Xâm nhập trung tâm phục hồi nghiện game tại Hàn Quốc

22/10/2015 19:00 GMT+7

Kim Sang-ho kể về một buổi chơi game liên tục kéo dài 27 giờ của mình: “Tôi ngồi lỳ trước máy tính để chơi game, và chỉ đứng lên hai lần để đi vệ sinh”.

Khi tiến sĩ Lee Tae Kyung, một nhà khoa học tại Hàn Quốc lần đầu tiên trình bày về việc phát triển một chương trình phục hồi để điều trị những người dùng bị lậm công nghệ, ông muốn tìm một phương pháp tốt nhất cho bệnh nhân của mình. Ông nghĩ rằng nếu những người nghiện rượu có quyển The Big Book để giúp mình tự cai nghiện, thì tại sao những người nghiện game hay điện thoại lại không có một quyển sách cho riêng mình.

Điều trị bằng... tiểu thuyết giả tưởng

Nhưng vấn đề là lại không có bất kỳ quyển sách chuyên môn nào dành cho loại "lệ thuộc" đặc biệt này. Vì vậy, Lee đã đến thư viện để nghiên cứu, và tại đó ông đã tìm thấy chính xác những gì mình cần: Momo, một tiểu thuyết viễn tưởng được viết vào năm 1970 của tác giả người Đức Michael Ende.

Bên trong trại cại nghiện game tại Hàn Quốc

Quyển tiểu thuyết Momo của tác giả người Đức Michael Ende.

Momo mô tả một tương lai đen tối khi con người bị những sinh vật huyền bí được gọi là Men in Grey thuyết phục rằng, nên bỏ đi việc giao tiếp và vui chơi giải trí để tiết kiệm thời gian. Đối với một chuyên gia về nghiện như Lee, người đã từng chứng kiến việc lệ thuộc vào công nghệ điện tử ngày một gia tăng trong nước của mình, thì quyển sách này là một sự ẩn dụ hoàn hảo cho việc con người càng ngày, càng để các phương tiện truyền thông cướp đi thời gian của mình.

Bên trong trại cại nghiện game tại Hàn Quốc

Con người càng ngày càng phụ thuộc vào phương tiện truyền thông

Trong cuộc phỏng vấn tại Bệnh Viện Quốc Gia Seoul, Hàn Quốc tiến sĩ Lee cho biết: “Khi chúng ta chơi game, thời gian trong game trôi nhanh hơn so với bên ngoài”. “Game thủ không hề biết thời gian đã trôi qua bao lâu. Do đó, lịch trình giấc ngủ của họ bị chậm trễ, thậm chí họ còn quên những gì phải làm cho hôm sau”, ông nói thêm.

Được truyền cảm hứng từ quyển sách mà ông đã đọc ở thư viện, Lee đặt tên cho chương trình điều trị của mình theo nhân vật trong Momo: Hora, người đã giúp những nhân vật chính đánh bại Men in Grey.

Master Hora hỏi Momo rằng: ‘Điều gì chúng ta phải làm đầu tiên khi Men in Grey bao vây ngôi nhà?’”, Lee giải thích sự tương đồng trong việc tập trung vào giờ giấc các bữa ăn và sinh hoạt hằng ngày đối với chương trình điều trị của ông. “Và câu trả lời là: ‘Chúng ta phải ăn sáng!’ Khi tôi đọc những dòng chữ này, tôi vô cùng ngạc nhiên. Làm thế nào mà ông Ende nhận ra được những điều này trong những năm 70? Vào thời điểm đó thì làm gì có internet!”.

Khi con người trở thành "nô lệ" của công nghệ

Nghiện internet và các loại nghiện phương tiện truyền thông khác đã trở thành một mối lo trên toàn cầu. Năm vừa qua, một nghiên cứu tại Đại học Hồng Kông đã cho thấy 6% dân số toàn thế giới nghiện internet.

