Iem Gõh - Khi các mẹ Chu Ru dán tên mình lên bó rau hữu cơ

30/09/2019 10:05 GMT+7

“Mẹ Hoan, Mẹ Sun, Mẹ Tri..” là cách gọi tên của những người phụ nữ Chu Ru từ khi có con đầu lòng. Ba năm nay, những cái tên ấy còn gắn liền với từng túi dưa, quả sú, bó rau hữu cơ trong tổ hợp tác Iem Gõh tại thôn Ma Đanh, xã Tutra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Iem Gõh trong tiếng Chu Ru có nghĩa là rau sạch. Đây cũng là tên của dự án do nhóm Caritas Đà Lạt khởi xướng nhằm giúp phụ nữ Churu thoát khỏi đời sống canh tác phụ thuộc vào phân, thuốc hóa học và quan tâm hơn đến sức khỏe cộng đồng. Dự án bắt đầu từ năm 2016, đến nay đã có 14 hộ tham gia với khoảng 11.000m2. 
Mẹ Doanh (thôn Ma Đanh, xã Tu Tra)  là người tiên phong thí điểm cho dự án này trên 1.000m2 đất của mình, chị kể: "Trước đây gia đình chúng tôi cũng làm rau nhưng chúng tôi sử dụng rất nhiều phân thuốc hóa học, giá phân thuốc thì lúc nào cũng tăng nhưng sản phẩm mình làm ra rất là thất thường. Mỗi đợt làm là 20, 30 triệu mà một năm là không biết bao nhiêu luôn, hàng trăm triệu luôn. Nợ phân thuốc mà không có cách nào trả được. Tiếp tục làm, làm để có tiền trả nhưng mà càng làm lại càng lún sâu". 
 
Cách thức canh tác hữu cơ chú trọng vào việc nuôi dưỡng đất. Thay vì chuyên canh, các khu vườn được trồng đa canh với những loại cây chính như cà rốt, sú, dền, bắp cải và những loại cây phụ như đậu leo, đậu cô-ve, đậu xanh để cải tạo đất. Cứ mỗi tuần, họ ước lượng những loại cây trồng nào có thể thu hoạch được và báo cáo về phòng sơ chế. Tại đây, họ sẽ tự tay đóng gói sản phẩm của mình để chuẩn bị chuyển đến nơi tiêu thụ. 
Mẹ Tri (thôn Ma Đanh, xã Tu Tra) là thành viên chính thức của Iem Gõh đã được 1 năm, chị cho biết phải cải tạo đất một thời gian sau đó mới được tham gia vào dự án. "Hồi xưa chị làm rau là không ai biết được hết, cũng không ai mà biết rau ở nguồn gốc nào. Còn bây giờ biết cái rau đó là của tên mình, rồi tên Tổ hợp tác, tên Iem Gõh mà bây giờ là nhiều người biết đến lắm rồi. Người ta thấy cái nhãn hiệu đó người ta cũng an tâm để ăn rau mình mà mình cũng thấy hạnh phúc. Sau này mình càng ngày làm cho lương tâm mình sạch và cho nó thực sự sạch luôn", Mẹ Tri nói. 
Đồng hành cùng với dự án từ những ngày đầu tiên, chị Song Tứ (Caritas Đà Lạt) cho biết để đảm bảo về quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ, tổ hợp tác còn tổ chức hoạt động thanh tra chéo. Trong đó, những thanh tra viên cũng chính là người dân, khách hàng, người hỗ trợ dự án. "Mình xuất hiện ở đây với vai trò là một người đồng hành chứ không phải là một người hướng dẫn hay là một người kỹ thuật. Đồng hành với bà con để xem nếu kỹ thuật bà con chưa tốt mình sẽ kết nối để bà con tham quan mô hình này, mô hình kia. Về khách mình cũng kết nối để bà con có thêm nhiều khách hàng hơn. Để bà con vẫn tiếp tục phát triển và nhân rộng ra hơn nữa.", chị Song Tứ chia sẻ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.