Hàng rong trên phố nói không với bóng đèn sợi đốt

08/08/2023 13:43 GMT+7

Nói chuyện với một người bán hàng trên vỉa hè, tôi ngạc nhiên khi “gánh hàng rong” giảm được tận hai trăm ngàn tiền điện mỗi tháng sau khi anh nói không với bóng sợi đốt. Đó quả là con số không hề nhỏ đối với những người “chạy ăn từng bữa” và tiết kiệm điện chính là một trong những thói quen để có thêm lãi.

Buổi tối, thủ đô Hà Nội đang trong thời gian giảm đèn đường, có thể dễ dàng tìm kiếm các xe bán rong hơn vì họ luôn có đèn chiếu sáng. Và đội quân này cũng tiêu thụ lượng điện năng không nhỏ.

Hàng rong trên phố nói không với bóng đèn sợi đốt - Ảnh 1.

Hàng rong trên phố đã thay bóng sợi đốt bằng đèn LED tiết kiệm điện

ĐINH THÀNH TRUNG

Hàng rong hay hàng vỉa hè, hàng lề đường bây giờ cũng gần như nhau. Xe máy, xe đạp nhưng cũng bày tủ kính, cũng chăng đèn soi sáng cả một đoạn ngắn trên đường. Suy nghĩ của những người bán xe ăn vặt rong cũng thay đổi trong thời đại này. Bình thường, chúng ta cứ nghĩ việc bật hay tắt điện đối với cánh bán rong cũng bình thường thôi. Thời buổi chỉ chở xe đạp bán một món không đủ sống nữa, người bán hàng rong cũng đầu tư hơn. Họ mua xe chuyên dụng để có thể bày tủ kính bán hàng. Vậy là phải sạc điện, sạc ắc quy, sạc bóng đèn, sạc loa...

Và cũng đừng nghĩ chỉ một vài chiếc bóng đèn do hàng rong bật là không ảnh hưởng gì nhiều đến lượng điện năng tiêu thụ. Suy nghĩ ấy bị chính những người bán hàng rong không đồng tình. Bản thân họ cũng ngày một nhận thức tốt hơn vì vấn đề chi phí. Anh Hào, một người bán xôi, bánh khúc rong ruổi trên đường phố Hà Nội, chia sẻ hồi trước cứ hay mua bóng đèn loại "đểu" vì rẻ. Mãi sau mới để ý là bóng đèn sợi đốt vừa tốn điện, vừa nóng, tuổi thọ lại ngắn. Anh bỏ bóng đèn sợi đốt, "tống khứ" luôn chiếc bóng huỳnh quang cũ mèm và sắm ngay cặp đèn LED.

Không chỉ tiết kiệm điện từ bóng đèn, giờ đây người cung cấp dịch vụ "ẩm thực đường phố" còn tiết kiệm điện từ nhiều việc khác. Chị Nguyễn Thị Hoa, người có thâm niên bán bánh mì, bánh bao, ngô khoai..., cho biết có nhiều cách để giảm chi phí dù chỉ là một chiếc xe đi bán rong. Khi dừng lại ở chỗ bán hàng, chị chỉ bật loa chừng một hai phút rồi tắt, một lúc sau mới bật lại. Vì "kêu réo nhiều người ta cũng khó chịu". Bóng đèn thì cố tìm mua loại tiết kiệm điện hơn, có tuổi thọ cao hơn. "Ngày trước dùng mấy cái bóng đỏ chói gắt cả mắt mà tốn điện, loáng cái đã hết ắc quy".

Nghĩ lại thì thấy trong tất cả các nghề nghiệp và công việc mưu sinh thì ý thức tiết kiệm cũng dần phải khá lên, đó là nói về việc cắt giảm chi phí cho chính mỗi người chứ chưa tính đến tiết kiệm chung cho toàn xã hội. Ngay mới chỉ vài năm trước thôi, khi đội quân bán hàng đường phố vẫn còn nhiều người dùng bóng đèn sợi đốt rẻ tiền, khi hỏi đến thì có người buông một câu "Mấy ổng cấm sao xuể", nghe mà phát ngán.

Còn bây giờ, sau vài năm trên thị trường hầu như không còn bán bóng đèn sợi đốt nữa. Chủ trương cũng đã không cho loại bóng đèn lãng phí điện này còn chỗ sử dụng. Đối với dân buôn bán, cứ lấy việc kinh tế ra kết hợp với hiệu quả thực tế thì kiểu gì người người cũng làm theo.

Người viết bài này rất vui vì đã từng cầm giấy tính toán cho một bà chủ quán nhậu vỉa hè, sau đó nhận tin nhắn rằng: "Nếu dùng đèn LED chỉ tốn sáu bảy chục ngàn là có một bóng ngon lành, trong khi đó tuổi thọ bóng sợi đốt chỉ bằng 1/5, rồi tiền điện chênh nhau rất nhiều, nếu tính trong một năm thì sẽ tốn hơn gấp đôi chi phí nếu cứ dùng đèn sợi đốt như trước đây thì các chủ quán nghe theo ngay".

Người bán hàng rong ủng hộ thu phí vỉa hè: 'Hết cảnh thấy đô thị là hốt hàng chạy'

Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên tổ chức và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.

Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6-31.8.2023.

Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.