Bên trong trại cại nghiện game tại Hàn Quốc

Có 6% dân số trên thế giới nghiện internet

Tại Hàn Quốc, việc nghiện các phương tiện truyền thông được thấy rõ ở khắp mọi nơi. Trong vô số các phòng net, rất nhiều thanh niên Hàn Quốc bỏ ra hàng giờ liền để cày game trực tuyến như World of Warcraft (WoW) hay Liên Minh Huyền Thoại (League of Legends). Một vài người may mắn thì được chọn vào đội tuyển của các game thủ chuyên nghiệp, những người kiếm được hàng triệu đô từ việc chơi game online.

Bên trong trại cại nghiện game tại Hàn Quốc

Bên trong một tiệm internet cafe tại Hàn Quốc

Khi bước lên một toa tàu điện ngầm ở Seoul, bạn sẽ thấy toàn bộ hành khách đều chăm chú nhìn vào điện thoại, bốn trên năm thiếu niên tại Hàn Quốc đều sở hữu smartphone, một trong những quốc gia có tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao nhất thế giới. Chắc chắn rằng những tín đồ công nghệ cao của đất nước này, đều trở thành những con nghiện truyền thông. Theo Bộ Bình đẳng giới và Gia đình thì có 14% thanh thiếu niên tại Hàn Quốc lệ thuộc vào Internet hoặc smartphone.

Bên trong trại cại nghiện game tại Hàn Quốc

Đây là hình ảnh bạn sẽ thấy khi bước vào một toa tàu điện tại Hàn Quốc

Một tỷ lệ nhỏ các thanh thiếu niên bỏ học do lệ thuộc Internet không nhận được sự quan tâm từ xã hội thì sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng” Jung-Hye Kwon, giáo sư tâm lý học tại Đại học Hàn Quốc cho biết.

Kim Sang-ho (tên thật đã được sửa đổi), 24 tuổi, một game thủ thuộc dạng quá mê game online, đặc biệt là StarCraftLiên Minh Huyền Thoại, 2 tựa game hàng đầu tại Hàn Quốc. Tình trạng của anh đã dẫn đến sự xung đột với gia đình và việc sinh hoạt, ăn uống không điều độ. Tại trường đại học, việc nghiện game khiến kết quả học tập của anh tuột dốc không phanh, trong một học kỳ, anh ta đã rớt tất cả các bài kiểm tra.

Kim thừa nhận: “Nếu đem các tiêu chuẩn về nghiện rượu ra so sánh và thay thế cho rượu bằng game thì quả thật là tôi bị nghiện”. Anh kể về một buổi chơi game liên tục kéo dài 27 giờ: “Tôi ngồi trước máy tính để chơi game, tôi chỉ đứng lên hai lần để đi vệ sinh”.

Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là việc thích lên internet và chơi game online có phải là một chứng nghiện thực sự giống như nghiện chất kích thích hoặc cờ bạc hay không?

Việc này không nhận được sự đồng thuận nào trong y học, và trong ấn bản mới nhất của quyển sách Chẩn đoán và Thống kê các Bệnh rối loạn tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders), được xuất bản bởi Hiệp hội Tâm thần Mỹ (American Psychiatric) cũng không công nhận loại nghiện này.

Tiến sĩ Lee nhận thức được sẽ có nhiều tai tiếng nếu xếp việc mê game là một loại nghiện, nhưng ông khẳng định nếu chỉ xem đây là vấn đề về đạo đức đơn thuần thì việc chữa trị sẽ không có tác dụng. “Chúng tôi nghĩ rằng bằng cách xem hiện tượng này như một căn bệnh, thì chúng ta có thể tìm ra được giải pháp”, ông cho biết.

