KTS Ngô Viết Nam Sơn: Nên đầu tư xứng đáng cho tuyến đường Lê Lợi

KTS Ngô Viết Nam Sơn: Nên đầu tư xứng đáng cho tuyến đường Lê Lợi

07/04/2023 15:48 GMT+7

Tiến sĩ khoa học - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đề xuất xây dựng đường Lê Lợi thành tuyến phố hiện đại, thân thiện với người đi bộ, xứng tầm tuyến phố thương mại dịch vụ bậc nhất TP.HCM.

Như Báo Thanh Niên đã thông tin, cuối tháng 3.2023, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đề xuất phương án chỉnh trang đường Lê Lợi sau khi tái lập nguyên trạng vỉa hè và lòng đường.

Theo đó, trên phần đường Lê Lợi cùng hướng với chợ Bến Thành sẽ được lắp hệ thống mái che để vừa che nắng, vừa che mưa, vừa tạo không gian đi bộ thuận lợi cho thương mại, du lịch. Kinh phí ước tính sơ bộ bước đầu khoảng 20 - 30 tỉ đồng, bao gồm chi phí vật tư, nhân công, thi công…

Theo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, mái che được lắp dọc vỉa hè tuyến đường, kết cấu khung sắt lợp tôn, đóng trần, vươn ra ngoài chừng 4 mét. Vật liệu của mái sẽ sử dụng loại bền, đẹp, thi công nhanh, kết hợp thiết kế màu sắc hài hòa với cảnh quan chung ở khu vực. 

Đề xuất này ngay lập tức nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Trước nhiều luồng ý kiến trái chiều khác nhau, một số chuyên gia về quy hoạch kiến trúc cũng đã có những nhận định về vấn đề này.

Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, phương án lắp mái che lợp tôn đóng trần giả tại phần đường Lê Lợi cùng hướng với chợ Bến Thành là phương án không phù hợp với giá trị cảnh quan trung tâm lịch sử của đường Lê Lợi: “Cụm công trình nhà phố từ đoạn đường Pasteur cho đến chợ Bến Thành, thì khó hơn nhiều bởi vì dãy nhà phố này không cùng quy cách, chiều cao tầng trệt khác nhau, lổm ngổm chỗ thì 3m, chỗ thì 5m, chỗ thì 4m và kiến trúc cũng không đồng nhất. Như vậy, việc làm mái đua sẽ khó hơn nhiều, không phải đơn giản là chỉ lắp đại cái máy đằng trước vì như vậy sẽ làm xấu mặt tiền”.

“Bên cạnh đó, tôi cho rằng cần phải trả lại các hàng cây xanh, đoạn cùng phía với chợ Bến Thành. Có thể không cần trồng cây cao lắm, nhưng phải chọn loại có bóng và trả lại cảm giác có không gian xanh ở trên tuyến đường. Bởi vì lề đường 2 bên đường Lê Lợi nó nhỏ thôi, khoảng 3 đến 5m, không có bao nhiêu hết; nếu mình làm một cái gì đó nặng nề thì nó sẽ làm xấu không gian”, KTS Nam Sơn nhấn mạnh. 

KTS Nam Sơn cho rằng khi tiến hành cải trang đường Lê Lợi, cần lưu ý: “Thứ nhất, cần trả lại hàng cây xanh ở hai bên đường Lê Lợi. Thứ hai là đồng nhất hệ thống console gắn liền với mặt tiền của dãy nhà trên đường Lê Lợi. Phải tính toán làm sao để đồng nhất, đồng bộ thiết kế cả 2 bên đường”.

Theo ông, khi trồng lại hàng cây xanh bóng mát đã bị chặt bỏ trước đây, nếu không còn có thể chôn ngầm được thì vẫn có thể làm bồn cây nổi, trồng hoa phía dưới chân, kết hợp với băng ghế ngồi. Trong bối cảnh không kịp cho cây lớn để che nắng trong thời tiết nắng nóng hiện nay, thì có thể lắp ghép hệ khung pergola tách rời với công trình, để cho dây leo bao phủ phía trên, cũng tạo hình thành các mảng xanh có bóng mát tương tự các tán cây.

KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá đường Lê Lợi là một trong những tuyến đường thương mại dịch vụ quan trọng bậc nhất tại TP.HCM. Vì vậy, ông đề xuất Sở Quy hoạch - Kiến trúc cần phải xây dựng được một bản thiết kế quy hoạch chi tiết tuyến đường hoàn chỉnh, kèm theo các hướng dẫn quản lý thiết kế đô thị, bao gồm việc chỉnh trang nâng cấp mặt tiền hai bên đường, trồng cây, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan xanh mát và thân thiện hơn với người đi bộ, liên kết không gian xanh các tầng thượng của khối đế  những cụm công trình cao tầng,  tổ chức lại giao thông bộ an toàn tách biệt với giao thông xe, dự kiến quy hoạch phát triển không gian ngầm tương lai để tầng ngầm các công trình mới kết nối vào. 

Chính quyền nên gấp rút tổ chức một cuộc thi chỉnh trang kiến trúc cảnh quan cho toàn tuyến đường Lê Lợi, để các KTS , nhà quy hoạch đô thị cùng tham gia đề xuất phương án. Sau đó lựa chọn các phương án tiêu biểu, tổ chức một buổi triển lãm để người dân và du khách cùng xem xét, góp ý để chỉnh trang xây dựng lại đường Lê Lợi một cách bài bản với tầm cao mới, xứng tầm hơn khi khánh thành tuyến Metro số 1, nhằm kích thích hồi phục và phát triển kinh tế xã hội cho khu trung tâm thành phố. “Ở đây là không gian đắt giá, không gian sang trọng hàng đầu của thành phố, nó cần có sự chăm chút kỹ lưỡng hơn”.

Trước đó, vào chiều 30.3.2023, tại buổi họp báo định kì kinh tế - xã hội TP.HCM, bà Trương Quang Thục Trinh - Phó Trưởng phòng Quy hoạch khu vực I (thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM) khẳng định Sở sẽ lấy ý kiến rộng rãi và tiếp thu mọi ý kiến đóng góp từ cộng đồng, xã hội và người dân để đưa ra phương án quy hoạch tốt nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.