Bản tin Covid-19 ngày 13.1: Cả nước 16.725 ca | Liệu đã có thể xem Covid-19 như bệnh cúm?

13/01/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 13.1 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 13.1 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 16.725 ca Covid-19, 26.031 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 13.1.2022 cho biết tính từ 16h ngày 12.1 đến 16h ngày 13.1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.725 ca nhiễm mới, 26.031 ca khỏi bệnh. Việt Nam đã ghi nhận 50 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron.

Bản tin cũng thông báo về 206 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 35.170 ca.

Ngày 13.1: Cả nước 16.725 ca Covid-19, 26.031 ca khỏi | Hà Nội 2.968 ca | TP.HCM 701 ca

Thông tin về 16.725 ca vừa được công bố như sau:

  • 25 ca nhập cảnh.
  • 16.700 ca ghi nhận trong nước (tăng 634 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 10.822 ca trong cộng đồng). Hà Nội (2.968), Bình Phước (726), Bình Định (709), TP. Hồ Chí Minh (701), Khánh Hòa (677), Đà Nẵng (657), Cà Mau (599), Bến Tre (593), Hải Phòng (497), Tây Ninh (451), Đắk Lắk (417), Trà Vinh (360), Vĩnh Long (359), Bắc Ninh (346), Thanh Hóa (337), Bà Rịa - Vũng Tàu (329), Hưng Yên (324), Quảng Ninh (294), Thừa Thiên Huế (290), Quảng Ngãi (276), Lâm Đồng (238), Vĩnh Phúc (215), Hòa Bình (211), Hải Dương (203), Quảng Nam (201), Bắc Giang (199), Thái Nguyên (193), Bạc Liêu (185), Hậu Giang (168), Hà Giang (162), Nghệ An (158), Bình Thuận (150), Đồng Tháp (141), Cần Thơ (130), Nam Định (128), Tuyên Quang (126), Đắk Nông (123), Lạng Sơn (121), Thái Bình (121), An Giang (120), Đồng Nai (104), Sóc Trăng (101), Quảng Bình (99), Hà Nam (99), Gia Lai (93), Quảng Trị (83), Phú Yên (77), Kon Tum (76), Kiên Giang (76), Sơn La (73), Ninh Bình (69), Phú Thọ (68), Lào Cai (59), Tiền Giang (57), Điện Biên (55), Cao Bằng (50), Long An (49), Yên Bái (46), Lai Châu (44), Ninh Thuận (39), Hà Tĩnh (38), Bình Dương (24), Bắc Kạn (18).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Nam Định (-99), Khánh Hòa (-95), Bà Rịa - Vũng Tàu (-71).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (+416), Lạng Sơn (+121), Bến Tre (+94).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 16.012 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 50 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP.HCM (12), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2), Long An (1).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.975.444 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 20.019 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.969.294 ca, trong đó có 1.659.113 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (510.202), Bình Dương (291.804), Đồng Nai (99.069), Tây Ninh (84.070), Hà Nội (79.406).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 26.031 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.661.930 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.006 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 4.320 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 798 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 143 ca
  • Thở máy xâm lấn: 726 ca
  • ECMO: 19 ca

Từ 17h30 ngày 12.1 đến 17h30 ngày 13.1 ghi nhận 206 ca tử vong:

  • Tại TP.HCM (19) trong đó có 7 ca từ các tỉnh chuyển đến: Bình Dương (1), Đắc Lắk (1), Long An (1), Đồng Nai (1), Tiền Giang (1), Ninh Bình (1), Phú Yên (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Tháp (30 ca trong 2 ngày), Vĩnh Long (14), Hà Nội (13), An Giang (11), Tiền Giang (11), Bình Dương (10), Long An (10), Cần Thơ (10), Tây Ninh (8 ), Bà Rịa - Vũng Tàu (8 ), Trà Vinh (7), Bến Tre (7), Sóc Trăng (6), Kiên Giang (6), Cà Mau (4), Bắc Ninh (3), Khánh Hòa (3), Lâm Đồng (3), Bình Thuận (3), Thừa Thiên Huế (2), Bình Định (2), Hà Giang (2), Phú Thọ (2), Hậu Giang (2), Bạc Liêu (2), Hòa Bình (2), Quảng Trị (1), Hải Phòng (1), Nghệ An (1), Hà Tĩnh (1), Đà Nẵng (1), Gia Lai (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 218 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 35.170 ca, chiếm tỉ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm 31.224.356 mẫu tương đương 75.979.528 lượt người, tăng 104.459 mẫu so với ngày trước đó.

Trong ngày 12.1 có 927.829 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 164.482.313 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.458.908 liều, tiêm mũi 2 là 71.707.029 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 14.316.376 liều.

