Nỗi ân hận của mẹ

08/05/2009 19:30 GMT+7

(TNO) Tôi gặp chị tại một lớp học tâm lý chuyên đề "Phương pháp dạy con thời hiện đại". Ngay lời giới thiệu ban đầu, chị đã để lại ấn tượng trong tôi: Chị, một phụ nữ đã ngoài năm mươi, kiếm sống bằng cửa hàng tạp hóa nhỏ tại nhà, bỏ ra số tiền tương đương một tháng lương của người tốt nghiệp đại học mới đi làm để đi... học dạy con!

Gia cảnh chị hơi éo le: Chồng mất khi con mới 9 tuổi, chị phải xoay đủ nghề phổ thông để có tiền nuôi con. May mắn (!), con trai chị là một đứa trẻ ngoan, chịu khó và tự giác học hành, vâng lời và biết giúp đỡ mẹ những việc vừa sức. Có điều, mỗi khi thấy mẹ được một người đàn ông  quan tâm là cậu thẳng thắn bày tỏ sự không bằng lòng của mình. Thương con, chị cũng không dám đá động gì đến chuyện đi bước nữa, vẫn một mình đảm nhận cả vai trò làm cha cho con. Đến năm học lớp 11, con trai chị bỗng thay đổi, khuyến khích mẹ lấy chồng. Lại cũng vì thương con, chị đồng ý gá nghĩa với một người đàn ông. Nhà có thêm người, thêm vui vẻ ấm cúng, nhưng kinh tế vẫn không khá hơn, nhất là khi chị sinh con lần nữa. Và đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới nỗi day dứt trong lòng chị bấy nay.

 
Những người mẹ (và bố) - hiện tại và tương lai - tham gia lớp học dạy con ở Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt - Ảnh: K.H

Chị kể: Khi con trai đang học năm thứ hai đại học, một hôm, chị nhận được giấy gọi của nhà trường. Đến gặp ban giám hiệu, chị sững sờ khi biết con chị đã nghỉ học từ 2 tháng trước đây, nhà trường đã gửi giấy mời phụ huynh đến lần thứ ba, và kỳ thi học kỳ đã qua, con chị không thể được nhận trở lại. Chị ra về trong tâm trạng hụt hẫng không tả nổi. Gặp con, nghe trình bày lý do, chị lặng đi. Ngành mà con trai chị theo học đòi hỏi chi phí thực tập quá lớn, mà “mẹ thì còn đang phải chạy tiền mua sữa cho em, nên thôi con chuyển sang học ngành tốn ít tiền và thời gian học hơn để mau đi làm phụ mẹ”. Đã 5 năm rồi, mặc cảm có lỗi với con vẫn không nguôi ngoai trong chị. Chị nghẹn ngào: “Nếu tôi quan tâm nhiều hơn đến con, tôi sẽ không để xảy ra chuyện đó. Nếu cháu được học đại học, đúng ngành mình yêu thích, cơ hội sẽ mở ra nhiều hơn với nó. Tôi đã làm nó bị thiệt thòi…”. Người nghe cũng không cầm lòng được trước sự xúc động của chị.

Và, để có thể hiểu con, gần con hơn; để cho đứa con còn nhỏ một khởi đầu tốt đẹp hơn, chị đã tham gia lớp học nói trên, bằng những đồng tiền chắt chiu từ sự tảo tần của chính mình.

Con trai chị, sau khi học xong cao đẳng, đã có việc làm ổn định, với thu nhập đủ để có thể giúp chị không còn phải “đau đầu” về những khoản chi tiêu trong nhà. Và nhất là, anh chàng không hề tỏ ra tiếc nuối về sự “chuyển hướng” lúc trước, ngược lại vẫn thường xuyên bày tỏ sự hiếu thảo của mình với mẹ. Nhưng lòng người mẹ vẫn không yên. Chị vẫn nghĩ, con chị sẽ có chỗ đứng tốt hơn trong xã hội, nếu ngày ấy chị không… nghèo.

Ai cũng động viên rằng, chị không có lỗi trong chuyện ấy, có ai muốn và cố tình đẩy mình vào cái nghèo đâu, nhưng chị vẫn không nguôi ngoai. Tôi hiểu, đó là tấm lòng người mẹ! Luôn thấy những gì mình làm cho con vẫn là ít, thường quên nhu cầu của mình để đáp ứng những mong ước của con, sẵn sàng hy sinh bản thân để dành những gì là tốt đẹp nhất cho con, mọi suy nghĩ và việc làm đều hướng về con... Đó là mẹ! Đúng như người xưa đã nói về tấm lòng người mẹ: "Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ khô mẹ xê con tới".

Nhân Ngày của mẹ, xin mượn câu chuyện của chị để gửi đến mẹ tôi, đến tất cả những người mẹ trên thế gian này lòng biết ơn về những gì mà những đứa con đã nhận được, về cả những điều con chưa hiểu hết trong mênh mông tình mẹ...

Phương Thanh

>> Chuẩn bị cho Ngày của mẹ
>> Căn phòng cấm
>> Nụ cười của mẹ
>> Mẹ vắng nhà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.