Tỷ phú bất đắc dĩ - Kỳ 2

09/09/2007 20:20 GMT+7

Hồi chuông cảnh tỉnh cho lối sống gấp! Trước đây, ở những vùng ven thành phố, hễ biết nhà, đất đang sử dụng nằm trong diện phải qui hoạch, ai cũng rầu rĩ và lo lắng. Lo vì sợ mất đất của ông bà để lại, rầu vì chưa biết giải tỏa rồi sẽ làm ăn ra sao... Nhưng giờ thì khác, đô thị mở rộng tới đâu, giá đất tại đó ắt tăng lên; có giải tỏa trắng cũng không sợ vì giá đền bù tương đối cao, còn vô tình được ra mặt tiền thì trở thành tỉ phú là chuyện dễ như trở bàn tay. Nhưng, cũng từ đây, biết bao điều không muốn có đã xảy ra...

Kỳ 1: Những chuyện cười ra nước mắt

Người lớn: Tiền "chùa" xài vô tư

Từ khi biết chắc nhà mình nằm trong diện quy hoạch khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh (TP.HCM), anh P. suốt ngày thấp thỏm mong sớm nhận được tiền giải tỏa. Cộng hết ruộng vườn, anh có đến hơn 1 hecta đất, nhưng do nằm trẹo đường lộ cái nên trước đây năn nỉ hoài, bán giá rẻ cũng không ai thèm mua. Rồi, quy hoạch khu công nghiệp được công bố đã trở thành bước ngoặt cuộc đời cho cả gia đình anh, vì ngoài số tiền được đền bù cả tỉ đồng, hơn 2 công đất mặt tiền của anh đang cũng tăng giá từng ngày. Từ một anh thợ hồ, suốt ngày dầm mưa dãi nắng chỉ kiếm được chưa quá 50.000 đồng/ngày, nay đối với anh, việc  chi xài bạc triệu mỗi ngày là "chuyện thường ngày ở huyện". Đồng tiền rủng rỉnh trong tay, anh bắt đầu đến với đá gà, với cá độ bóng đá, với số đề...

Tương tự là trường hợp của anh Nguyễn Hoàng L., ở một con hẻm rộng 8m trên đường Ấp Chiến Lược, Bình Hưng Hoà A, quận Bình Tân (TP.HCM). Vào những năm 90, gia đình anh L., vốn ở nhờ tại địa chỉ trên của bà con, chuyên nghề làm mướn kiếm sống. Người cô  ở một mình, thấy  cháu (anh L.) hiền lành, siêng năng nên sau khi xuất cảnh sang Mỹ đã để lại cho anh L. mảnh đất  gần 2000m2 làm chốn nương thân. Không ngờ, đến đầu những năm 2000, đất ở khu vực này tăng vọt từ vài chục ngàn/m2 lên hơn 1 triệu đồng/m2. Bán đất, anh L. đương nhiên thành tỉ phú. Thế là xây nhà, sắm xe gắn máy…   Thế nhưng, xưa nay chưa  có số tiền lớn bao giờ, lại chẳng biết tiết kiệm , sang đất chưa được bao lâu, tiền tỉ  trong tay anh nhanh chóng... "bay" mất .


Những con đường vùng ven như thế này đã "sinh" ra nhiều tỉ phú bất đắc dĩ (Ảnh: M.A)

Gia đình anh C., ở khu vực phường Tân Quí, quận Tân Phú (TP.HCM), từ khi đất lên giá cũng được "đổi đời" nhờ tiền tỉ bán đất. Sự "đổi đời" của họ, tuy mới mà chẳng lợi chút nào: Vợ đi đường vợ, chồng theo đường chồng, mạnh ai nấy tiêu xài. Vợ từ sáng tới tối đánh bài tứ sắc; chồng đá gà mỗi độ từ 5-7 "chai" (triệu đồng), thậm chí từ 1-2 lon (10-20 triệu đồng), ngày nào thắng độ là lập tức trực chỉ quán có "em út" để thư giãn...

Con trẻ: Tập làm “cậu ấm, cô chiêu”

Cha mẹ đã vậy, con cái cũng hư theo.  Từ khi có tiền, anh P., anh C.,... bắt đầu sắm sửa cho con. Xe phải là xe tay ga cao cấp, điện thoại thời thượng.

"Cô chiêu" Thanh N., con của vợ chồng anh C. cũng thuộc vào hạng mọi người chỉ cần nghe qua cũng phải “nể”. Dù đã bước vào tuổi trưởng thành, nhưng N. học hành chẳng đến đâu, suốt ngày la cà tụ tập bạn bè, du lịch khắp nơi, có khi  cả tuần cha mẹ không biết con gái đi đâu. Khi N. về, lỡ cha mẹ có hỏi hoặc la rày thì ắt hàng xóm được nghe "hòa ca" với giọng "cô chiêu" nổi bật: "Ông bà tốt lành gì mà la tôi"... Ai nghe cũng phải lắc đầu. Hơn thế nữa, nói đến việc chi xài của N., ai cũng phải cúi đầu "bái phục". Chỉ tính riêng tiền chăm sóc sắc đẹp của N., một tháng sơ sơ cũng hết vài 3 triệu đồng. Còn tiền chi xài du lịch thì khỏi phải nói, mới đây, khi nổi hứng N., sẵn sàng cầm  con xe SH để lấy 30 triệu đồng "vi vu" ở tận Trung Quốc... 

"Cậu ấm" K., con của anh P. (kể trên), cũng thật là "đáng nể". Từ khi nhà trúng đất, K. ăn chơi bất kể, dù hiện đang là sinh viên. "Không chơi thì thôi, chơi là phải chơi tới bến" - K. ra giọng ta đây, tuyên bố hùng hồn như thế. 

Rượu ngoại luôn tràn ngập trên bàn của những thanh niên đang tập làm "cậu ấm, cô chiêu" (Ảnh: M.A)

Để chứng tỏ mình là cậu ấm thứ thiệt, mỗi khi vào vũ trường, K. cũng học theo cách ăn chơi của các "cô chiêu, cậu ấm" nội thành, K. lập luận: đã vào vũ trường mà kêu bia thì quá xoàng, chấp nhận vô đây thì phải chơi... "hết chỉ". Cái giá của sự không xoàng ấy là hàng triệu đồng mỗi lần, cho những chai Hennessy, Johnnie Walker,... và những cuộc vui kéo dài đến nửa đêm về sáng.

Câu chuyện về những "tỉ phú bất đắc dĩ” như trên chỉ là một trong những góc khuất của xã hội đang từng ngày, từng giờ đô thị hóa như TP.HCM. Đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh báo, vì với lối sống gấp, không  biết tiện tặn, không chí thú làm ăn thì tiền của như núi cũng mòn.  Vấn đề đặ ra là  chính quyền địa phương cần quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn, hướng nghiệp cho người dân, nhất là  số bà con sống trong vùng đô thị hóa.

Minh Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.