Cả nước đã tiêm gần 164,5 triệu liều vắc xin Covid-19

Cập nhật đến 15 giờ ngày 13.1.2022 trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, cả nước đã tiêm hơn 164,4 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó ngày 12.1 đã tiêm gần 950.000 liều.

Cả nước đã tiêm gần 164,5 triệu liều vắc xin Covid-19

Đến ngày 12.1, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 149,4 triệu liều, trong đó:

  • Hơn 70,3 triệu liều mũi 1.
  • Hơn 65,4 triệu liều mũi 2.
  • Hơn 1,3 triệu liều mũi 3 (vắc xin Abdala).
  • Hơn 3,5 triệu liều bổ sung và hơn 8,7 triệu liều nhắc lại.

Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 100%, tỉ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 93,2% và tỉ lệ tiêm liều nhắc lại là 12,5% dân số từ 18 tuổi trở lên.

  • 39/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ đủ liều cơ bản trên 90%.
  • 20/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ đủ liều cơ bản từ 80 – dưới 90%.
  • 4/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỉ lệ bao phủ đủ liều cơ bản dưới 80% là Nghệ An (76,8%), Hà Giang (76,1%), Cao Bằng (78,8%) và Sơn La (74,8%).

Về triển khai tiêm chủng cho đối tượng từ 12-17 tuổi, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm hơn 14,1 triệu liều, trong đó có hơn 8 triệu liều mũi 1 và hơn 6,10 triệu liều mũi 2. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 89,9% và tỉ lệ bao phủ đủ liều cơ bản là 68,5% dân số từ 12 -17 tuổi.

33 tỉnh thành, phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi này gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Nông, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Phước, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang.

Liên quan đến công tác tiêm vắc phòng Covid-19, tại Chỉ thị 01 về tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng công an, nhất là tại tuyến cơ sở để thực hiện quản lý nhóm nguy cơ cao trên địa bàn; tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao để có phương án đáp ứng, hỗ trợ kịp thời; tổ chức tiêm vét vắc xin phòng Covid-19; bảo đảm thực hiện nghiêm việc cách ly tại nơi cư trú, tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Bộ Y tế cũng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo việc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; khẩn trương hoàn thành tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên trong tháng 1.2022 và liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên theo Công văn 10722 ngày 17.12.2021 về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và liều nhắc lại trong Quý I năm 2022.

TP.HCM chi hơn 273 tỉ đồng mua thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19

Chiều 12.1.2022, báo cáo về tình hình mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết TP.HCM đã chi hơn 273 tỉ đồng mua sắm một số trang thiết bị y tế để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.

TP.HCM chi hơn 273 tỉ đồng mua thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19

Các trang thiết bị mua sắm theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, gồm: Máy giúp thở chức năng cao (30 cái), máy lọc máu liên tục (3 cái), máy X-quang di động (28 cái), máy siêu âm (30 cái), monitor theo dõi bệnh nhân (333 cái), máy truyền dịch (150 cái), máy thận nhân tạo (30 cái), 10.000 chai ô xy, 10 bồn lỏng ô xy và 450.000 bộ trang phục chống dịch cấp 4.

Bên cạnh đó, TP.HCM tiếp nhận rất nhiều trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, sinh phẩm từ các nhà tài trợ. Cụ thể, thành phố nhận 712 máy giúp thở chức năng cao, 23 hệ thống máy ECMO, 62 máy lọc máu liên tục, 2.321 máy HFNC, 982 máy thở xâm nhập hoặc không xâm nhập, 19 hệ thống RT-PCR, 13 máy X-quang di động, 553 monitor theo dõi bệnh nhân, 326 máy bơm điện, 66 xe cấp cứu. Riêng test nhanh được tài trợ 12 triệu test (tổng số test tại TP.HCM là khoảng 14,5 triệu test nhanh).

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, thời điểm mua thiết bị chống dịch, TP.HCM cũng gặp nhiều khó khăn. Thời gian cao điểm, hàng hóa khan hiếm (như khẩu trang, găng tay, ô xy...) dẫn đến không đáp ứng đúng theo kế hoạch và dự trù mua sắm. Theo lãnh đạo ngành y tế, năm 2022, TP.HCM tăng cường phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, thuốc, sinh phẩm, vắc xin liên quan công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó là ổn định tình hình tài chính cho các bệnh viện; thanh quyết toán cho các đơn vị chống dịch.

Lãnh đạo phòng thí nghiệm Trung Quốc bị nghi làm lây lan Covid-19

Người lãnh đạo một phòng thí nghiệm y khoa ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) vừa bị bắt để điều tra các tội danh hình sự liên quan việc lây lan Covid-19.

Quản lý phòng thí nghiệm Trung Quốc bị bắt, nghi ngờ làm lây lan Covid-19

Thông tin được cảnh sát thành phố Hứa Xương xác nhận hôm 12.1, trong bối cảnh tỉnh Hà Nam đang đương đầu đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ đầu đại dịch.

