Vắc xin Covid-19 Trung Quốc có hiệu quả ra sao đối với biến thể Delta?

02/07/2021 13:30 GMT+7

Trong bối cảnh biến chủng Delta lây lan mạnh hơn đang trở thành chủng trội trên toàn cầu, nhiều quan ngại nổi lên về khả năng bảo vệ người được tiêm của các loại vắc xin Trung Quốc.

Giới chuyên gia y tế Trung Quốc nói gì về điều này?
Trung Quốc hiện chưa công bố kết quả về mức độ hiệu quả của vắc xin đối với biến thể Delta dựa trên các cuộc thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn hoặc dữ liệu tiêm chủng thực tế.
Thông tin chi tiết từ các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cũng không được công bố. Vì vậy các chuyên gia nước ngoài cũng không thể đánh giá được độ hiệu quả của vắc xin Trung Quốc trước biến thể Delta.

Trung Quốc chỉ sử dụng các vắc xin Covid-19 nội địa tự phát triển.

Reuters

Chuyên gia dịch tễ học Chung Nam Sơn, người định hình cách ứng phó với Covid-19 của Trung Quốc, khẳng định có nghiên cứu cho thấy vắc xin do Trung Quốc phát triển có hiệu quả nhất định trong việc giảm số ca nhiễm có triệu chứng và bệnh nghiêm trọng do biến thể Delta gây ra.
Tuy nhiên đây mới là kết quả sơ bộ và nghiên cứu được thực hiện trên các ca nhiễm Covid-19 ở tỉnh Quảng Châu với số mẫu nhỏ.
Phát ngôn viên công ty Sinovac cho biết các kết quả ban đầu dựa trên mẫu máu của những người đã được tiêm vắc xin của công ty này cho thấy hiệu quả trung hòa giảm 3 lần đối với biến thể Delta. Cũng theo phát ngôn viên này, mũi tiêm tăng cường sau 2 liều vắc xin có thể nhanh chóng kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh hơn và kéo dài hơn để cơ thể chống lại biến thể Delta.
Còn một cựu phó giám đốc CDC Trung Quốc thì nhận định kháng thể do 2 loại vắc xin Trung Quốc tạo ra ít hiệu quả trước biến thể Delta hơn so với các biến thể khác. Vị phó giám đốc này không công bố tên của 2 loại vắc xin trên.

Một trung tâm tiêm vắc xin Covid-19 ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc)

Reuters

Các vắc xin được cho là vẫn có tác dụng bảo vệ. Tại Quảng Đông, nơi phát hiện ca nhiễm biến thể Delta đầu tiên ở Trung Quốc, những trường hợp nhiễm mà đã tiêm chủng đều không có triệu chứng nặng. Những ca bệnh nặng đều là người chưa tiêm vắc xin.
Tuy nhiên vẫn cần thêm dữ liệu để xác minh độ hiệu quả của vắc xin Trung Quốc trước biến thể Delta.
Indonesia hiện đang ghi nhận số ca Covid-19 mỗi ngày cao kỷ lục vì biến thể Delta. Hàng trăm nhân viên y tế Indonesia vẫn nhiễm Covid-19 dù đã được tiêm vắc xin Sinovac. Hiện chưa rõ các nhân viên y tế Indonesia có nhiễm biến thể Delta hay không.

Indonesia là một trong số các quốc gia dựa vào vắc xin Trung Quốc trong chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19

Reuters

Vậy còn mức độ hiệu quả trước biến thể Delta của các vắc xin Covid-19 phương Tây thì sao?
Một nghiên cứu hồi tháng 5.2021 của của Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) cho biết 2 tuần sau liều tiêm thứ 2, vắc xin Pfizer-BioNTech có hiệu quả ngăn ngừa phát triển triệu chứng đến 88% nếu nhiễm biến thể Delta.
Mức độ hiệu quả của vắc xin Pfizer-BioNTech đối với biến thể Alpha, lần đầu được phát hiện ở Anh, là 93%. Còn vắc xin AstraZeneca có thể ngăn ngừa các ca bệnh có triệu chứng từ biến thể Delta với độ hiệu quả là 60%.
Johnson & Johnson hôm 1.7 khẳng định vắc xin của hãng này tạo nên phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và kéo dài chống biến chủng Delta và những biến chủng Covid-19 gây quan ngại khác.
Trong khi đó, đại diện Viện Gamaleya, nơi phát triển vắc xin Sputnik V của Nga, ngày 29.6 cho biết vắc xin này có hiệu quả khoảng 90% đối với biến chủng Delta, tức giảm gần 3% so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.