Chạy bão rầm rộ trên nhiều tỉnh, thành

18/11/2008 00:49 GMT+7

Tại cuộc họp chiều qua, Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống lụt bão Trung ương khẳng định, các địa phương và bộ ngành liên quan đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ, tổ chức triển khai quyết liệt các biện pháp phòng tránh bão.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 16 giờ chiều qua, bão số 10 đã làm chìm 71 phương tiện của ngư dân Khánh Hòa đang neo đậu tại bến tránh bão; một số sự cố khác về tàu thuyền tại Khánh Hòa và Phú Yên đã được xử lý kịp thời, tàu thuyền và ngư dân hiện vẫn an toàn. Tại Khánh Hòa có 1 người chết do bị điện giật khi đang chằng chống trên mái nhà...

Bão chuyển hướng đổ bộ Khánh Hòa, Ninh Thuận
Tâm bão số 10 đi vào các tỉnh Khánh Hòa - Bình Thuận
Khánh Hòa: Tất cả tàu thuyền đánh cá đã vào bờ an toàn
Ninh Thuận: Còn hơn 750 ngư dân chưa vào bờ tránh bão
ĐBSCL khẩn trương phòng chống bão

Tại Phú Yên, tính đến ngày 17.11, mưa lũ làm 4 người chết (3 học sinh và 1 trẻ nhỏ); sập hoàn toàn 5 nhà dân, một số phòng học, trạm xá xã bị hư hỏng; hơn 1.000 ha lúa mùa trong giai đoạn làm đòng bị ngập và 1.000 ha mía bị ngã đổ, hàng chục hecta đất canh tác bị bồi lấp, xói lở, 2 chiếc thuyền bị chìm. Nhiều tuyến giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp, hư hỏng...

Quân khu 7 giúp sơ tán gần 30 ngàn dân

Trao đổi với PV Thanh Niên lúc 17 giờ 30 chiều qua, đại tá Nguyễn Huy Thông, Trưởng ban cứu hộ, cứu nạn Quân khu 7 cho biết: Tại thị xã La Gi, huyện Hàm Tân và huyện Hàm Thuận Nam, lực lượng vũ trang Quân khu 7 gồm 2.640 dân quân của 126 xã thuộc Bình Thuận kết hợp với D trinh sát và B Công binh thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận đã sơ tán 6.201 hộ với 29.151 người. Ông Thông cũng cho biết, tại huyện đảo Phú Quý, cùng với người dân địa phương, các cán bộ, chiến sĩ Huyện đội Phú Quý đã kéo lên bờ hơn 1.000 chiếc tàu, giúp người dân neo đậu an toàn hơn 500 chiếc khác...

Tấn Tú

Tại Khánh Hòa, UBND tỉnh có công điện khẩn yêu cầu các trường cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học kể từ ngày 17.11, thời gian đi học lại sẽ thông báo sau; đồng thời chỉ đạo các địa phương và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng có các biện pháp kịp thời giúp dân tránh bão. Tỉnh có kế hoạch di dời trên 15.000 hộ dân với tổng số gần 67.000 người sinh sống ở các vùng trũng thấp ven biển, ven sông suối, vùng dễ xảy ra lũ quét, lở đất... đến nơi an toàn.

Ông Đào Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND thị xã Cam Ranh cho biết: chính quyền địa phương dự định di dời khoảng 700 hộ dân đến nơi an toàn. Vào khoảng 14 -15 giờ, bão đã tràn qua thị xã Cam Ranh, gây mưa lớn. Tuy nhiên, do nước hồ Sông Trâu không dâng cao như dự kiến, nên chỉ xả nước với lưu lượng 15m3/s. Do đó,khoảng 15 giờ ngày 17.11, chính quyền địa phương chỉ tiến hành di dời 52 hộ dân (192 nhân khẩu) của xã Cam Thịnh Đông.

Tại Ninh Thuận, ngay sau buổi họp sáng qua, hơn 1.000 dân quân tự vệ, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cùng hàng chục xe tải, ca-nô được huy động về các địa phương bắt tay vào việc giúp dân sơ tán khỏi vùng nguy hiểm khi bão vào đất liền. Phương án chung của Ban PCBL tỉnh là sơ tán dân về các vùng cao, các tòa nhà cao tầng, nhà kiên cố trong dòng tộc, họ hàng ở các khu dân cư. Đến 17 giờ, toàn tỉnh di dời được 8.379 người dân.

Tại TP.HCM, lúc 16 giờ chiều qua, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND H.Cần Giờ, cho biết: Các cơ quan chức năng của huyện đã thực hiện di dời gần 2.300 người dân xã đảo Thạnh An vào tránh bão trong đất liền, trên tổng cộng 25 chuyến tàu khách, tàu đánh cá.

Có mặt tại Nhà thiếu nhi H.Cần Giờ, một trong 3 điểm trú ẩn (hai điểm còn lại là Liên đoàn Lao động và trường Bồi dưỡng giáo dục) nằm ở trung tâm huyện vào lúc 14 giờ, chúng tôi thấy hàng đoàn người dân xã đảo Thạnh An sau khi được đò, tàu chở về đã được xe khách chờ đón về 3 điểm tập kết trên. Theo bà con, ngay từ 18 giờ ngày 16.11, các cán bộ xã, ban ấp và bộ đội biên phòng đã đến từng nhà vận động dân di dời vào đất liền.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đến chiều qua, hơn 4.500 ghe, tàu với khoảng 32.000 ngư dân đã vào bờ an toàn. Tỉnh cũng sẵn sàng phương tiện, lực lượng để di dời khoảng 30.000 hộ dân ven biển đến nơi an toàn. Sở GD-ĐT quyết định cho học sinh thuộc tất cả các khối lớp từ mầm non đến THPT nghỉ học từ chiều ngày 17.11 đến hết ngày 18.11. Sở Công thương cũng tổ chức giao kết với một số điểm cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh không tăng giá hàng hóa trong đợt bão số 10 này.

Tại Bình Thuận, các vùng ven biển thuộc các địa phương: đảo Phú Quý, Tuy Phong, Bắc Bình, TP Phan Thiết, thị xã La Gi, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, các hộ dân được thông báo chằng chống nhà cửa, tích trữ lượng thực, thuốc y tế, nước sinh hoạt, không ra đường khi bão đổ bộ nhằm tránh thương vong do tôn bay, cây đổ; chính quyền lên phương án di dời 49 điểm gồm 19.196 hộ/87.982 khẩu khi có bão đổ bộ, 94 điểm gồm 18.676 hộ/84.174 khẩu khi có lũ.

Ngoài ra, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh chủ động thông báo với Bộ Tư lệnh Quân khu 7 xin điều động máy bay chuyên dùng để đưa lãnh đạo ra huyện đảo Phú Quý chỉ huy công tác phòng, chống bão. Sở GD-ĐT tỉnh thông báo đến các trường học cho học sinh tạm nghỉ học từ chiều 17.11 và ngày 18.11.

Nhóm PV Thời sự

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.