img

Đầu năm 2023, chúng tôi có dịp đến trang trại Nắng và Gió của Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food/GCF). Điều gây ấn tượng là ở đây không có khái niệm phế, phụ phẩm vì mọi thứ bỏ đi đều trở thành nguyên liệu đầu vào của một quy trình sản xuất khác. Trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh được kết hợp khoa học, bài bản trong một vòng tròn khép kín theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn.

Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty GCF cười xòa giải thích: "Tôi có chạy theo 'trend' (xu hướng) đâu, 'trend' đang theo tôi đó chứ. Hay nói đúng hơn là may mắn đúng 'trend'. Tôi nghĩ vấn đề là điểm xuất phát của mình đúng với tư duy thời đại. Tôi làm nông và chế biến nha đam, thạch dừa cách đây cả chục năm vì lúc đó thấy tiếc những tài nguyên thiên nhiên bị lãng phí chứ đâu phải để 'làm màu, bắt trend'. Quan điểm của tôi trong công việc là phải dấn thân vào thực tiễn. Bạn thấy đấy, mặt tôi lúc nào cũng trong tình trạng bị cháy nắng đen nhẻm có khác gì nông dân. Tôi thường xuyên ra đồng, vào nhà máy cùng anh em".

Ông ‘vua nha đam’ Nguyễn Văn Thứ: Gieo đồng xanh để gặt mùa vàng - Ảnh 1.

Ông ‘vua nha đam’ Nguyễn Văn Thứ: Gieo đồng xanh để gặt mùa vàng - Ảnh 2.

Là dân kinh tế, duyên cớ nào đưa ông đến với nông nghiệp và vì lý do gì ông lại chọn Phan Rang, nơi có thời tiết khắc nghiệt để làm trang trại?

Đúng là tôi vốn được đào tạo bài bản về kinh tế, có nhiều năm làm tín dụng cho một số chi nhánh ngân hàng lớn ở Đồng Nai. Trong quá trình làm việc, khách hàng của tôi có nhiều người hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tôi cũng đi qua nhiều vùng miền trong cả nước, từ ĐBSCL trù phú đến Tây nguyên bao la hay miền Trung, miền Bắc và nhận thấy, có rất nhiều cơ hội khởi nghiệp và phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong những lần đến Ninh Thuận, vùng đất rất khắc nghiệt này cây nha đam được trồng phổ biến nhưng đầu ra rất bấp bênh, nhiều khi không ai thu mua, người dân phải chặt bỏ. Nhìn cảnh đó, tôi rất buồn và thương bà con nông dân. Từ đấy tôi bắt đầu tìm hiểu thì được biết cây nha đam là thực phẩm có nhiều ưu điểm về mặt sức khỏe, nhiều công dụng từ thực phẩm đến hóa mỹ phẩm. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… sử dụng nha đam rất nhiều từ thực phẩm cho tới hóa mỹ phẩm. Quy mô thị trường lên tới vài tỉ USD và tốc độ tăng trưởng 6 - 7% mỗi năm.

Điều đó làm tôi trăn trở, vì sao một sản phẩm tốt, giá trị kinh tế cao như vậy mà Việt Nam chưa khai khác hiệu quả? Vì sao những người trồng nha đam ở Ninh Thuận phải bán giá thấp và bấp bênh như vậy... Tương tự, đối với sản phẩm thạch dừa, đa phần chúng ta rất thích uống nước dừa tươi. Nhưng khi dừa khô, các nhà máy chế biến chỉ sử dụng phầm cơm dừa, phần nước không dùng tới. Đó là sự lãng phí rất đáng tiếc. Trong khi có thể sản xuất thành thạch dừa, một sản phẩm mà thị trường châu Á đặc biệt là Trung Quốc rất ưa chuộng.

Từ thực trạng đó, tôi chọn bắt đầu với nha đam và thạch dừa vì muốn tận dụng tối đa những giá trị mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Những thứ không còn tận dụng được để phục vụ cho con người cũng có thể chế biến để đưa nó trở lại với vòng quay của đất. Không để tài nguyên bị lãng phí. Đó cũng là quan điểm làm nông nghiệp của chúng tôi.

Ông ‘vua nha đam’ Nguyễn Văn Thứ: Gieo đồng xanh để gặt mùa vàng - Ảnh 3.

