Vì sao UNESCO kêu gọi cấm điện thoại thông minh trong trường học?

Vì sao UNESCO kêu gọi cấm điện thoại thông minh trong trường học?

Bùi Vân
Bùi Vân
28/07/2023 18:24 GMT+7

Lời kêu gọi được UNESCO đưa ra nhằm giải quyết tình trạng gián đoạn trong lớp học, cải thiện khả năng học tập và bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực mạng.

Theo báo cáo Giám sát giáo dục toàn cầu năm 2023, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hiệp Quốc (UNESCO) khẳng định việc sử dụng điện thoại di động quá mức làm giảm hiệu suất học tập và tác động tiêu cực đến sự ổn định cảm xúc của trẻ.

Vì vậy, UNESCO kêu gọi các quốc gia cấm điện thoại thông minh trong trường học, đồng thời duy trì mục tiêu giáo dục “lấy con người làm trung tâm”. Bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO cũng nhấn mạnh rằng việc kết nối trực tuyến không thể thay thế sự tương tác giữa con người. Việc sử dụng công nghệ số phải nhằm nâng cao trải nghiệm học tập, mang lại lợi ích cho người học và giáo viên thay vì gây ra tác động tiêu cực cho họ.

Vì sao UNESCO kêu gọi cấm điện thoại thông minh trong trường học? - Ảnh 1.

Việc sử dụng điện thoại quá mức làm giảm sút hiệu quả học tập của học sinh

ĐÀO NGỌC THẠCH

UNESCO cảnh báo các nhà hoạch định chính sách không nên áp dụng công nghệ số một cách thiếu thận trọng. Vì “không phải mọi sự thay đổi đều dẫn đến tiến bộ”.

Báo cáo của UNESCO cũng khuyến cáo các quốc gia cần đặt ra mục tiêu và nguyên tắc rõ ràng để phát huy lợi ích của công nghệ số, tránh những tác động tiêu cực của chúng đến sức khỏe học sinh, thậm chí là vấn đề dân chủ và nhân quyền. Phát biểu với UN News, ông Manos Antoninis, Giám đốc Báo cáo Giám sát giáo dục toàn cầu của UNESCO cảnh báo về nguy cơ rò rỉ dữ liệu trong công nghệ giáo dục, vì chỉ có 16% quốc gia đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu trong lớp học theo luật.

Theo UNESCO, một số quốc gia đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đặt người học lên hàng đầu. Dựa trên phân tích 200 hệ thống giáo dục trên khắp thế giới, UNESCO ước tính cứ 4 quốc gia thì có 1 quốc gia cấm điện thoại thông minh trong trường học, thông qua luật hoặc hướng dẫn, điển hình như Pháp đã đưa ra chính sách này vào năm 2018 và Hà Lan bắt đầu áp dụng các hạn chế từ năm 2024. Trung Quốc cũng đặt ra ranh giới cho việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số làm công cụ giảng dạy. Cụ thể, thời gian sử dụng chúng được giới hạn ở mức 30% trên tổng thời gian giảng dạy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.