Nghi can họ Trương là quản lý vùng của Trung tâm Thí nghiệm lâm sàng Zhengzhou Kingmed, đã bị tạm giữ để điều tra về vi phạm Luật Phòng chống Bệnh truyền nhiễm và “có hành vi làm lây lan virus corona hoặc làm gia tăng nghiêm trọng mối nguy hiểm lây lan".

Tập đoàn Guangzhou Kingmed Diagnostics, công ty mẹ của Zhengzhou Kingmed cũng đã xác nhận thông tin về vụ bắt giữ trên, đồng thời cho biết đang tích cực phối hợp với cơ quan điều tra.

Trong một thông cáo sau đó, tập đoàn đã bác bỏ các tin đồn rằng viên quản lý này đã "ngụy tạo dữ liệu" sau khi "làm mất mẫu".

Theo một quan chức tại Trịnh Châu, phòng thí nghiệm đã bị mất hợp đồng xét nghiệm Covid-19 đại trà tại Vũ Châu do lùm xùm liên quan việc xử lý các mẫu xét nghiệm.

Vũ Châu là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đợt dịch mới nhất ở Hà Nam.

Thành phố đã phong tỏa hơn 1,1 triệu dân và triển khai xét nghiệm bắt buộc. Ngày 12.1, Hà Nam ghi nhận 118 ca nhiễm cộng đồng, so với 87 ca ngày trước đó.

WHO cảnh báo chưa thể xem Covid-19 như cúm

WHO vừa đưa ra cảnh báo rằng vẫn còn quá sớm để các nước có thể xem Covid là một căn bệnh đặc hữu như bệnh cúm, bởi vì vẫn còn quá nhiều điều chưa chắc chắn liên quan sự lây lan của biến thể Omicron.

WHO cảnh báo: quá sớm để xem Covid-19 là bệnh đặc hữu như cúm

Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge nói hôm 11.1 Omicron đang trên đà lây nhiễm cho hơn một nửa dân số châu Âu trong 2 tháng tới.

Trong tuần đầu tiên của năm 2022, châu Âu thông báo đã có hơn 7 triệu ca nhiễm mới, tăng gấp đôi chỉ trong 2 tuần.

Đã có 50 trong tổng số 53 quốc gia ở châu Âu và Trung Á ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể Omicron.

Được các nhà khoa học ở Nam Phi phát hiện lần đầu tiên vào tháng 11.2021, biến thể Omicron đã nhanh chóng lan rộng ra nhiều nước và hiện đã có mặt ở ít nhất một phần ba các quốc gia trên thế giới.

Một số nghiên cứu đã cho thấy người nhiễm biến thể Omicron sẽ ít nguy cơ phải nhập viện như biến thể Delta.

WHO sau đó đã cảnh báo rằng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định điều này.

Tuy nhiên, một số chính phủ châu Âu và trên thế giới đã bắt đầu xem xét khả năng xem Covid-19 như một bệnh đặc hữu.

Ngày 10.1, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói có thể đã đến lúc cần nhìn nhận Covid theo một cách khác, xem như bệnh cúm do khả năng gây chết người của Covid-19 đã giảm xuống.

Ngày 9.1, hãng tin Sky News dẫn lời Bộ trưởng Giáo dục Anh Zahawi bày tỏ hy vọng rằng "nước Anh sẽ là một trong những nền kinh tế lớn đầu tiên cho thế giới thấy cách chuyển đổi trạng thái từ đại dịch sang bệnh đặc hữu".

Hôm 11.1, Tiến sĩ Anthony Fauci, Trưởng cố vấn y tế tổng thống Mỹ, cũng thừa nhận việc xóa sổ Covid-19 là điều “phi thực tế” và dự báo biến thể Omicron sẽ lây nhiễm cho tất cả mọi người.

Ông cũng cho rằng Mỹ đang tiếp cận ngưỡng có thể sống chung với Covid-19 và coi nó như loại bệnh có thể kiểm soát được.

Tuy nhiên, cũng hôm 11.1, bà Catherine Smallwood, quan chức cao cấp của WHO tại Châu Âu, đã cảnh báo không nên coi virus này là bệnh đặc hữu.

Bà nói: “Còn rất nhiều điều chưa chắc chắn và một loại virus đang phát triển khá nhanh đang đặt ra những thách thức mới cho chúng ta. Chúng ta chắc chắn chưa đến mức có thể gọi nó chỉ là bệnh đặc hữu”.

Theo ông Kluge, 26 quốc gia ở châu Âu báo cáo rằng cứ mỗi tuần có hơn 1% dân số của họ đang nhiễm Covid-19. Ông cũng khuyến cáo hạn chế đi lại giữa các quốc gia nhằm giúp hệ thống y tế của họ không bị quá tải.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 13.1 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.