác nên họ sợ bị bán hớ", anh Phùng giải thích.

Chờ đợi, kỳ vọng, bất ngờ rồi lại kỳ vọng là tâm lý của chị Lê Thị Thương ở thôn Thanh Cao (xã Ea Tân, H.Krông Năng, Đắk Lắk). Chứng kiến giá cà phê vượt kỷ lục hết 70.000 đồng đến 80.000 đồng/kg rồi cả 90.000 đồng/kg... và chưa cần tiền nên chị không vội bán. Mãi đến đầu tuần rồi, giá cà phê đạt 94.000 đồng/kg sau đó giảm xuống còn 92.000 đồng/kg, chị Thương mới quyết định xuất bán 2 tấn còn lại.

Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 2.

Việt Nam nguồn cung cà phê robusta số 1 thế giới

Hoàng Nguyễn

Đó là với mặt hàng cà phê thông thường, với hàng chất lượng cao, đặc sản hay cà phê hữu cơ, giá có thể cao gấp đôi. Ông Nguyễn Đại Dương, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ du lịch ROFC (xã Ea Tóh, H.Krông Năng, Đắk Lắk), cho biết: HTX có 12 thành viên chính thức và 85 thành viên liên kết canh tác khoảng 50 ha cà phê theo hướng hữu cơ và 100 ha cà phê thương mại. Kết thúc vụ thu hoạch 2023/24, khoảng 70% sản lượng đã được chốt ở mức 80.000 đồng/kg. Riêng cà phê hữu cơ, chất lượng cao thì làm theo đơn đặt hàng từ trước với giá cả ổn định ở mức cao.

Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 3.
Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 4.
Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 5.
Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 6.

Nhiều nông dân tham gia các chương trình phát triển cà phê bền vững, chất lượng cao, đặc sản… từng bước xây dựng thương hiệu cà phê Việt

Hoàng Nguyễn

Có thể nói, chưa bao giờ giá cà phê cao như hiện nay. Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), phân tích nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất khiến giá cà phê tăng là do mất cân đối cung - cầu, bắt đầu từ niên vụ 2022/23 kéo dài sang đến niên vụ hiện tại 2023/24 và sẽ còn tiếp tục kéo dài đến niên vụ 2024/25. VN là nước cung cấp cà phê robusta số 1 thế giới nhưng diện tích và sản lượng đang có xu hướng giảm. Tại Đắk Lắk, thủ phủ cà phê VN, ước tính sản lượng niên vụ 2024/25 có thể giảm từ 15 - 20% vì nắng nóng và khô hạn. Nhiều vườn chuyên canh cà phê nay đã được trồng xen canh nhiều loại cây khác như hồ tiêu và đặc biệt là sầu riêng. "Chưa bao giờ những người làm cà phê lại lo ngại về sự sụt giảm sản lượng như hiện nay dù giá đang ở mức cao. Đây là điều mà các công ty quốc tế cũng nhìn thấy và lo lắng", ông Minh nói.

Đồng tình với quan điểm của ông Minh, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN (Vicofa), dẫn chứng thế giới tăng nhu cầu sử dụng cà phê robusta không phải là điều ngẫu nhiên. Trong hàng chục năm qua, với nguồn cung lên đến khoảng 1,8 triệu tấn/năm nhưng giá cà phê robusta trên vùng đất Tây nguyên chỉ 32.000 - 35.000 đồng/kg, giá xuất khẩu chỉ lẹt đẹt 1.200 - 1.300 USD/tấn. Vì thế, một số người chuyển đổi sang cây trồng khác, còn những người tâm huyết với cây cà phê thì tập trung cải thiện chất lượng để có thể bán được giá tốt hơn.

Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 7.

"Trong khoảng 10 năm qua, các chương trình canh tác cà phê bền vững, cà phê chất lượng, cà phê đặc sản phát triển mạnh. Những chương trình này ngoài việc tạo ra những dòng cà phê cao cấp, cà phê đặc sản robusta, còn góp phần nâng chất lượng hạt cà phê robusta của VN nói chung", ông Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh và cho rằng chính nhờ giá thành thấp, chất lượng hạt cà phê được nâng cao khiến cà phê robusta VN được các nhà rang xay thế giới chú ý nhiều hơn. Hạt cà phê robusta của VN ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong công thức chế biến của các nhà sản xuất Âu - Mỹ. Họ đã tìm được cái "gu" thị trường từ công thức có thành phần quan trọng là cà phê robusta VN. "Cái gu này bắt đầu từ nhu cầu của thế giới với cà phê robusta VN ngày càng cao và dự báo còn kéo dài. Bên cạnh cung - cầu, các yếu tố về thời tiết, chính trị, tài chính thế giới hỗ trợ cho "cơn sốt" giá cà phê", ông Hải giải thích.

Điều này thể hiện qua chính giá 2 loại cà phê đang tiến sát gần nhau. Kỷ lục mới của giá cà phê VN là trên 95.000 đồng/kg, còn giá cà phê robusta kỳ hạn trên sàn giao dịch London lên tới gần 3.400 USD/tấn, chỉ còn thấp hơn giá cà phê arabica trên sàn New York khoảng 700 USD/tấn.

Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 8.

Không gian Trung Nguyên Legend đầu tiên tại Mỹ thu hút đông đảo người yêu cà phê quốc tế đến trải nghiệm cà phê và văn hóa cà phê Việt Nam

Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 9.

Đại diện HTX Cà phê Ea Tân (xã Ea Tân, H.Krông Năng, Đắk Lắk), một trong nhiều đơn vị chuyên sản xuất cà phê đặc sản, cho biết giá cà phê chất lượng cao hơn từ 15.000 - 17.000 đồng/kg so với cà phê thường; còn giá cà phê đặc sản cao gần gấp đôi giá cà phê thường. Đa phần lượng cà phê chất lượng cao và đặc sản được sản xuất theo hợp đồng hay đã được chốt mua từ đầu mùa.

Ông Trịnh Đức Minh giải thích cà phê có nhiều phân khúc, cấp độ khác nhau nhưng cơ bản xếp thành 3 loại là cà phê thương mại thông thường, cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản. Hiện sản lượng cà phê đặc sản ở Đắk Lắk khoảng 10.000 tấn/năm, chiếm tỷ lệ khoảng 2% tổng sản lượng cà phê cả tỉnh. "Giá trị loại cà phê này cao gấp đôi do quy trình sản xuất đặc biệt, và đây là niềm tự hào và cũng là cơ sở để chúng tôi xây dựng thương hiệu cho cà phê địa phương cũng như VN nói chung. Ngoài Đắk Lắk, nhiều địa phương trồng cà phê cũng đang phát triển mạnh mặt hàng cà phê đặc sản", ông Minh nói.

Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 10.

Việc nâng cao chất lượng cũng đưa cà phê VN thâm nhập các thị trường khó tính. Trung tuần tháng 3 vừa rồi tại Gia Lai, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã chính thức xuất khẩu 2 container với khối lượng khoảng 40 tấn cà phê nhân hữu cơ sang thị trường Nhật Bản, giá trị hợp đồng cao hơn cà phê thường 45%. Để có thành quả này, từ năm 2016 công ty đã bắt đầu xây dựng mô hình liên kết với nông dân để sản xuất các sản phẩm cà phê chất lượng cao. Đến năm 2022, công ty mới ra được sản phẩm cà phê hữu cơ. Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, kiêm Phó chủ tịch Vicofa, cho biết phải mất 2 năm đàm phán để mở được thị trường Nhật. Lô hàng đầu tiên này sẽ mở ra cơ hội mới cho việc phát triển cà phê hữu cơ của công ty vào thị trường này cũng như một số quốc gia tại châu Á và Mỹ trong thời gian tới.

Trước đó, Công ty ổ phần Phúc Sinh đã xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu K COFFEE ra thế giới. Hành trình đó bắt đầu từ năm 2022 tại thị trường Mỹ. "Sản phẩm K COFFEE đã được phân phối ở 37 bang ở Mỹ và nhận được sự phản hồi rất tốt từ người tiêu dùng không chỉ từ người VN mà cả cộng đồng người châu Á và bản địa", bà Jolie Nguyễn (Nguyễn Thị Kim Huyền), nhà phân phối của thương hiệu K COFFEE tại Mỹ, chia sẻ. Sau thành công đó, cuối năm 2023 Phúc Sinh và đối tác của mình tiếp tục hợp tác để đưa sản phẩm mang thương hiệu K COFFEE sang châu Âu, Úc, New Zealand và Nhật Bản.

Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 11.

Có rất nhiều nỗ lực từ các nhà sản xuất cà phê thuần Việt trên hành trình "vẽ" lại bản đồ cà phê thế giới. Đặc biệt nhất phải kể đến Tập đoàn Trung Nguyên Legend. Thay vì bán cà phê nhân giá rẻ, Trung Nguyên Legend là đơn vị đầu tiên của VN đầu tư vào lĩnh vực chế biến cà phê hòa tan mang thương hiệu Việt xuất khẩu. Sau hơn 15 năm chinh phục thế giới, các sản phẩm của Trung Nguyên Legend nay đã hiện diện tại hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ với sự đa dạng về mặt hàng cũng như độ bao phủ ở các kênh phân phối. Không chỉ thành công đưa sản phẩm ra thế giới, các sản phẩm của Trung Nguyên Legend, nhất là G7, luôn nằm trong Top 20 các sản phẩm cà phê hòa tan bán chạy nhất trên Amazon, và được xem là thương hiệu cà phê hòa tan dẫn dắt thị trường châu Á tại Mỹ.