Cây nha đam được đưa vào chế biến sâu giúp cải thiện thu nhập của người dân Phan Rang

NVCC

Như ông vừa nói, khi ông nhìn thấy tiềm năng của nha đam và thạch dừa thì ở nhiều nước, các sản phẩm này đã thông dụng và được ưa chuộng. Đi sau, sản phẩm của GC Food cạnh tranh như thế nào?

Từ khi chúng tôi sản xuất nha đam và thạch dừa, các nhà sản xuất đồ uống lớn trong nước như: Vinamilk, Nutifood, TH true milk, Ba Vì milk… cũng như nhiều hệ thống cửa hàng, thức uống giải khát đều sử dụng sản phẩm của chúng tôi. Khách hàng Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đồ uống. Họ nhập hàng của GC Food về nước họ và nhập cả sang các nước ASEAN nơi họ có nhà máy chế biến.

Hiện nay, thạch dừa của GCF chủ yếu phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Trung Đông và ASEAN. Vẫn còn một thị trường rộng lớn là Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ gấp cả trăm lần năng lực sản xuất của VN, chúng tôi chưa khai thác tới. Trung Quốc nhập thạch thô với giá rẻ về chế biến lại để tối ưu hóa lợi nhuận. Chúng tôi dự tính tăng quy mô sản xuất gấp ba lần hiện nay (1.000 tấn/tháng) để hạ giá thành sản xuất nhằm xâm nhập thị trường này. Sức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc ít nhất từ 30.000 - 50.000 tấn/tháng. Còn nha đam, có thể phân làm 2 khu vực. Khu vực châu Á hiện Thái Lan chiếm ưu thế về sản lượng. Thị trường Mỹ và EU, các nước Nam Mỹ nắm lợi thế.

Ông ‘vua nha đam’ Nguyễn Văn Thứ: Gieo đồng xanh để gặt mùa vàng - Ảnh 4.

Vậy lợi thế của Việt Nam trong ngành này nằm ở đâu, thưa ông?

Thái Lan trước đây vượt trội về sản lượng nhưng Việt Nam có lợi thế về chất lượng. Giá thành của Việt Nam gần đây tốt dần lên và hiện có thể nói tốt hơn Thái Lan. Bên cạnh đó, do có sự khác biệt về phương thức trồng trọt và thu hoạch nên chất lượng cũng khác nhau. Người Thái thu hoạch theo mùa vụ, mỗi năm 2 lần. Chính vì vậy, nhiều lá nha đam bị già, khi ăn có cảm giác bị xơ trong miệng. Còn nha đam Ninh Thuận thu hái từng lá, đúng tuổi và quanh năm nên mềm và giòn hơn.

Lợi thế của GCF là các khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có các nhà máy chế biến ở các nước Đông Nam Á. Chính những khách hàng trên nhập sản phẩm của chúng tôi sang các nước này để làm nguyên liệu đầu vào cho hàng hóa của họ. Ngoài sản xuất nha đam thực phẩm, chúng tôi cũng nghiên cứu và hướng tới sản xuất các sản phẩm hóa mỹ phẩm từ nha đam, nhưng đó là định hướng từ 2025 về sau, còn hiện tại chúng tôi vẫn tập trung đẩy mạnh nha đam thực phẩm.

Ông ‘vua nha đam’ Nguyễn Văn Thứ: Gieo đồng xanh để gặt mùa vàng - Ảnh 5.

Người ta nói nông nghiệp thường rủi ro, nhưng với ông thì mọi việc có vẻ khá thuận lợi....

Làm nông nghiệp, không có công thức để thành công. Nếu có công thức thì chúng ta cũng không cạnh tranh lại các nước phát triển như Mỹ, Nhật… Tôi nhớ lúc ban đầu, có những lô hàng xuất đi rồi nhưng bị nhiễm vi sinh phải hủy cả lô hàng, thiệt hại rất lớn cả về vật chất và tinh thần. Từ những thất bại đó, mình học hỏi đển trưởng thành hơn. Để bước vào lĩnh vực này, tôi đã phải bỏ 3 năm nghiên cứu học hỏi từ sách vở, trường lớp; những người đi trước; đối tác và đặc biệt là "thực chiến" - từ đồng ruộng đến nhà máy. Mỗi khi cùng anh em giải quyết được một vấn đề nào đó, dù nhỏ thôi cũng rất vui và động lực cho mình tiếp tục phát triển, tích lũy kiến thức. Quan điểm của tôi là phải dấn thân vào thực tế.