Bên trong trại cại nghiện game tại Hàn Quốc

Nghiện phương tiện truyền thông vẫn chưa được công nhận là một loại nghiện trong y học

Phương pháp Hora

Đặt vấn đề phân loại nghiện sang một bên, Kim vui mừng vì cuối cùng cũng tìm được sự giúp đỡ. Sau khi chịu nghe lời khuyên từ cha mẹ, anh đã tới phòng khám của Lee để điều trị cùng với một nhóm những người khác giống mình. Tại đây, anh đã trải qua các phương pháp điều trị mà Lee đã đưa vào chương trình Hora của mình, hay còn gọi là “Happy Off to Recovery Autonomy”.

Trong vòng môt tháng, Kim được cách ly ra khỏi các thiết bị điện tử, theo yêu cầu của Lee, anh đọc sách và nghe nhạc để giải trí thay vì chơi game. Trong một chuyến viến thăm của báo chí tại phòng khám, hàng chục bệnh nhân ở mọi lứa tuổi đang làm huyên náo trong một căn phòng gần hành lang chính, với những âm thanh khác nhau từ các nhạc cụ như trống cơm, shaker,… Đây là một phần trong việc điều trị giúp bệnh nhân thoát khỏi sự cám dỗ của các thiết bị điện tử và hòa nhập lại thế giới thực.

Để giải quyết cặn kẽ cơn nghiện của mình, Kim còn tham gia tư vấn nhóm. Ngoài ra, anh cũng phải sinh hoạt theo một lịch trình thường xuyên, thức dậy lúc 6 giờ 30 phút và ngủ lúc 10 giờ 30 phút mỗi ngày.

Bên trong trại cại nghiện game tại Hàn Quốc

Đọc sách giúp người nghiện game vận dụng trí tưởng tượng của mình

Sau khi ra xuất viện một vài tuần, Kim cho biết anh vẫn chơi game, nhưng không quá hai giờ 1 ngày, không như lúc trước, anh không còn cảm thấy bị ám ảnh bởi game nữa.

Tôi có thể suy nghĩ một cách rõ ràng”, anh nói. “Tôi có thể tập trung vào những việc khác, tôi có thể tập trung vào nhiều thứ. Tôi không còn cảm thấy mệt mỏi nữa”.

Trước đây, tôi chơi game vì tôi không có ý chí để đạt được điều gì cả”, Kim giải thích. Hiện giờ, anh cho biết anh đã tìm được mục đích cho mình, là đạt được điểm số cao ngoài việc dán mặt vô màn hình máy tính. “Tôi phát hiện rằng tôi mơ ước trở thành bác sĩ trong thời gian ở trại cai nghiện”, anh nói.

Theo tiến sĩ Lee, điều này đã mang lại hy vọng cho những người nghiện game, hầu hết họ đều là những thanh niên trẻ tuổi, và là một trong những mục tiêu chính trong chương trình điều trị của ông. Những người trẻ tuổi này bị cám dỗ bởi hình ảnh tuyệt đẹp trên màn hình, Lee cho biết, họ có thể mất đi khả năng sáng tạo cho tương lai của họ.

Bên trong trại cại nghiện game tại Hàn Quốc

Bị cám dỗ bởi những hình ảnh trên màn hình, những người trẻ tuổi này có thể đánh mất trí tưởng tượng của giới trẻ.

Những trải nghiệm từ game đã giảm khả năng tạo ra trí tưởng tượng của họ”, ông giải thích. “Chúng ta có thể thấy được rằng người nghiện game đã đánh mất rất nhiều lợi ích từ cuộc sống của mình. Họ vắng mặt ở trường, họ không có kế hoạch gì cho tương lai”.

Và đây là lúc những quyển sách như Momo giúp ích, dưới hình thức trị liệu thông qua văn học. Lee phân công những bệnh nhân của mình đọc nhiều tiểu thuyết khác nhau, với hy vọng rằng việc đó sẽ truyền cảm hứng cho họ có thể sử dụng trí tưởng tượng của mình.

Bởi vì khi đọc sách, bạn có thể tưởng tượng ra hình ảnh của riêng mình”, Lee giải thích. “Và tôi muốn điều này được áp dụng trong chương trình điều trị cho bệnh nhân”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.