Không dừng lại ở đó, để tăng sự khẳng định thương hiệu cà phê Việt, tháng 9.2022, Trung Nguyên Legend mở cửa hàng cà phê đầu tiên ở Thượng Hải (Trung Quốc). Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend ở Thượng Hải là không gian mang đậm dấu ấn bản sắc, văn hóa VN. Rất nhanh chóng, cửa hàng đạt 2 giải thưởng "Quán cà phê tốt nhất năm 2022" và "Quán cà phê nổi tiếng của năm" của Trung Quốc trong năm 2022. Đến tháng 9.2023, không gian cà phê Trung Nguyên Legend tiếp tục khai trương tại khu Little Saigon (TP.Westminster, bang California, Mỹ). Quán được thiết kế mang đặc trưng của thương hiệu và dấu ấn văn hóa cà phê VN.

Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 12.

Những phong cách thưởng lãm cà phê khác biệt, đặc biệt của Trung Nguyên Legend gây ấn tượng đặc biệt với người yêu cà phê tại Hàn Quốc

Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 13.

Trung Nguyên Legend mang đến những trải nghiệm cà phê mới mẻ thu hút hàng nghìn lượt khách quốc tế tham quan tại Triển lãm Cà Phê Thế Giới 2023 (Ấn Độ)

Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 14.

Các sản phẩm G7, Trung Nguyên, Trung Nguyên Legend đã hiện diện trong hệ thống siêu thị Costco và khắp các kênh bán hàng online tại Mỹ

Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 15.

Năm 2023, xuất khẩu cà phê của VN đạt sản lượng 1,6 triệu tấn, giảm 8,7% nhưng kim ngạch đạt tới 4,2 tỉ USD, tăng 4,6% so với năm trước. Ước tính năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể đạt từ 4,5 - 5 tỉ USD nhờ giá cà phê tăng cao. Nếu thị trường vẫn tiếp tục xu hướng hiện tại thì nhiều khả năng năm nay ngành cà phê lại lập thêm 1 kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, những người gắn bó nhiều năm với cà phê lại bắt đầu lo lắng vì cơn sốt giá nào rồi cũng sẽ đi qua. Làm sao tận dụng được cơ hội để phát triển ngành hàng tỉ USD một cách bền vững mới là vấn đề quan trọng. Bởi khi giá thấp, người trồng tập trung nâng chất lượng để tăng giá trị sản phẩm. Nay giá quá cao, nguy cơ một số người trồng chạy theo những lợi ích ngắn hạn, không tiếp tục đầu tư vào chất lượng là hoàn toàn có thể xảy ra. Ở góc độ thương mại, nhiều doanh nghiệp lớn cũng thừa nhận tình trạng giá tăng "sốc" vượt mọi dự đoán đã dẫn tới nguy cơ thua lỗ hàng loạt, bởi hợp đồng với thế giới thường giao sau từ 3 - 6 tháng. Về thị trường, giá cà phê robusta của VN đang tiệm cận với sản phẩm arabica, và cao hơn cà phê robusta từ các nước khác nên mức độ cạnh tranh vì thế cũng giảm xuống. Không loại trừ về mặt lâu dài, thị trường lại có một sự chuyển hướng mới như cách mà trước đó họ chuyển sang sử dụng ngày càng nhiều cà phê robusta VN…

Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 16.
Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 17.
Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 18.

Tại thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, những cuộc thi cà phê đặc sản những năm qua góp phần nâng chất lượng hạt cà phê VN

Ông Trịnh Đức Minh thừa nhận, mặt trái của cơn sốt giá là tình trạng bẻ kèo lẫn nhau giữa các đối tác trong chuỗi giá trị cà phê, khiến cho thị trường có nhiều bất ổn. Để ngành này phát triển bền vững thì cần tổ chức lại khâu sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân với nhau để tạo thành một HTX sản xuất đúng nghĩa. Cần được tạo môi trường hoạt động lành mạnh để cung cấp các dịch vụ sản xuất, đầu ra cho bà con nông dân. Các HTX này sẽ là đầu mối kết nối hợp tác, với các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu. Khi những nông dân riêng lẻ trực tiếp làm ăn với thương lái, doanh nghiệp thì việc lật kèo giữa các bên rất dễ xảy ra; đổi lại là các tổ chức với nhau thì sẽ hạn chế được rất nhiều.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, một chuyên gia trong lĩnh thương mại quốc tế, nhận xét: Khi thị trường xảy ra đột biến, sẽ có những mặt trái đi kèm và về tổng thể thị trường nền kinh tế VN chưa chắc có lợi. Cũng giống như ngành hàng lúa gạo, giá không thể lúc nào cũng cao chót vót. Vấn đề lâu dài là chúng ta phải tổ chức làm sao để ngành hàng nào mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất cho tất cả các thành viên trong chuỗi giá trị. Nếu làm được như vậy thì về tổng thể nền kinh tế mới được lợi. Việc tổ chức lại một nền sản xuất có liên kết bài bản theo hướng bền vững sẽ giúp bà con nông dân hạch toán tốt hơn giữa chi phí sản xuất, giá thành và lợi nhuận.

Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 19.

Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 20.
Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 21.
Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 22.
Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 23.
Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 24.
Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 25.
Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 26.
Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 27.
Việt Nam đang thay đổi "gu" cà phê thế giới- Ảnh 28.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột thu hút sự quan tâm của người yêu cà phê khắp nơi

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.