Ông ‘vua nha đam’ Nguyễn Văn Thứ: Gieo đồng xanh để gặt mùa vàng - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty GCF nhận giải thưởng "Sao Đỏ - Doanh nhân trẻ tiêu biểu 2022"

NVCC

Ông ‘vua nha đam’ Nguyễn Văn Thứ: Gieo đồng xanh để gặt mùa vàng - Ảnh 7.

Được biết, trong nửa đầu năm 2023, GC Food không đạt doanh thu và lợi nhuận như kế hoạch, ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề mà công ty đang đối mặt?

Năm 2023, chúng tôi đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận khá cao, đến 30% so với năm 2022. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, từ cuối năm 2021 đến 2022, chúng tôi đã đầu tư tăng quy mô sản xuất của các nhà máy chế biến nha đam và thạch dừa, hai mặt hàng chủ lực. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khách quan tác động từ tự nhiên đến thị trường.

Cụ thể, liên tục 2 tháng cuối năm 2022 tại Phan Rang bất ngờ có mưa lớn kéo dài gây ngập úng nhiều vùng nguyên liệu của bà con nông dân. Đây là điều rất hiếm khi xảy ra với vùng đất này. Tổng diện tích thiệt hại khoảng 20 - 30%. Phải mất 6 - 8 tháng phần diện tích thiệt hại này mới có thể cho thu hoạch trở lại.

Trong giai đoạn đó, chúng tôi phải tăng giá thu mua đến 60 - 70%, có thời điểm lên tới 4.600 đồng/kg, so với bình thường khoảng 2.500 đồng/kg. Phải tăng giá để đảm bảo thu nhập cho bà con nông dân và động lực để họ tái đầu tư. Ngược lại, đầu ra do kinh tế khó khăn, sức mưa yếu, chúng tôi không thể tăng giá bán nên lợi nhuận giảm. 6 tháng đầu năm doanh thu đạt 235 tỉ đồng, chỉ tăng 15% và lợi nhuận trước thuế đạt 17 tỉ đồng giảm 36% so với cùng kỳ năm 2022.

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa trồng trọt và chăn nuôi

NVCC

Còn hiện tại, tình hình hoạt động của công ty đã phục hồi chưa, thưa ông?

Thời điểm này, vùng nguyên liệu cơ bản đã phục hồi, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Chúng tôi tiếp tục tập trung vào các sản phẩm cốt lõi của mình là nha đam và thạch dừa. Để tăng sức mua, chúng tôi cũng giảm giá bán sản phẩm trên cơ sở vẫn đảm bảo chất lượng ngon, vượt trội so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Ngoài các sản phẩm chế biến, chúng tôi đẩy mạnh phát triển vùng trồng và đầu ra cho hai sản phẩm mà trang trại có thế mạnh là dưa lưới và bò thịt. Đây là những nguồn lực đang có sẵn, không phải đầu tư nhiều nhưng có thể khai thác trong dài hạn. Bổ sung thêm 2 trụ cột này chúng tôi sẽ có 4 nguồn thu chính.

Dưa lưới trên thị trường Việt Nam hiện khá phổ biến và giá cũng khá tốt. Nhưng nhiều người than phiền, họ khó mua được trái dưa lưới ngon, GC Food có biết điều này và có cách nào để khắc phục?

Đây là sản phẩm mà tôi và đội ngũ anh em kỹ thuật khá tự tin trong việc tạo ra sự khác biệt cả về chất lượng lẫn giá. Nếu ai đã ăn dưa lưới của GC Food đều biết chất lượng vượt trội so với nhiều sản phẩm khác cùng loại trên thị trường. Chính vì vậy, thời gian qua thị trường chấp nhận mức giá bán lẻ phổ biến của dưa lưới GC Food từ 110.000 - 120.000 đồng/kg. Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã nghiên cứu, "thực chiến" và nắm vững kỹ thuật trồng dưa lưới trên đất nên tự tin đầu tư mở rộng sản xuất trên quy mô 10 ha trong năm nay và mở rộng thêm 10 ha trong năm 2024. Chúng tôi ước tính, với giá thành bán ra tại vườn chỉ khoảng 35.000 đồng/kg và giá đến tay người tiêu dùng ở mức 55.000 - 65.000 đồng/kg.

Trồng dưa lưới trên đất thay vì giá thể và sản phẩm đạt chuẩn Global G.A.P. chính là điểm khác biệt lớn nhất của chúng tôi. Trước đây, dưa lưới của GC Food có số lượng hạn chế, chỉ đủ cung cấp cho các hệ thống cửa hàng cao cấp thì nay chúng tôi đang làm việc với các hệ thống siêu thị lớn như Sài Gòn Co.op, Win Mart, Big C. GC Food cam kết với người tiêu dùng là chất lượng vẫn như cũ nhưng giá tốt hơn nhiều.

Cây dưa lưới của GC Food được trồng ở Ninh Thuận, cho chất lượng vượt trội

NVCC

Trồng trong giá thể là sự phát triển của kỹ thuật canh tác, còn ông thì lại làm ngược?

Dưa lưới tương đối khó trồng nên người Nhật gọi nó là "cây công chúa". Để đạt chất lượng tuyệt hảo, họ chăm sóc đến từng trái dưa. Đúng là dưa lưới được trồng phổ biến trong giá thể vì có một số ưu điểm như tiết kiệm thời gian nhờ quay vòng đất nhanh, cây bị mầm bệnh dễ dàng loại bỏ… nhưng hạn chế là rễ cây chỉ phát triển trong bầu rộng 30 - 40cm đó thôi, cứ xoay tròn trong đó.

Về mặt tự nhiên mà nói, khi đó cây cũng có cơ chế phản ứng, có thể sinh ra một số chất không tốt. Thức ăn nuôi cây là những dưỡng chất do con người cung cấp với những thành phần rất cơ bản như đạm, lân, kali… Trong khi, nếu trồng trong đất, rễ cây có thể vươn ra xa tận 2 - 3m. Trong đất có thể có đến hàng ngàn hàng triệu khoán chất khác nhau. Chúng tôi cung cấp dưỡng chất bổ sung cho cây dưa là hệ phân hữu cơ vi sinh tự sản xuất. Đó là lý do chúng tôi tin vào kỹ thuật trồng của mình sẽ cho ra những trái dưa chất lượng vượt trội.

Cây dưa lưới của GC Food được trồng ở Ninh Thuận, cho chất lượng vượt trội

NVCC

Ông bà ta thường nói "nắng tốt dưa, mưa tốt lúa", ở Việt Nam thì không đâu có nắng tốt bằng Ninh Thuận. Chúng tôi là doanh nghiệp đầu tiên trồng dưa lưới thành công ở vùng đất này, nên cũng có ưu thế về mặt kinh nghiệm. Hiện nay, cũng có một số doanh nghiệp bắt đầu phát triển loại cây này với quy mô khá lớn. Các anh chị lãnh đạo ngành nông nghiệp của tỉnh cũng tâm sự "với giá trị kinh tế cao mà cây dưa lưới mang lại, nó có thể là loài cây đến sau nhưng về trước trên vùng đất 'nắng như rang và gió như phan".

Sản lượng dưa của chúng tôi đạt 20 tấn/vụ/ha, với giá bán thấp nhất là 35.000 đồng/kg, tương đương doanh thu 700 triệu đồng. Một năm có thể trồng được 3 vụ, tính ra doanh thu làm tròn 2 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 25 - 30%, tương ứng 500 - 700 triệu đồng. Tính đến thời điểm này, đây là loại cây cho thu nhập tốt nhất trên vùng đất Ninh Thuận. Chỉ cần đầu ra ổn định thì có thể cho thu nhập rất đều, khả năng thu hồi vốn chỉ sau 2 năm đầu tư. Đó chính là lý do vì sao tôi dám mạnh dạn "bắt tay" với các hệ thống phân phối để cung cấp sản phẩm số lượng lớn.

Ông ‘vua nha đam’ Nguyễn Văn Thứ: Gieo đồng xanh để gặt mùa vàng - Ảnh 11.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.